Nuôi mộng biến Phở 24 thành thương hiệu đẳng cấp thế giới nhưng cuối cùng ông chủ Lý Quý Trung vẫn quyết định bán thương hiệu này với giá 20 triệu USD.
Tính cả thời gian đàm phán hợp đồng, thương vụ mua bán Phở 24 đ/Portals/0/Upload2013/gmailcom/Images/nhc3a0-hc3a0ng-phe1bb9f-24%20(1).jpgã diễn ra cách đây 2 năm. Trong suốt hai năm qua, giới kinh doanh dù thạo tin cũng chỉ có thể biết được những diễn biến sơ lược nhất. Theo đó Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu đình đám tại Việt Nam Highlands Coffee mua 100% cổ phần Phở 24 từ ông chủ Lý Quý Trung với giá 20 triệu USD trong tháng 11/2011. Ông Trung trước đó khởi nghiệp xây dựng Phở 24 chỉ với “vỏn vẹn” một tỷ đồng.
Công ty Việt Thái Quốc Tế của ông Davaid Thái, sau khi sở hữu 100% cổ phần thương hiệu Phở 24, đã bán 50% cổ phần cho Jollibee (Philippines). Giao dịch có giá trị 25 triệu USD thông qua Jollibee Worldwide – thành viên Tập đoàn Jollibee.
Đây tất cả những gì mà giới truyền thông có được và cũng không biết thông tin này chính xác đến đâu vì cả 3 bên ông Lý Quý Trung, Việt Thái Quốc Tế và Jollibee chưa hề lên tiếng khẳng định hay phủ nhận.
Các chuyên gia đồng loạt mổ xẻ nguyên nhân tại sao ông Lý Quý Trung quyết định bán Phở 24. Quyết định này gây khá nhiều ngạc nhiên cho người trong giới vì ai cũng biết tham vọng đưa Phở 24 ra thế giới của ông Trung mạnh mẽ như thế nào. Ông Trung từng tuyên bố Phở 24 sẽ là công ty của cả cộng đồng, lên sàn giao dịch và là tên tuổi quốc tế.
Dù ngạc nhiên nhưng hầu hết các chuyên gia đều đánh giá ông Trung đã có quyết định đúng đắn vì Phở 24 đã có dấu hiệu đi xuống trước thời điểm bị thâu tóm. Lúc đó, các cửa hàng trong nước đuối sức, mặc dù cách phục vụ cũng như chất lượng món ăn vẫn được bảo đảm. Bên cạnh đó, Phở 24 bộc lộ rõ nhưng yếu điểm của hệ thống nhượng quyền. Khi gia tăng quy mô hoạt động, thách thức trong quản trị chất lượng cũng tăng theo. Hình thức này đòi hỏi phải kiểm tra liên tục và nếu bên nhận nhượng quyền không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm soát bắt buộc của bên nhượng quyền thì phải kết thúc hợp đồng, nếu không muốn đánh mất hình ảnh thương hiệu.
Nhưng tất cả chỉ là phân tích được các chuyên gia kinh tế đưa ra. Về phần mình, ông Lý Quý Trung hoàn toàn im lặng trước mọi “phán xét” mà dư luận dành cho thương vụ triệu đô này. Tuy nhiên, mới đây, ông Trung bất ngờ lý giải tại sao ông lại bán “đứa con tinh thần” trong cuốn tự truyện.
Tài chính là vấn đề lớn nhất khiến ông Trung quyết định bán Phở 24 sau 11 tháng đàm phán và cân nhắc. Theo ông Trung, để nâng cấp hệ thống cửa hàng, đẩy mạnh quảng bá cũng như đầu tư vào nhiều dự án tại thị trường quốc tế, công ty cần rất nhiều tiền.
Trong khi đó, ông Trung luôn có quan điểm tránh vay vốn ngân hàng. Vốn thiếu, Phở 24 lại “rơi” vào đúng thời điểm sắp thoái vốn của Quỹ đầu tư VinaCapital. Theo thông lệ, các quỹ đầu tư thường thoái vốn tại công ty liên kết sau 5 năm rót vốn.
