Được nhật báo [I]The Japan Times [/I]vinh danh là một trong 100 CEO châu Á xuất sắc nhất trong năm 2012, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng là người khai sinh hệ thống bệnh viện tư nhân lớn nhất Việt Nam, Hoàn Mỹ, với 10 cơ sở ở TP.HCM và các tỉnh.
Tuy nhiên, điều khiến ông được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây lại là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Tập đoàn Fortis, Ấn Độ, giá trị lên đến 100 triệu USD. Gặp lại bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, nghe chuyện hậu M&A trong ngày ông ra mắt hồi ký Từ khởi nghiệp đến M&A, những chia sẻ của ông khiến nhiều người giật mình…
Sài Gòn đã cho ông quả đắng ngay những ngày ông lập nghiệp tại nơi này. Cái giá của quyết định vào Nam của ông là 14 năm rong ruổi, không được làm nghề mà phải mưu sinh bằng những công việc gần giống với công việc của một bác sĩ.
Thế nhưng, khi được hỏi cảm nhận về vùng đất này, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng bảo ông rất yêu nó, bởi nơi đây luôn có cơ hội dành cho người biết nắm bắt thời cơ.
Vấn đề cứ phải thay đổi công việc của ông trong suốt 14 năm đó thuộc về con người. Gọi ông là “chuyên gia nhảy việc” cũng không sai, bởi cứ hai năm một lần ông lại thay đổi công việc.
Hành trình tìm kiếm bản thân
* Từ Giám đốc Bệnh viện Đại Lộc đến điều dưỡng ở một trường mẫu giáo, rồi chuyên viên phát triển thị trường cho một hãng dược, trưởng phòng phụ trách chích ngừa…, có vẻ như ông không thích hợp với việc làm công ăn lương?
– Rất nhiều người từng nâng đỡ, chia sẻ với tôi giai đoạn đó không hiểu vì sao tôi lại quyết định ra đi. Trừ công việc chăm sóc sức khỏe với đồng lương quá khiêm tốn ở nhà trẻ Hoa Lư, các vị trí mà tôi từng trải qua đều mang đến cho tôi những ý nghĩa nhất định nào đó, với mức thu nhập có thể nói là trang trải tốt những nhu cầu thường nhật.
Tuy nhiên, cứ khoảng độ hai năm là tôi lại đổi việc một lần và câu hỏi tôi đặt ra cho mình lúc đó là: “Đây có đúng là những gì mình muốn làm hay không?”. Đừng nghĩ là tôi muốn tìm kiếm vị trí cao hơn, mà đơn giản là tôi luôn bị thôi thúc bởi một ước muốn.
Cho đến khi bắt tay vào làm Phòng Khám Hoàn Mỹ tôi mới biết đây chính là điều mình cần: tự xây nên một thế giới khám, chữa bệnh theo ý mình. Quá trình làm việc ở các nơi tôi đều thấy được những khiếm khuyết, nhưng những góp ý sửa chữa của tôi đều ít được đón nhận, mà nếu được đón nhận thì sẽ bị ganh ghét.
Tôi khát khao thành lập một bệnh viện tư nhân, nhưng vì ngày đó Nhà nước chưa cho phép nên cứ trăn trở suốt ngần ấy năm.
* Nhưng chuyện ông nhảy việc có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của nhân viên. Thử nghĩ, nhân viên của ông làm việc được một thời gian rồi lại nghỉ để “tìm kiếm bản thân” như ông thì tập thể sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
– Thành lập phòng khám tư nhân, tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở khâu thủ tục bởi thời điểm đó Nhà nước chưa cho phép loại hình phòng khám này hoạt động. Đó không đơn thuần là để thỏa chí của mình, mà còn là tạo được nơi cho anh em đồng nghiệp làm nghề đúng nghĩa, nơi bệnh nhân được chăm sóc tận tình…
Do vậy, nếu nhân viên rời bỏ vị trí hiện tại với mong muốn tìm vị trí cao hơn, tôi thực tâm khuyến khích họ nên làm điều đó. Những hoài bão cần được nuôi dưỡng bằng hành động thiết thực chứ không chỉ là ý nghĩ suông.
* Nhưng từ ý chí đến hiện thực là một hành trình rất dài, thưa ông?
– Vì thế cho nên người ta mới cần cố gắng. Ngày thành lập phòng khám tư nhân ở đường Lý Thường Kiệt, tiền thân của Bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thứ, thậm chí bị buộc phải đóng cửa vì “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Nhờ kiên trì thuyết phục, tôi được Nhà nước cho phép thí điểm mô hình bệnh viện tư nhân. Bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm được điều này.
Cái bẫy tài chính
Từ ngày sáng lập và điều hành hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ, suốt 15 năm qua, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng chưa bao giờ được ngắt sóng. Ông luôn có cảm giác nhân sự chưa tiếp cận được quy chế mình đưa ra. Ông sợ rủi ro về chuyên môn, về tài chính… nên lúc nào cũng đẩy cố gắng của mình đến mức tối đa.
