Những doanh nhân giỏi nhất có tính xấu nào?

Không có ai là hoàn hảo cả. Cá rằng bạn sẽ không thể tìm thấy người nào chỉ có toàn các điểm tốt mà không có điểm khiếm khuyết nào. Tuy nhiên, thực chất thì tích cực hay tiêu cực đều là những thuật ngữ mang tính tương đối, nó phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể.
Sau đây là một số đặc điểm hay tính cách thường nhận thấy ở các doanh nhân vĩ đại, nhưng dường như lại không mấy tích cực đối với doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên, khách hàng hay nhà đầu tư của họ.
Quá đa nhiệm 
Các doanh nhân thường có hàng ngàn chuyện đang xảy ra trong tâm trí họ và chuyển đổi rất nhanh từ chuyện này sang chuyện khác khiến cho họ dễ bị nhầm lẫn. Kết quả là các nhiệm vụ quan trọng được báo cáo và thông qua quá chóng vánh, còn các mối quan hệ thì bị ảnh hưởng. Đừng để đa nhiệm thay thế sự tập trung và lắng nghe thực sự.
Đòi hỏi sự hoàn hảo từ tất cả mọi thứ
Các doanh nhân là những người cầu toàn và không bao giờ hài lòng với công việc của mình, cũng như công việc của người khác. Điều này có thể gây ra sự chậm trễ và tốn kém chi phí trong kinh doanh, cũng như những xích mích và thất vọng trong mối quan hệ với các thành viên nhóm, các đối tác và các khách hàng. Steve Jobs từng sống với điểm không hoàn hảo này, tuy nhiên điều đó lại làm nên một Apple danh tiếng.
Niềm tin mạnh mẽ đến mức gần như ngoan cố
Các nhà lãnh đạo tốt nhất luôn có những niềm tin mạnh mẽ. Nhưng cũng nên biết lắng nghe người khác và sẵn sàng thỏa hiệp khi cần để tiến đúng hướng về phía trước. Trong kinh doanh, nếu bạn từ chối thỏa hiệp để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các đối thủ cạnh tranh sẽ thay thế bạn. Kinh doanh không có chỗ cho sự bướng bỉnh.
Không phải là một thành viên trong nhóm
Hầu hết các doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh vì họ cảm nhận được nhu cầu trên thị trường mà người khác không nhận ra. Họ cũng không lấy làm thích thú gì khi làm việc cùng người khác. Tuy nhiên, dần dà thì mọi doanh nghiệp đều đòi hỏi phải có nhóm làm việc và việc bỏ đi quyền kiểm soát trở thành một cuộc tranh đấu liên tục. Một số doanh nhân dường như chỉ đơn giản là nhảy việc và bắt đầu lại.
Quá tự tin đến mức tự cao tự đại
Hãy để cho những quyết định mang ‘cái tôi’ của bạn được đưa ra trên cơ sở kiến thức và sự tin tưởng. Mặc dù doanh nhân luôn cần có một cái tôi kiên định để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng nếu không biết kiềm chế thì sẽ rất dễ biến thành sự kiêu ngạo. Ông trùm truyền thông Ted Turner (nhà sáng lập CNN, WTBS) và ông chủ Oracle Corporation – Larry Ellison bị nhiều người xếp trong nhóm này.
Chùn chân trước những thách thức nhất định
Có rất nhiều doanh nhân thông minh phải đương đầu giải quyết các vấn đề khó khăn như thuê lao động hay sa thải nhân viên. Họ có thể lờ tịt đi hoặc giao cho một đối tác kinh doanh có khả năng làm việc đó. Việc học hỏi, rèn luyện kỹ năng quản lý và ra quyết định kịp thời đều nhằm đưa doanh nghiệp phát triển tiến lên phía trước.
Hoang tưởng đến mức ảo tưởng
Mặt tích cực khi cảnh giác và thận trọng khi tiếp xúc với người mới hay đối tác mới có thể dễ dàng biến thành hoang tưởng, bởi các doanh nhân không tin ai cả và nghĩ rằng tất cả các kiểu khuyến mãi đều tiềm ẩn âm mưu. Những doanh nhân tốt nhất tin rằng họ có thể tìm thấy các mối quan hệ cùng có lợi với các đối tác và nhà đầu tư.
Vấn đề cân bằng công việc – cuộc sống và xu hướng tham công tiếc việc
Hầu hết các doanh nhân sẽ thừa nhận mình là người nghiện công việc tại một số giai đoạn khởi nghiệp của họ. Tuy nhiên những cống hiến này của họ sẽ bị xem như một điểm tiêu cực đối với các đối tác, các thành viên trong gia đình và các thành viên trong nhóm, thậm chí có thể hạn chế việc tăng trưởng kinh doanh. Hãy chuyển giao những điểm tích cực này đến nhóm làm việc và tổ chức.
Cảm xúc và tính khí thất thường
Niềm đam mê và sự nhạy cảm với mọi người là những đức tính quan trọng của mọi doanh nhân. Tuy nhiên trong một vài trường hợp lại khiến tâm trạng của các nhà lãnh đạo thay đổi thất thường và cảm xúc bùng nổ vô cớ. Lúc đó, các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định thiếu hợp lý, làm mất đi tín nhiệm và niềm tin từ các đối tác và khách hàng.
Nhìn thế giới qua lăng kính màu hồng
Các doanh nhân thành công có thể dễ dàng đánh mất cái nhìn về thế giới kinh doanh thực tế khi các đặc quyền và sức ảnh hưởng của họ được thiết lập. Một ví dụ đã xảy ra như vậy với Tony Hayward, CEO BP, sau Sự cố tràn dầu ở Vùng Vịnh và giám đốc điều hành AIG trước cuộc Đại suy thoái mới đây. Hãy biết lo khi bạn bắt đầu nhận ra sự khiêm tốn là một khiếm khuyết chứ không phải là một điểm tích cực.
Mọi doanh nhân thành công có thể đều liên quan đến những đặc tính không mấy tích cực này, nhưng minh chứng trong nhiều trường hợp đã cho thấy nếu thiếu một trong số họ thì các startup ban đầu có thể sẽ thất bại.

Theo Trí Thức Trẻ/BusinessInsider