Các ngân hàng đầu tư quốc tế chẳng dễ thành công tại miền đất hứa của các thị trường mới nổi trước sức cạnh tranh từ các ngân hàng bản địa.
Để làm cuộc hành trình từ nơi nhộn nhịp của phố phường buôn bán, của taxi hay xe buýt nhỏ, từ hơi nóng và gió bụi của một thành phố trung tâm tại châu Phi đến một trong các huyết mạch chính của nền tài chính toàn cầu. Tất cả những gì bạn phải làm chỉ là đi bộ vài bước, từ vỉa hè đến tòa nhà cao chót vót, nơi đóng trụ sở chính của Standard Bank tại Johannesburg, ngân hàng lớn nhất châu Phi.
Trước khủng hoảng tài chính Standard Bank từng nuôi tham vọng toàn cầu. Ngân hàng đã bắt đầu khai khẩn, xây dựng những trụ sở đầu tiên của mình tại Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và London và nhiều nơi khác. Sau một thời gian, chiến lược này dường như đã được đền đáp xứng đáng khi Standard Bank giành được sự ủy thác để giúp các công ty địa phương huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, khủng hoảng đến và mọi chuyện thay đổi. Sim Tshabalala, đồng giám đốc điều hành của Standard Bank phát biểu rằng: “Cùng với cuộc khủng hoảng, tình hình cạnh tranh đã thay đổi đáng kể”. Chi phí vốn và chi phí tài trợ cho các ngân hàng đầu tư quy mô vừa tăng lên, trong khi các đối thủ nội địa tại nhiều thị trường đã bắt đầu thể hiện sức mạnh của họ. Vì vậy, Standard Bank đã chuyển trọng tâm sang phát triển vốn trên khắp châu Phi, nơi luôn xuất hiện các ngân hàng địa phương và có thể thấy rõ sự cạnh tranh khốc liệt của ngân hàng đầu tư toàn cầu với ngân hàng bản địa tại thị trường mới nổi.
Có thể nhanh chóng bỏ qua kinh nghiệm của Standard Bank tại các thị trường xa xôi cũng như cái giá mà một ngân hàng tại thị trường mới nổi vừa phất lên phải trả do mở rộng quá mức. Tuy nhiên ngân hàng toàn cầu lớn đang học một điều tương tự, cũng là bài học về sự tốn kém. Thị trường mới nổi đang phát triển nhanh đầy hứa hẹn, gây nên sự thèm thuồng cho các ngân hàng đầu tư toàn cầu, nhưng những người được chứng minh đang thành công nhất lại là các ngân hàng bản địa lớn.
Đến tưng bừng, đi lặng lẽ
Một thập kỷ trước ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu đã tràn đến các nền kinh tế đang phát triển như Nga, Brazil và Trung Quốc với sự phô trương ầm ĩ. Rượu sâm banh chảy như những chiếc băng được các vị giám đốc điều hành cắt trong lễ khánh thành các tiền đồn mới phù phiếm. Trái ngược, việc những ngân hàng này rút lui đã được diễn ra kín đáo hơn, khi công bố kế hoạch “tối ưu hóa” sự hiện diện hoặc “di chuyển vùng” đến những thị trường như London.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên đã có thể thấy tốc độ tăng trưởng của ngân hàng đầu tư tại các thị trường mới nổi có vẻ rất hấp dẫn, ít nhất cho đến năm ngoái, khi tổng chi nhánh giảm đáng kể tại một phần châu Á, trên khắp Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ càng mới hóa ra thị trường rất khó lường.
Ngân hàng đầu tư ở Mỹ tạo ra khoảng một nửa doanh thu toàn ngành và một phần lớn lợi nhuận có được nhờ lợi thế về quy mô. Ngược lại, ngân hàng đầu tư tại châu Á chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của toàn ngành và có thể chỉ chiếm 10% lợi nhuận do chi phí cao hơn trong thị trường bị phân đoạn.
Trung Quốc là nơi hấp dẫn nhất trong tất cả các thị trường châu Á, nhưng phần lớn vẫn đóng cửa với bên ngoài. Nhiều khoản đầu tư lớn mà các ngân hàng nước ngoài thực hiện tại Trung Quốc trong những năm 2000 đã quay ngược lại. Hy vọng tiếp cận đến sự giàu có của Trung Quốc tiêu tan, bất chấp những nỗ lực thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài thông qua việc mua cổ phần. Các ngân hàng Trung Quốc đã nhanh chóng học được cách cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư của riêng mình.
