Chiến lược Kinh doanh siêu thị chuyển hướng thị trường

Kinh doanh siêu thị chuyển hướng thị trường

7
Không còn ồ ạt mở rộng theo kiểu “dàn hàng ngang”, năm 2013, các nhà kinh doanh siêu thị đang thay đổi chiến lược theo hướng đầu tư vào chiều sâu.

Cuối tháng 2-2013, trong lễ tổng kết hoạt động năm 2012, lãnh đạo Saigon Co.op đã gây bất ngờ cho những người tham dự bởi kế hoạch giảm chỉ tiêu số lượng các siêu thị mới của hệ thống Co.opmart. Không tăng tốc đẩy mạnh phát triển mạng lưới như những năm trước, năm 2013, Co.opmart chỉ phát triển thêm chín siêu thị mới (2012 và những năm trước, Co.opmart mở từ 10 – 12 siêu thị/năm). Ngoài giảm số lượng các siêu thị mới, Co.opmart cũng hạ mức tăng trưởng xuống còn 19%, giảm 2% so với tổng doanh số năm 2012.
Các nhà bán lẻ khác cũng giảm chỉ tiêu kinh doanh. Bà Mai Thị Liên – Giám đốc Công ty siêu thị Hà Nội (trực thuộc Tổng công ty thương mại Hà Nội – Hapro), cho biết, năm 2013, kế hoạch kinh doanh của đơn vị đã được điều chỉnh khá nhiều so với 2012. Trong năm 2011, chiến lược của Hapro đến năm 2015 sẽ phủ kín các tỉnh phía bắc. Mỗi huyện ngoại thành phải có một điểm bán. Thế nhưng, năm 2012, kinh tế khó khăn, sức mua kém buộc Hapromart phải điều chỉnh lại kế hoạch. “Chiến lược phủ kín các huyện ngoại thành và các tỉnh thành phía bắc phải đến năm 2020 mới có thể hoàn thiện”, bà Liên chia sẻ.
Thay vì mở ra ngoại thành, Hapromart mở trong nội thành và vào các khu dân cư, khu đô thị lớn. Nếu như trước đây, Hapro đặt chỉ tiêu mở mười siêu thị Hapromart trong một năm thì nay, kế hoạch này điều chỉnh xuống còn sáu điểm bán mới. Ngay cả cửa hàng Haprofood cũng được điều chỉnh, từ 16 cửa hàng trong năm 2012 còn 10 cửa hàng trong năm 2013. Theo bà Liên, mở cửa hàng tiện lợi không khó, cái khó là làm sao giữ cho cửa hàng hoạt động tốt.
Ông Nguyễn Thành Nhân – Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm nay, Saigon Co.op thực hiện các nhóm giải pháp như nâng cao mức độ thỏa mãn và thu hút khách hàng. Cụ thể, Saigon Co.op sẽ triển khai thẻ đồng thương hiệu, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu và thành lập hệ thống Call Center chăm sóc khách hàng trên toàn hệ thống. Với tốc độ tăng trưởng tốt, cao hơn mức bình quân của toàn hệ thống nên năm nay, Saigon Co.op sẽ mở thêm 24 cửa hàng Co.op Food, hình thành 79 Co.op Food tại TPHCM.
Cũng như Saigon Co.op, Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào kênh phân phối nhỏ. Năm 2012, Satra đã mở 12 cửa hàng Satrafoods mới, nâng mạng lưới lên 18 cửa hàng trên địa bàn TPHCM. Đầu năm 2013, cửa hàng Satrafoods thứ 19 đã được khai trương và đi vào hoạt động tại quận 4, TPHCM. Theo đại diện Satra, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là phân khúc được tổng công ty tập trung đầu tư trong năm 2013.

Theo marketingchienluoc.com