Shakespeare đã nói về bảy giai đoạn phát triển của một con người. Cuộc đời của một nhà lãnh đạo cũng có bảy giai đoạn phát triển như thế, và xét trên vài khía canh thì chúng cũng giống như bảy giai đoạn mà Shakespeare đã mô tả trong “As You Like It”.
LTS: Warren G.Bennis là GS. khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Nam California, Los Angeles. Ông cũng là học giả của Thomas S. Murphy Distinguished Research tại trường Kinh Doanh Harvard, kiêm chủ tịch Ban Cố Vấn Trung Tâm Lãnh Đạo Cộng Đồng của trường Kennedy, ĐH Harvard. Ông là tác giả của hơn 25 cuốn sách về vai trò lãnh đạo và sự thay đổi. Diễn đàn kinh tế Việt Nam trân trọng giới thiệu một trong những bài viết của ông về lãnh đạo, quản lý – một trong những lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo của ông.
Tôi được làm “sếp” lần đầu tiên là hồi Thế Chiến thứ hai. Lúc đó tôi đeo hàm trung úy bộ binh, 19 tuổi, và vô cùng hoảng loạn. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đội chiến đấu trên các mặt trận ở Bỉ. Khi tôi đến lúc nửa đêm, hầu hết lính đã đi ngủ ở trái nhà bị bom đánh phá. Người liên lạc đưa tôi vào bếp và bảo tôi hãy ngủ trên một cái ghế dài. Tôi từ chối và trải túi ngủ xuống đất nằm cạnh những đồng đội khác. Tôi không ngủ được, cứ thao thức cả đêm nghe tiếng bom rơi. Ở cái tuổi thanh xuân, tôi còn quá non nớt với vai trò chỉ huy và với với cả thế giới hỗn loạn này. Tôi nghe có tiếng người thì thầm nói chuyện, một trung sỹ hỏi: Ai đấy?”, người kia trả lời: “Trung đội trưởng”. “Được đấy, cũng biết hòa đồng với anh em”, người kia nhận xét.
Và thế là, dù ban đầu không biết làm thế nào cho phải nhưng tôi đã tạo ấn tượng rất tốt với những người lính khác. Thay vì huyênh hoang với chức vụ chỉ huy mới, tôi đã chọn cách ngủ dưới đất cùng đồng đội để tránh bị “để ý” và cũng học được một điều gì đó quan trọng về những người lính mà tôi sắp chỉ huy. Tôi hiểu rằng họ cần tôi- hay chính xác hơn là họ cần người lãnh đạo mà tôi sẽ trở thành sau khi được họ “dạy bảo”.
Và quả thực những tuần sau đó, những người lính đã nếm mùi bom đạn chiến tranh kia đã dạy tôi cách để tồn tại và lãnh đạo- thường qua các ví dụ cụ thể. Người trung sỹ hôm nào chào đón tôi đã trở thành sợi dây cứu sinh của tôi (theo đúng nghĩa đen)- dạy tôi các kỹ năng cần thiết như băng qua vùng chiến sự mà không bị phát hiện.
Tôi đã gia nhập vào một tổ chức mà các mối quan hệ đã được xác lập từ trước và các thành viên đều đặt những kỳ vọng vào người lãnh đạo mới mà tôi vẫn chưa nhận thức hết. Cấp dưới đang quan sát để xem liệu tôi có thể và làm thế nào để hòa hợp với họ. Bất kỳ người lãnh đạo nào cũng phải đối mặt với những mối nghi ngại, hiểu lầm hay những nhu cầu cá nhân của cấp dưới. Do vậy, nếu đánh giá thấp tầm quan trọng của những động thái ban đầu thì sẽ chỉ mang lại những mối họa khôn lường sau này mà thôi.
Tiếp cận khôn ngoan ngay từ ban đầu là một trong rất nhiều chặng đường khó khăn- mỗi chặng đều có thể bị khủng hoảng cá nhân- mà người lãnh đạo nào cũng sẽ phải vượt qua tại một thời điểm nào đó trên con đường sự nghiệp. Các trường kinh doanh không chuẩn bị cho bạn sẵn sàng với những khủng hoảng này.
Shakespeare đã nói về bảy giai đoạn phát triển của một con người. Cuộc đời của một nhà lãnh đạo cũng có bảy giai đoạn phát triển như thế, và xét trên vài khía canh thì chúng cũng giống như bảy giai đoạn mà Shakespeare đã mô tả trong “As You Like It”. Các giai đoạn đó là: Trẻ sơ sinh, học sinh, người yêu, người lính, tướng quân, chính khách và hiền triết. Một cách học về vai trò lãnh đạo là phải xem xét bảy giai đoạn phát triển này và tìm ra những vấn đề và khủng hoảng nổi cộm ở mỗi giai đoạn.
