“Bị loại từ vòng gửi xe”

Nhiều bạn trẻ đi tìm việc đã bị từ chối ngay từ vòng sơ loại vì những lý do hết sức… trời ơi!

Lần đầu tiên nghe 2 bạn trẻ nói với nhau: “Tao bị rớt từ vòng gửi xe rồi”, tôi rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau đó lại thấy thấm thía vì câu nói trên đã phản ánh một hiện trạng đã trở nên phổ biến trong thời “kinh tế suy thoái”: Nhiều bạn trẻ đi tìm việc đã bị từ chối ngay từ vòng sơ loại vì những lý do hết sức… trời ơi!

Coi chừng cơ hội thành thảm họa
Trong phạm vi bài viết này, tôi không đề cập vấn đề vĩ mô của cung – cầu trên thị trường lao động, cũng không đề cập chuyên môn hay kinh nghiệm của ứng viên mà chỉ đề cập một khía cạnh: Các bạn trẻ đã tự đánh mất điểm trước mắt nhà tuyển dụng bởi cách ứng xử của mình.
Thường sau khi sơ tuyển hồ sơ, ứng viên sẽ được mời đến phỏng vấn. Đây chính là cơ hội để ứng viên chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy những ưu điểm của mình mà trong hồ sơ chưa thể hiện được. Tuy nhiên, nếu làm không tốt thì buổi phỏng vấn cũng có thể trở thành… thảm họa.
Thông thường, trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng ít khi xoáy sâu vào chuyên môn bởi điều này sẽ được kiểm chứng qua thời gian thử việc. Cái mà nhà tuyển dụng quan tâm chính là tác phong, lời nói, cử chỉ, thậm chí ánh mắt nhìn khi phỏng vấn cũng quyết định bạn có “lọt vào mắt xanh” nhà tuyển dụng hay không. Có dịp cùng các nhà tuyển dụng phỏng vấn nhiều ứng viên tại các ngày hội, sàn giao dịch việc làm, tôi xin điểm qua một số tình huống ứng viên bị đánh trượt khi dự tuyển hầu giúp các bạn có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp cho mình.

Rơi đài vì phong cách “quái”
Tại sàn giao dịch việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, một ứng viên sáng giá được một doanh nghiệp chế biến thực phẩm chọn vào vòng phỏng vấn. Đó là một chàng trai 25 tuổi, tốt nghiệp Khoa Hóa Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Anh bạn trẻ trả lời trôi chảy các câu hỏi.
Giám đốc công ty tỏ vẻ hài lòng. Tuy nhiên, ông chưa kịp đưa ra kết luận thì chuông điện thoại của anh bạn ứng viên vang lên. Anh chàng vội vàng bấm điện thoại trả lời, giọng oang oang. Tôi thấy giám đốc công ty khẽ nhíu mày. Kết quả là chàng ứng viên sáng giá đã… rơi đài.
Trường hợp thứ hai tôi gặp cũng lại là một chàng trai trẻ vừa mới ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá ngành ngoại thương Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Anh chàng ngồi trước mặt chúng tôi mà người lắc lư, chân nhịp nhịp liên tục như thể đang ngồi trong quán cà phê nhạc, mắt anh chàng cũng không nhìn thẳng người phỏng vấn mà lại nhìn trượt xuống phía dưới một chút. Rủi thay, người đang phỏng vấn anh chàng lại là nữ. Bà khó chịu với phong cách “rất quái” của anh chàng nên thẳng tay đánh trượt.

Nói ít quá hay nhiều quá đều không tốt
Trường hợp thứ ba là lần tôi tham gia phỏng vấn tuyển thư ký giám đốc một công ty may mặc xuất khẩu. Hồ sơ lọt vào vòng phỏng vấn là một ứng viên nữ 28 tuổi, có 4 năm kinh nghiệm làm trợ lý giám đốc, 2 năm làm nhân viên hành chính. Cô rất đẹp, ăn mặc đúng mốt, trang điểm khéo… Tuy nhiên, cô phát âm rất khó nghe và rất nhỏ. Vị trưởng phòng nhân sự cứ phải hỏi lại liên tục và lộ rõ vẻ không hài lòng.
Nhược điểm khác của cô là không hiểu gì về công ty mình ứng tuyển. Nhà tuyển dụng hỏi gì cũng trả lời: “Em sẽ tìm hiểu thêm”. Cô bị đánh trượt bởi chính vị giám đốc vốn nổi tiếng ga-lăng với phái đẹp.
Ngược lại với cô ứng viên này là một anh chàng dự tuyển vào chức danh trưởng phòng kinh doanh một công ty bất động sản nổi tiếng tại Bình Dương. Hôm đó, tôi canh thời gian thử xem anh chàng mất bao lâu để trình bày phương án “giải cứu” hàng tồn kho của công ty là mấy chục dự án nhà ở đang đóng băng.
Anh chàng nói tràng giang đại hải trong vòng 25 phút. Khi bị tôi cắt ngang, anh cố thanh minh rằng mình chỉ muốn nói cho rõ ràng để công ty hình dung được hiệu quả của phương án. Vị phó giám đốc phụ trách kinh doanh lắc đầu: “Tôi rất ngán mấy anh chàng nói nhiều như vậy”.

Theo Người Lao Động