Những nguyên nhân khác có thể kể đến chính là lỗ hổng quản trị hệ thống và Phở 24 gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu đồ ăn nhanh có tiếng ồ ạt đổ vào Việt Nam như KFC, Lotte…
Phở 24 hiện có tới 2 ông chủ mới. Đó là Tập đoàn JolliBee của ông Tony Tan Caktion và công ty Việt Thái Quốc Tế của ông David Thái. Cả hai đơn vị này cùng nắm giữ 50% cổ phần sau khi Việt Thái Quốc Tế bán lại 50% cổ phần của Phở 24 cho thương hiệu ăn nhanh nổi tiếng của Philippines.
Ở Philippines, cái tên Tony Tan Caktion được coi là một huyền thoại sống về tài kinh doanh. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, Tony Tan từ một ông chủ cửa hàng bán kem đã vươn lên trở thành một tỷ phú với hơn 2.500 cửa hàng đồ ăn nhanh ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Sớm nhận thấy “mỏ vàng” đồ ăn nhanh, ông Tony Tan thành lập JolliBee. Hai mươi năm sau, JolliBee có thể giúp ông kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ kinh doanh nhượng quyền.
Thời điểm JolliBee được thành lập, các tập đoàn đa quốc gia như McDonald’s đã bắt đầu thâm nhập vào thị trường Philippines. Nhưng do nắm vững văn hóa, khẩu vị của người dân bản địa và áp dụng chính sách giá rẻ, JolliBee vẫn giành phần thắng trong cuộc chiến với các ông lớn thế giới.
Bên ngoài Philippines, Trung Quốc, Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông là các thị trường quan trọng của tập đoàn này.
Một ông chủ khác của Phở 24 không thể không kể đến chính là ông David Thái. David Thái là Việt kiều đầu tiên đăng ký thành lập công ty tư nhân trong nước. Ông rất thành công với thương hiệu cà phê rang xay đóng gói Highlands Coffee, và khẳng định vị trí hàng đầu trong mô hình nhượng quyền thương hiệu đồ uống tại Việt Nam.
Tập đoàn Việt Thái được ông thành lập năm 2002 với hai cửa hàng Highlands Coffee ở Hà Nội và TP.HCM, sau đó phát triển gần 100 cửa hàng trên 6 tỉnh thành. Cho biết sứ mệnh của mình là đem lại những gì tốt đẹp nhất của thế giới tới Việt Nam và những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam ra thế giới, Việt Thái đẩy mạnh các hoạt động liên quan tới phong cách khách hàng, tham gia phân phối sản phẩm của các thương hiệu tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Giới chuyên gia rất lo ngại cho Phở 24 sau khi ông Lý Quý Trung quyết định buông thương hiệu này. Tuy nhiên, những lo lắng trên có vẻ thừa thãi khi Phở 24 đang không ngừng phát triển về quy mô.
Đến tháng 6/2012, chỉ khoảng nửa năm sau khi được chuyển nhượng, Phở 24 đã mở 70 cửa hàng. Không chỉ có vậy, Phở 24 có kế hoạch mở thêm cửa hàng ở tất cả các thành phố lớn của Việt.
Tới tháng 12/2012, Phở 24 tiếp tục khai trương thêm cửa hàng. Trong buổi lễ, ông David Thái khẳng định: “Thời gian tới, Phở 24 sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh bằng việc khai trương nhiều cửa hàng mới tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang… Phấn đấu sẽ đạt 1.000 cửa hàng trong tương lai”.
Phát biểu của ông David không phải là lời nói suông. Chỉ sau đó 4 tháng, Phở 24 khai trương cửa hàng mới tại Đà Nẵng. Và ông David Thái tiếp tục hứa phở 24 sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh của mình bằng việc mở thêm nhiều cửa hàng mới tại nhiều thành phố lớn. Cùng với đó, thương hiệu này còn quyết định cạnh tranh về giá. Thay vì 50.000 đồng một tô phở như trước đây, hiện nay, giá Phở 24 giảm xuống 39.000 đồng.
Theo VTC