Mười hai năm sau, khi áp dụng phân quyền tối đa cho cấp dưới, ông mới phần nào ngơi bớt lo toan. Tuy nhiên, cố gắng đó không đủ để đưa ông tránh khỏi việc M&A thụ động, dẫn đến mất quyền sở hữu đứa con tinh thần của mình khi vẫn còn nhiều hoài bão xây dựng.
* Tự hào khi thực hiện được hoài bão, nhưng rồi chính ông đã đẩy công trình của mình vào tay người khác?
– Đây lại là câu chuyện của đầu tư, của thâu tóm và sáp nhập. Tôi thành lập được Phòng Khám đa khoa Lý Thường Kiệt và nâng cấp lên thành Bệnh viện Hoàn Mỹ sau này là nhờ sự giúp đỡ tài chính của người bạn Quách Thành Lai. Đó là sự giúp đỡ vô vụ lợi, giúp nhau vì tình.
Sau này, khi được ông Đặng Văn Thành, người điều hành Ngân hàng Sacombank, giúp vốn, tham gia đầu tư, giúp dự án để phát triển Hoàn Mỹ thành một hệ thống bệnh viện ở một số tỉnh – thành, tôi cũng vô tư đón nhận vì nghĩ rằng tâm huyết của mình được bạn bè đồng cảm, giúp sức.
Đến tận khi phải đối mặt với khoản lãi suất ngất ngưởng và thời hạn đáo hạn những khoản nợ đã lên đến hơn 300 tỷ đồng với Sacombank, tôi mới biết mình có nguy cơ phá sản…
Nguyên nhân của sự việc không phải vì hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ không có khả năng sinh lợi nhuận, mà vì tôi đã đầu tư quá đà, đầu tư không bằng vốn thực lực nên lợi nhuận kiếm được không đủ để trả nợ với lãi suất lên đến 22%/năm.
* Những ngày tuyệt vọng trong nợ nần, ông lo lắng về điều gì nhất?
– Tôi nghĩ đến việc mất trắng Hoàn Mỹ, đến bán nhà rồi cùng gia đình sống ở nhà thuê, nghĩ đến những xáo trộn khi Bệnh viện về tay người khác…, nhưng tất cả những điều đó đều không làm tôi đau bằng việc đã mất đi một người bạn. Cũng may, ông Trời kịp “đền” cho tôi một người bạn khác, chuyên gia tài chính Allen Yu.
Chỉ trong một lần gặp gỡ, Allen Yu đã đọc được nỗi lo lắng trong mắt tôi và giúp tôi đưa ra các giải pháp giãn nợ với Sacombank, giảm lãi suất bằng cách thuyết phục Eximbank mua lại khoản nợ từ Sacombank. Lúc đó, Eximbank chấp nhận cho tôi ở mức lãi suất 19%/năm.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, Bệnh viện khó thể cầm cự với mức lãi suất như thế. Do vậy, tiến đến mở cửa cho quỹ đầu tư tham gia vào hệ thống Hoàn Mỹ, lúc bấy giờ đã nâng cấp lên thành Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, là điều không tránh khỏi.
* Đối mặt với khó khăn chỉ vì quá tin người, khi chuyên gia tài chính Allan Yu xuất hiện, ông lại một lần nữa trao trọn niềm tin?
– Lúc cùng đường, tôi không còn lựa chọn nào khác. Khi Allen Yu nói với tôi rằng, trên thế giới chỉ có ngân hàng phá sản chứ chưa có bệnh viện phá sản, tôi đã tin và ủy quyền cho ông ấy xử lý nợ nần, “mai mối” với các quỹ đầu tư là VinaCapital và Deutsche Bank để có 20 triệu USD đầu tư và tiến đến M&A với Fortis sau này.
Trải qua hai lần M&A, đến tận bây giờ, Allen Yu vừa là nhà tư vấn tài chính, vừa là một người bạn mà tôi trân quý.
* Đã có quỹ đầu tư tham gia, ông còn cần gì để phải M&A lần nữa?
– M&A là cái bẫy tài chính mà chỉ cần doanh nghiệp thiếu tỉnh táo sẽ dễ sa lầy. Nợ ngân hàng, tôi chịu áp lực lãi suất, còn làm việc với quỹ đầu tư, tôi chịu áp lực kinh doanh, tăng trưởng…
Ngoài việc buộc Hoàn Mỹ phải tiến đến mô hình quản trị chuyên nghiệp với CEO, CFO… đầy đủ, ngay trong năm đầu tiên, họ muốn Hoàn Mỹ phải đạt lợi nhuận ròng 60 tỷ đồng. Đây là yêu cầu gần như không thể đạt được.
Lúc ấy sẽ là cơ hội cho quỹ đầu tư thoát ra. Khi họ ra đi, giá trị cổ phiếu sẽ bị định giá thấp hơn, nghĩa là giá trị tài sản trước đó của Hoàn Mỹ sẽ bị mất.
