Sự cố của một số công ty mua hàng theo nhóm qua mạng thời gian qua ít nhiều đã làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Đồng thời, đặt ra vấn đề: Ai sẽ bảo vệ lợi ích người tiêu dùng khi những công ty mua theo nhóm phá sản hay đóng cửa?
Tuy chỉ mới xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây, nhưng hình thức mua hàng theo nhóm (nhiều người cùng mua một sản phẩm – dịch vụ để hưởng được mức giá ưu đãi khoảng từ 40 – 90%) đã nổi tiếng khắp thế giới và trở thành một phương thức kinh doanh trực tuyến đầy hấp dẫn.
Nở rộ website mua theo nhóm
Ở Việt Nam mô hình các website mua theo nhóm nở rộ tại Việt Nam, với sự ra đời của gần 100 website như: Muachung, Nhommua, Cucre, Hotdeals, Phagia…áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ăn uống, du lịch, làm đẹp, đồ dùng gia đình…
Đối tượng sử dụng dịch vụ này là dân văn phòng, những người trẻ và những người muốn thử nghiệm cái mới hoặc là những người thường xuyên tiếp cận với internet. Khi tham gia một nhóm mua, khách hàng sẽ được giảm giá từ 40 – 90% thông qua phiếu mua hàng hay còn gọi là voucher. Thủ tục đơn giản, thanh toán thuận tiện, lại được giảm giá lớn chính là những yếu tố đặc biệt hấp dẫn trong thời gian khủng hoảng của năm 2011 – 2012 này.
Dịch vụ mua hàng theo nhóm được ví như “cuộc chơi ba người” giữa nhà sản xuất, nhà trung gian và khách hàng. Khách hàng không tìm hiểu thông tin về nhà sản xuất mà mua hàng vì sự hấp dẫn giá cả mà nhà cung ứng dịch vụ sản phẩm, dịch vụ đưa ra.
Về phía người tiêu dùng, với tất cả những gì họ có chỉ là một tờ phiếu có địa chỉ công ty cung cấp dịch vụ mua hàng, công ty đối tác, không có một dòng thông tin nào về việc họ sẽ phải tìm đến đâu nếu chẳng may công ty cung cấp dịch vụ mua hàng phá sản. Trong tương lai, nếu chẳng may có vụ việc xấu xảy ra, ai sẽ đứng ra đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?
Quyền lợi khách hàng không được đảm bảo
Luật sư Trần Thanh Hà – Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B cho biết : Hiện nay, hệ thống pháp luật VN chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên đối với hình thức mua bán theo nhóm này nên khi xảy ra rủi ro, quyền lợi của khách hàng sẽ không được đảm bảo.
Sự cố của Nhommua.com – một trong những “ông lớn” của thị trường mua hàng theo nhóm trên internet bất ngờ thay đổi Giám đốc điều hành, trụ sở tạm thời đóng cửa, website ngừng hoạt động… đã làm cho nhiều khách hàng đang sở hữu những voucher của Nhóm Mua rơi vào tình trạng lo mất tiền oan. Ngay cả những đối tác của công ty này như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Hương Sen… cũng tuyên bố tạm dừng cung ứng dịch vụ cho khách hàng sử dụng voucher của Nhóm Mua.
Để khắc phục vấn đề này, trước hết thị trường cần phải có những sàn giao dịch uy tín khách hàng nên lưu ý lựa chọn sử dụng công cụ trung gian đã được cấp phép như ví điện tử để phòng khi trường hợp xấu xảy ra, nhằm loại bỏ những rào cản trong khâu thanh toán. Thêm vào đó, nhờ tính năng hoàn trả thanh toán khi có sự cố, các đơn vị giao dịch trung gian sẽ giúp người tiêu dùng an toàn hơn trước các chiêu bài lừa đảo.
Công ty bán hàng theo nhóm đông, nhưng vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ của người bán chưa được thắt chặt, khiến người dùng quan tâm tới chất lượng hàng hóa nhiều hơn trước. Trên các trang mạng có không ít lời tham phiền về sản phẩm mua theo nhóm không như lời quảng cáo, một số người dùng còn tố nhà cung cấp “có thái độ phân biệt giữa khách thường và khách dùng voucher”.
Thiết nghĩ, với hơn 1 triệu người sử dụng, hình thức mua hàng theo nhóm đang manh nha trở thành một xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam, doanh số năm 2011 lên đến 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không có các quy định quản lý phù hợp để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia, thì hình thức tiêu dùng hiện đại này khó có thể phát triển bền vững.
Theo Hà Hằng