Tadashi Yanai tấn công làng thời trang Mỹ

Sở hữu hãng thời trang Uniqlo, là hãng bán lẻ lớn thứ tư thế giới, Tadashi Yanai cũng là người giàu nhất Nhật Bản hiện nay.
Thoạt nhìn, Tadashi Yanai có vẻ là một giám đốc Nhật Bản điềm đạm và dễ tính. Nhưng thực ra, ông lại là một doanh nhân rất táo bạo và tham vọng. Yanai hiện là tỷ phú giàu nhất Nhật Bản với số tài sản lên tới 11,5 tỷ USD. Ông điều hành hãng thời trang giá rẻ Uniqlo với các sản phẩm bình dân như áo phông, áo len cổ chữ V hay áo phao. Mục tiêu của Yanai là biến Uniqlo thành công ty có doanh thu 50 tỷ USD năm 2020. Vì vậy, ông đã lên kế hoạch tăng số cửa hàng tại Mỹ từ 5 hiện tại lên 1.000 trong thời gian tới.
Cửa hàng thứ năm của Uniqlo vừa khai trương thứ 6 tuần trước tại San Franciso. Trong buổi lễ có sự tham gia của thị trưởng thành phố, ông Yanai đã nói: “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành cái tên đầu tiên được người tiêu dùng nghĩ đến”.
Suốt 25 năm qua, tỷ phú 63 tuổi này đã xây dựng Uniqlo thành hãng thời trang bán lẻ lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Inditex (với thương hiệu Zara), H&M và Gap. Năm 2011, Uniqlo đạt doanh thu 10,6 tỷ USD từ 1.163 cửa hàng, phần lớn nằm tại Nhật Bản. Cổ phần của Yanai lại Fast Retailing – công ty mẹ của Uniqlo có giá 11,5 tỷ USD, tăng mạnh so với 10 tỷ USD hồi tháng 3.
Tham vọng lớn nhất của ông là trở thành nhà bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới. Yanai lớn lên nhờ cửa hàng quần áo của cha mẹ trong một thị trấn nhỏ tại Yamaguchim, phía tây nam Nhật Bản. Ông theo học kinh tế và chính trị tại một trường đại học ở Tokyo, nhưng sau đó lại theo ngành bán lẻ.
Khi được hỏi về bí quyết khiến Uniqlo trở nên khác biệt, vị tỷ phú già rút ra một tấm card mỏng có in những nguyên tắc của Uniqlo, bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Trong đó có câu: “Uniqlo là thời trang thuần túy”. Theo Yanai, những sản phẩm của hãng sẽ làm người mặc đẹp đẽ hơn và họ sẽ không bao giờ phải lo lắng về vấn đề trang phục nữa.
Yanai nói rằng Uniqlo khác với các hãng thời trang giá rẻ như H&M và Zara. Ông không đuổi theo xu hướng, mà chỉ tập trung vào các sản phẩm cơ bản như áo phông, legging, quần jeans hay áo len với giá cả vừa phải. Một chiếc áo phông tại đây có giá khoảng 6 USD và áo sơ mi kiểu Oxford là 30 USD.
Vị tỷ phú này rất thông minh trong việc tạo tiếng vang cho Uniqlo. Trong đó có việc ông mời vận động viên quần vợt Novak Djokovic làm đại sứ thương hiệu hồi tháng 5. Và gần đây nhất là dùng mèo Maru làm đại sứ hình ảnh quảng bá tại thị trường Mỹ.
Chiến dịch marketing được tổ chức tại buổi khai trương cửa hàng tại San Francisco của Uniqlo cũng rất ấn tượng. Các xe bus đi vòng quanh thành phố đều được dán quảng cáo về Uniqlo. Tờ Sunday San Francisco Chronicle in quảng cáo của Uniqlo. Người dân thì được phát tờ rơi về chương trình tặng áo phao siêu nhẹ cho những người may mắn trong 500 khách hàng đầu tiên.
Ngày 28/9, hơn 1.000 người đã xếp hàng trong trung tâm thương mại Garden State Plaza để tham gia lễ khai trương của Uniqlo tại New Jersey. Vì vậy, những người tổ chức hy vọng việc này cũng sẽ lặp lại tại San Francisco.
Để công ty mình trở nên quốc tế hơn, đầu năm 2012, Yanai còn đặt ra quy định tiếng Anh là ngôn ngữ chính của công ty. Tức là ông, và toàn bộ nhân viên của Uniqlo đều phải học và sử dụng được tiếng Anh.
Gần đây, làn sóng biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đã khiến Uniqlo phải đóng 7 trong số 164 cửa hàng tại đây. Dù coi đó là một “sự kiện buồn”, nhưng ông khẳng định vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu mở được 1.000 cửa hàng ở nước này. Ông nói: “Kế hoạch của chúng tôi sẽ không có gì thay đổi!”.

Theo Nhuongquyenvietnam