Sự nghiệp lãnh đạo của mỗi nhà quản lý đều trải qua nhiều giai đoạn khác nhau
Tôi không thể khuyên bạn làm thế nào để tránh những khủng hoảng này bởi nhiều khi là không thể tránh khỏi. Và có lẽ tôi cũng không cần thiết phải khuyên bạn nên tránh những thách thức đó, bởi việc giải quyết những thách thức của mỗi giai đoạn sẽ tạo tiền đề tốt cho bạn trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, biết điều gì đang trông chờ ở phía trước có thể giúp người lãnh đạo tồn tại, và, cùng với may mắn, sẽ giúp họ vượt qua khó khăn mạnh mẽ hơn và tự tin hơn.
Giai đoạn đầu: Lãnh đạo mới vào nghề
Đối với những người trẻ sắp trở thành lãnh đạo, thế giới phía trước đầy bí ẩn và thậm chí còn thật đáng sợ. Không đến nỗi phải khóc, nhưng nhiều người thực sự mong chờ một vị cứu tinh- giống như y tá, để giúp họ giải quyết các vấn đề và làm cho quá trình chuyển đổi được dễ dàng hơn. Thay vào đó, những lãnh đạo mới vào nghề may mắn thì sẽ được một người thông thái giúp đỡ- một khái niệm xuất phát từ thần thoại Hy Lạp.
Khi Odyssey chuẩn bị ra chiến trận, nữ thần Athena đã tạo ra thần Thông Thái để bảo vệ cậu con trai yêu quý của ông là Telemachus. Việc đấng Thông Thái có những thuộc tính của cả nam giới và nữ giới đã ngầm ám chỉ sự phong phú và phức tạp của mối quan hệ, cho thấy sợi dây ràng buộc sâu sắc hơn mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Tiếc là trong thế giới thực không có sự can thiệp của nữ thần.
Trong khi nhiều người tin rằng các nhà thông thái thường tìm kiếm những người trẻ tuổi hơn để khuyến khích và đưa họ lên đỉnh vinh quang thì thực tế gần như lại trái ngược. Những người thông thái tài năng nhất thường được tuyển dụng, và một tiêu chuẩn của nhà lãnh đạo tương lai là có thể phát hiện và có được những nhà thông thái sẽ thay đổi cuộc sống của họ trong tương lai.
Khi tôi và Robert Thomas tiến hành phỏng vấn hai thế hệ lãnh đạo để viết cuốn Geeks and Geezers, chúng tôi đã gặp một doanh nhân Internet và bất động sản rất ấn tượng là Michael Klein- người đã tìm được người thầy đầu tiên khi mới 4-5 tuổi đầu. Đó chính là người ông Max Klein- doanh nhân giới thiệu sản phẩm “Vẽ tranh bằng số” (Paint-by-numbers) nổi đình đám ở Mỹ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Mốt vẽ tranh thời thượng này đã giúp ông trở nên giàu có, nhưng con cái lại không có hứng thú với bất kỳ công việc kinh doanh nào của ông. Ấy vậy mà cậu bé Michael lại có hứng thú, và ông Max đã không bỏ lỡ cơ hội đào tạo và cố vấn cho người cháu, thường là qua những cuộc nói chuyện điện thoại đường dài cho đến tận vài tuần trước khi ông qua đời. Thực tế thì, Max Klein chính là người thầy dạy kinh doanh tài giỏi đầu tiên, tạo nền móng giúp cháu trai Michael Klein trở thành triệu phú ở cái tuổi thiếu niên sau này.
Có thể việc tìm kiếm một cố vấn trước khi có việc làm là hơi lạ lẫm, nhưng đó thực sự là thói quen tốt cần xây dựng ngay từ đầu. Tôi được “tuyển dụng” làm cố vấn vài năm trước, khi phải ở trong bệnh viện mất vài tuần. Ở đó, tôi được một y tá trẻ rất tuyệt chăm sóc, cậu ấy dường như đoán trước được hết những nhu cầu của tôi. Chúng tôi dành nhiều thời gian với nhau và thường tâm sự vào ban đêm. Cậu kể cho tôi nghe về ước mơ trở thành bác sỹ dù không ai trong gia đình cậu từng được học ĐH.
Tôi đã bị thuyết phục bởi tính cách và ý chí cũng như sự tận tâm khi cậu chăm sóc tôi. Sau đó tôi đã làm tất cả những gì có thể để giúp cậu được học ĐH, từ việc giới thiệu với nhà quản lý phù hợp đến việc cho cậu những lời giới thiệu sáng sủa nhất. Chính anh chàng này đã “tuyển dụng” tôi như bất kỳ nhà săn đầu người lão luyện nào và tôi trở thành một trong những người đầu tiên trong nhóm những người làm thay đổi cuộc đời của cậu. Vậy thông điệp cho một “giám đốc điều hành trẻ” là gì? Hãy xây dựng một đội ngũ gồm những người có thể hỗ trợ bạn; bạn sẽ cảm thấy cô đơn trong những ngày chập chững vào nghề, nhưng sẽ không hoàn toàn phải tự mình xoay xở.
Theo doanhnhan.net