Đối diện với “3 giảm” trong ngành thép năm 2012

Kết thúc tháng 11/2012, sức tiêu thụ của ngành thép giảm 10-12% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, sản lượng thép xây dựng không tăng trưởng. Đây là nhóm hàng gặp khó khăn nhiều nhất và cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) thép trong nước phải đối diện với “3 giảm” cùng lúc là: Tiêu thụ giảm, giá giảm và sản xuất giảm

Theo Tổng công ty Thép Việt Nam: Đến hết tháng 11/2012, sản xuất thép thành phẩm các loại của toàn hệ thống Tổng công ty ước đạt hơn 233,7 ngàn tấn; mức tiêu thụ ước đạt hơn 249,4 ngàn tấn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11, lượng tồn kho thép thành phẩm các loại khoảng 163,8 ngàn tấn, giảm 14% so với thời điểm cuối tháng 10/2012; kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2012 đạt hơn 5,2 triệu USD, tính chung 11 tháng đầu năm đạt hơn 92 triệu USD, vượt 19,3% kế hoạch năm, nhưng vẫn giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2011. Do đó, các chỉ tiêu sản lượng hoàn thành của toàn hệ thống đạt từ 76,7 – 86,7% kế hoạch năm, với mức tăng trưởng từ 1,6 – 10%.
Riêng sản lượng thép xây dựng không tăng trưởng. Có thể nói, đây là nhóm hàng gặp khó khăn nhiều nhất năm 2012 và cũng là lần đầu tiên các DN SXKD thép trong nước phải đối diện với 3 giảm cùng lúc là: Tiêu thụ giảm, giá giảm và sản xuất giảm.
Trong tiêu thụ, Tổng công ty phải đối mặt với hai khó khăn lớn là nhu cầu tiêu dùng thép của nền kinh tế giảm sút cùng với sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập. Do đó, các DN đã giảm giá bán tiệm cận với giá thành sản xuất để đẩy mạnh tiêu thụ, tạo việc làm cho người lao động nhưng không khả quan, do bất động sản đóng băng.
Để giảm bớt khó khăn cho ngành thép, vừa qua các bộ, ngành đã đưa ra các chế tài để hạn chế nhập khẩu thép như sử dụng biện pháp hàng rào phi kỹ thuật. Các biện pháp này đang được thực hiện tích cực, nhưng chưa phát huy hiệu quả. “Để giải pháp này phát huy hiệu quả, giảm bớt hàng nhập khẩu, tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước, chúng ta cần mạnh tay hơn nữa” – ông Lê Quốc Hưng- Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam- nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, để phát huy hiệu quả đầu ra cho các DN trong ngành thép, cần có các biện pháp mang tính đồng bộ.
Thứ nhất,phía DN cần phấn đấu giảm giá thành hơn nữa để tăng tính cạnh tranh.
Thứ hai,tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng hiểu rõ và ủng hộ cũng như sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.
Thứ ba,về chính sách, phối hợp tốt hơn nữa giữa các hiệp hội và các cơ quan chức năng để nghiên cứu, xây dựng hàng rào phi thuế quan. Trên cơ sở đó ngăn chặn bớt hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng kém chất lượng nhưng giá lại rất rẻ.
Thực hiện sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa qua, các tập đoàn, tổng công ty trong khối Công Thương đã bắt tay ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp tiêu thụ các sản phẩm chéo để ủng hộ nhau, trên cơ sở giá cả phù hợp với thị trường, hai bên cùng có lợi. Đây là chương trình rất hữu ích của Bộ Công Thương. Việc làm này đang được nhân rộng sang cả tập đoàn, tổng công ty thuộc các bộ, ngành khác, mở ra nhiều hứa hẹn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
Tháng 11/2012, ngành thép sản xuất được khoảng 400 ngàn tấn, tiêu thụ 380 ngàn tấn và tồn kho khoảng 330 ngàn tấn. Nếu cứ đà này thì năm 2012 sẽ âm khoảng 10%. Dự báo tháng còn lại và sang quý I/2013 chưa có gì đặc biệt.

Theo Kim Tuyến