Khi đến với các nhà tuyển dụng, điều đầu tiên mà hầu hết các sinh viên đều bỡ ngỡ là cách làm hồ sơ. Theo các trưởng phòng nhân sự, trong đống hồ sơ khổng lồ mà họ nhận được, những hồ sơ không nổi bật rất dễ bị “out”.
Theo các nhà tuyển dụng thì có 4 loại hồ sơ họ vẫn thường gặp:
Loại hồ sơ theo công thức. Loại này chiếm đa số. Nội dung thông tin không có gì nổi bật. Trong 100 hồ sơ thì có tới 58 cái giống nhau kỳ lạ, chỉ khác ở thông tin cá nhân. Với loại hồ sơ này, nhiều nhà tuyển dụng đã phải kêu trời bởi sự tẻ nhạt, đơn điệu như photocoppy.
Loại hồ sơ có rất nhiều thông tin về bằng cấp, chiếm khoảng 30%. Loại hồ sơ này phần nào cũng gây được chú ý. Tuy nhiên, một người phụ trách tuyển nhân sự của Công ty Viko Glowin nói: Nếu trong hồ sơ với những loại bằng cấp, chứng chỉ cứ nhàng nhàng như nhau (ví dụ như tiếng Anh chứng chỉ B, tiếng Pháp, Trung chứng chỉ A, bằng tại chức, bằng đại học, văn bằng hai… ), chẳng biết rõ bằng nào là chính, đâu là sở trường, chuyên môn là gì,… thì chắc chắn sẽ bị gạt sang một bên không thương tiếc.
Loại hồ sơ với những lời lẽ rất tự phụ, ảnh dán trong hồ sơ cười toe toét. Theo như giám đốc nhân sự Viko, rất có thể được xét duyệt vì đây là những hồ sơ rất gây tò mò, nhưng thường cũng dễ làm người ta ghét khi thực tế trực tiếp phỏng vấn, bạn không đủ thú vị đến thế. Họ nghĩ rằng bạn đã đưa mình lên quá cao.
Với loại hồ sơ này khi đã lọt qua vòng chọn lọc, bước vào vòng phỏng vấn, bạn phải tự tin, luôn tươi cười và phải có óc hài hước, thông minh, nếu không bạn sẽ làm cho người tuyển dụng thất vọng. Loại hồ sơ này chiếm khoảng 11%.
Kiểu xin việc không cần hồ sơ và đạt kết quả tới 99,9%. Họ ung dung đi xin việc bằng miệng và việc có rồi thì mới bổ sung hồ sơ sau. Đây là loại “hồ sơ” không phải bất cứ ai xin việc cũng dám dùng. Có thể bạn sẽ ăn điểm từ lần “trình làng” đầu tiên nhưng một vài khiếm khuyết không lường trước sẽ đánh gục bạn ngay. Loại “hồ sơ” này chỉ những người có năng lực và tự tin dám áp dụng.
Theo yêu cầu của một Giám đốc Công ty quảng cáo, không nhất thiết trong hồ sơ phải có giấy trắng dấu đỏ chứng nhận đã làm hai, ba năm ở công ty nào đó hoặc liệt kê thật nhiều bằng cấp. Điều quan trọng là tố chất của con người.
Ông Ngô Quý Nhân, phụ trách tư vấn và đào tạo Công ty Guide Idea, đưa ra 8 điểm cơ bản khi làm hồ sơ xin việc:
– Thông tin về cá nhân.
– Mục tiêu nghề nghiệp phải rõ ràng, vị trí xin việc, khi nào bắt đầu công việc.
– Hiện nay đang làm việc hay chưa. Nếu đang làm việc cho một công ty nào cũng phải nói rõ vì đây là yếu tố nhà tuyển dụng kiểm tra sự trung thực.
– Học ở đâu ra. Nếu đang học thì khi nào tốt nghiệp.
– Nếu học THPT tại một trường chuyên cũng nên cung cấp.
– Những nghiên cứu đang theo đuổi.
– Có kỹ năng quần chúng, những hoạt động đã tham gia.
– Thông tin rõ những nơi trước đây đã công tác như tên, địa chỉ, mức lương…
Ngoài ra, cần cung cấp rõ tên cũng như thời gian mà người hướng dẫn đã giúp đỡ bạn trong quá trình làm luận văn, các đề tài nghiên cứu hay trong công việc. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ nâng giá trị của bạn lên. Xác nhận thông tin: ngày, tháng và chữ ký.
Theo ông Nhân, đây là “form” rất phổ biến về cơ bản sẽ giúp các SV vững tin khi làm hồ sơ.
Theo JobVn/Thông tin việc làm