Chia sẻ với bạn trẻ đang tìm việc

Năm câu hỏi mà ứng viên thường thắc mắc nhất được những người phụ trách tuyển dụng dưới đây như một chia sẻ với các bạn trẻ đang tìm việc làm.

1. Hồ sơ gồm những gì?
Trừ phi bạn ứng tuyển vào một cơ quan nhà nước hoặc những nơi có qui định hồ sơ dự tuyển chặt chẽ, còn thì bạn sẽ trở nên ngô nghê vô cùng nếu đặt câu hỏi ấy với nhà tuyển dụng.

Nếu các thông báo tuyển dụng không nêu rõ yêu cầu hồ sơ gồm những gì, rất có thể nhà tuyển dụng muốn để ứng viên thể hiện khả năng sáng tạo của mình trong cách làm một bộ hồ sơ.

Trong nhiều trường hợp, cái mà người tuyển dụng muốn xem ở hồ sơ của bạn không phải là đơn xin việc, sơ yếu lý lịch theo mẫu in sẵn bày bán tại các tiệm photocopy. Cái họ muốn xem là khả năng trình bày của bạn về bản thân, các kỹ năng cụ thể của bạn, là những gì bạn muốn làm và có thể làm. Những thứ ấy được thể hiện qua thư dự tuyển và lý lịch tự thuật mà sự chân thật và độc đáo tỉ lệ nghịch với mức độ viết theo “văn mẫu”.

Ngoài ra, bộ hồ sơ của bạn sẽ có độ tin cậy cao hơn nếu có được thư giới thiệu về năng lực của bạn (từ thầy giáo hoặc sếp cũ), hoặc kèm theo các sản phẩm mình đã làm được.

2. Tôi chưa có bằng cấp, dự tuyển được không?
Ở đây có sự khác biệt giữa các cơ quan nhà nước với khối ngoài quốc doanh. Muốn làm công chức thì bằng cấp theo yêu cầu là điều kiện cần.

Ngược lại, khi nộp hồ sơ vào những công ty ngoài quốc doanh, nếu bạn nộp quá nhiều bằng cấp mình đã “sưu tầm” được, có khi người nhận hồ sơ lại… ngại vì họ sẽ phải mất thời gian trả lại hồ sơ nếu bạn bị loại hoặc tự rút lui. Còn với nhiều công ty nước ngoài, ngay cả khi thông báo tuyển dụng yêu cầu trình độ học vấn, thì một người thiếu bằng cấp nhưng có những năng lực phù hợp vẫn có thể hi vọng mình có cơ hội dự tuyển, thậm chí trúng tuyển…

3. Bao giờ hết hạn nộp hồ sơ?
Có những loại công việc mà nhà tuyển dụng cho rằng chỉ cần hô lên một tiếng là nhận hồ sơ mệt xỉu thì thời hạn nhận hồ sơ sẽ được thông báo cụ thể.

Còn khi nhà tuyển dụng không thông báo gì về thời hạn ấy, có thể đó là những nơi có kế hoạch tuyển dụng và phát triển dài hạn. 

4. Nếu gia nhập, tôi có được đào tạo không?
Nhiều người đặt câu hỏi này ngay từ khi họ chưa nộp hồ sơ, và nhà tuyển dụng còn chưa biết họ là ai.
Thực tế, phần nhiều những người bày tỏ mối băn khoăn ấy với nhà tuyển dụng là những người thiếu tự tin, những người mới ra trường.

Những người tự tin và thông minh thì khác. Họ biết cách chủ động chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy rằng họ xứng đáng để được đào tạo. Thông thường doanh nghiệp không tiếc rẻ công sức, kinh phí để đào tạo hoặc gửi nhân viên tham gia các khóa đào tạo nếu mang lại hiệu quả.

Đồng thời, nếu bạn thật sự quan tâm đến phát triển bản thân, cách tốt nhất là bạn tự đào tạo trước. Nếu bạn là nhân viên có tiềm năng, chưa chắc doanh nghiệp đã có chính sách đào tạo phù hợp với bạn. Nhưng nếu không có tiềm năng thì chắc chắn những cơ hội đào tạo hấp dẫn sẽ không thuộc về bạn.

5. Mức lương ở đây thế nào?
Đối với những vị trí mà mức lương đã được ấn định, bạn sẽ có câu trả lời cụ thể.

Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng không nói rõ lương bao nhiêu, nếu hỏi ngay chưa chắc bạn đã lọt qua sơ tuyển, nhà tuyển dụng cũng không muốn hoặc không thể trả lời cụ thể. Họ cũng phải giữ bí mật về chính sách lương của công ty, hoặc việc quyết định mức lương phải dựa trên kết quả thi tuyển, năng lực, kinh nghiệm, nguyện vọng… của ứng viên.

Theo Tuổi Trẻ