Mục tiêu của các nhà đầu tư tài chính là tạo ra giá trị lớn hơn nhiều lần giá trị nguồn vốn đầu tư để bán lại cổ phần. Khi ra đi, họ thu được lợi nhuận trong thời gian ngắn. Nếu không khéo léo, doanh nhân không thể giữ quyền kiểm soát của mình.
* Và lối thoát cho ông là Fortis?
– Mâu thuẫn gay gắt trong việc điều hành bệnh viện, điều hành kinh doanh khiến tôi đi đến quyết định là phải tìm một nhà đầu tư đúng nghĩa, một đơn vị hoạt động trong ngành y chứ không phải các quỹ đầu tư tài chính. Ý định của tôi cũng là mong muốn của hai nhà đầu tư nên chúng tôi thống nhất được chiến lược này.
Trong năm nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Hoàn Mỹ, Fortis là đối tác có nhiều tham vọng nhất. Họ sẵn sàng trả mức giá 100 triệu USD cùng các điều kiện khác. Hiện họ là cổ đông sở hữu cổ phần chi phối với giá trị lên đến 65 triệu USD.
Thiếu hiểu biết, thiếu điều kiện tạo sự chủ động khi đàm phán là sai lầm của tôi. Tôi thất bại vì kinh doanh lãng mạn. Đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các nhà điều hành Việt Nam: Đã đầu tư thì phải tính toán kỹ và khi đàm phán M&A thì phải biết mình là ai, ở đâu, làm gì để chủ động với những thương thảo.
Và một dự định ở tuổi 60
Trang trải được nợ nần, giữ lại được căn nhà để không vướng vào cảnh ở thuê…, những tưởng hậu M&A, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng sẽ “về vườn”, hưởng nhàn ở tuổi 60 cùng vợ con. Vậy mà người đàn ông “kinh doanh lãng mạn” này lại quyết định khởi nghiệp một lần nữa. Ông tin những trải nghiệm của mình đã đủ để tập hợp thành pho “bí kíp” đưa ông đến với những dự định tốt đẹp.
* Công bằng mà nói thì ông cũng có lợi từ thương vụ với Fortis?
– Khi công trình của mình thuộc quyền điều hành của người khác, tôi cũng buồn lắm. Nhưng nghĩ lại, thương vụ này cũng giúp tôi có điều kiện để đầu tư một dự án khác.
Xem như mình đã hoàn thành nhiệm vụ xây nên một hệ thống bệnh viện tốt, dễ tiếp cận cho người Việt Nam. Giờ tôi đang hướng đến xây dựng một trường đại học y khoa và một bệnh viện thực hành thuộc trường. Đây sẽ là nơi đào tạo nên những bác sĩ có kiến thức lẫn cái tâm làm nghề.
Sinh viên của tôi phải giỏi ngoại ngữ và đam mê y khoa, chứ không phải học ngành y theo ý muốn của gia đình hay nhắm tới mức thu nhập sẽ có trong tương lai. Dự kiến, năm 2014 là tôi có thể tuyển sinh.
Tôi đã trình Chính phủ phương án tiến đến xây dựng trường đại học của tôi là phi lợi nhuận. Để làm được điều này, bệnh viện thực hành sẽ là nơi khám chữa bệnh để kiếm tiền “nuôi” trường.
Và để trả học phí, những sinh viên theo học phải xuống bệnh viện phục vụ, vừa học lý thuyết vừa thực hành để quen việc, khi ra trường là có thể bắt tay vào công việc ngay chứ không cần phải qua giai đoạn là bác sĩ thực tập.
* Quy trình tuyển chọn nhân lực cho dự án này chắc rất chặt chẽ?
– Tôi là người cầu toàn và do xác định đây sẽ là công trình của xã hội chứ không phải của bản thân nên phải cố gắng tìm được những người đồng chí hướng. Tôi muốn tuyển những người có cả ba chữ nhân: nhân văn, nhân vị và nhân sĩ. Vừa có tri thức, vừa có phong cách sống và vừa có cả lòng nhân ái.
* Hội đủ những tiêu chuẩn này không có nhiều người đâu, thưa ông?
– Xây dựng xã hội là công việc của một số ít người chứ không phải của cả đám đông. Tôi kiên trì với tiêu chí chọn người của mình và tôi không bi quan như thế. Tôi vẫn tin xã hội còn rất nhiều người hội đủ các yếu tố đó. Chỉ sợ là không có đủ môi trường cho họ phát huy.
* Dù có tìm được đội ngũ tốt, ở tuổi 60 liệu ông có còn đủ sức khỏe để theo đuổi dự án dài hơi như thế?
– Hoài bão không liên quan đến tuổi tác hay sức khỏe. Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn sáng tác và yêu say đắm cuộc đời này đấy thôi. Tôi vẫn biết, hoài bão đôi khi “ác” với thể xác, nhưng nó biết làm trái tim thổn thức, thúc giục thân xác phải tiến lên.
Nói vậy nhưng tôi cũng hiểu luật của đất trời, không dám mơ ước cao xa, tôi đang cố gắng xây dựng những điều kiện cơ bản để những người tiếp bước có thể đến với thành công nhanh hơn.
* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này
Theo marketingchienluoc