Tài năng địa phương
Quả thật, trên những thị trường mới nổi lớn nhất, các ngân hàng quốc tế đang mọc lên nhằm chống lại sự cạnh tranh gắt gao hơn từ các ngân hàng trong nước hoặc khu vực. Ở Brazil, BTG Pactual – một ngân hàng được thành lập vào năm 1983, hiện đang chiếm lĩnh mảng thị trường nội địa và nhanh chóng mở rộng thông qua việc mua lại các ngân hàng của các nước láng giềng.
Các ngân hàng trong nước của Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường để giúp các công ty Ấn Độ có thể vay nợ nhiều hơn. “Ngân hàng quốc tế vẫn thống trị trong các hợp đồng mua lại và sáp nhập xuyên quốc gia”, Anup Bagchi, người điều hành chứng khoán ICICI, bộ phận ngân hàng đầu tư của ngân hàng lớn thứ hai của Ấn Độ cho biết.
Tương tự ở Nga, ngân hàng lớn nhất là Sberbank hiện đang thuộc sở hữu của nhà nước, gần đây đã nổi lên như một thế lực mới trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Một năm trước, Sberbank đã hoàn thành việc mua lại Troika Dialog – một ngân hàng đầu tư địa phương gặp khó khăn.
Todd Berman, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Sberbank cho rằng, sự cân bằng dần dịch chuyển qua các ngân hàng địa phương của thị trường mới nổi, vì họ đang học cách kết hợp các kỹ năng mới với sự sẵn sàng cho vay và tài trợ cho những hợp đồng thỏa thuận theo cách mà những đối thủ quốc tế bị hạn chế vốn không thể làm.
Todd Berman nói rằng: “Ba năm trước đây các ngân hàng địa phương lớn sẽ cung cấp tín dụng và các ngân hàng quốc tế sẽ cung cấp các nghiệp vụ nghiên cứu và phân phối. Còn bây giờ, ở Brazil, Trung Quốc, Nga … các ngân hàng thành công lớn đã thuê về những người đẳng cấp thế giới. Để hoạt động trong những thị trường này, bạn không chỉ là một nhà cung cấp ý tưởng hay, mà cũng phải là người cung cấp nguồn vốn tài chính. “
Hiện nay, ngân hàng của các thị trường mới nổi khác nhau bắt đầu kết hợp lại. BTG của Brazil đã thành lập liên minh với VTB – ngân hàng lớn thứ hai của Nga và với Citic Securities – ngân hàng đầu tư của Trung Quốc. Ngoài ra, ngân hàng Công thương Trung Quốc đã trở thành cổ đông lớn nhất của Standard Bank.
Tuy nhiên chắc chắn, một số ngân hàng quốc tế vẫn còn thu được nhiều tiền từ thị trường mới nổi. Chẳng hạn như UBS và Credit Suisse vẫn duy trì vị thế mạnh mẽ ở châu Á, nơi dịch vụ quản lý tài sản của họ được đánh giá là thương hiệu tuyệt vời. Người giàu có đã trao tài sản cho các ngân hàng này coi sóc, đồng thời nhận được những tư vấn khi nghĩ đến việc bán các công ty gia đình hay tìm kiếm nguồn tài chính bằng cách phát hành thêm trái phiếu nợ.
Các ngân hàng như JPMorgan, Citibank, HSBC và Standard Chartered, với các chi nhánh và mạng lưới ngân hàng thương mại trên hầu khắp châu Á, châu Phi hay Mỹ La-tinh, cũng đang làm tốt trong những khu vực mà cánh tay vươn ra rộng nhất. Các ngân hàng có thể phục vụ tốt các công ty địa phương như các công ty đa quốc gia tại các thị trường mới nổi. Hoạt động địa phương cho phép cung cấp tín dụng đối với các công ty tại thị trường mới nổi đang phát triển, trong khi mạng lưới toàn cầu cũng cho phép các ngân hàng quốc tế tài trợ cho trao đổi thương mại hoặc giúp công ty địa phương tăng lượng tiền ở nước ngoài.
Đó là một thách thức với mô hình quốc tế của nhiều ngân hàng đầu tư lớn. Trong quá khứ, nhiều ngân hàng sẽ tung những chiếc vali tiền từ các trung tâm tài chính như London hay Singapo vào các thị trường mới nổi để giành được những thỏa thuận lớn. Chỉ với một vài trung tâm ngân hàng như Morgan Stanley hay Goldman Sachs đã có thể phủ kín cả thế giới. Còn giờ đây, các ngân hàng đầu tư quốc tế lớn nhất đang bị các ngân hàng bản địa dần vượt mặt tại những nền kinh tế mới nổi.
Theo Economist/Dân Việt