Gặp khó ở thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến gỗ chuyển hướng về thị trường nội địa. Nhưng xem ra tỷ lệ thành công vẫn còn là “ẩn số”.
Gỗ gặp khó
Khác với tình hình năm 2008, sáu tháng đầu năm 2011, giá nguyên liệu gỗ đồng loạt tăng cao. Theo đó, trừ giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng khoảng 10%, các nguyên liệu khác dùng trong khâu trang trí bề mặt sản phẩm đều tăng đến “chóng mặt”, thậm chí có loại chạm tới ngưỡng từ 30 – 40%.
Bên cạnh đó là sự tăng giá hàng loạt chi phí khác như: nhân công, vận chuyển, năng lượng (điện, nước, dầu…). Trong khi đó, giá xuất khẩu vẫn “dậm chân tại chỗ” khiến các DN chế biến gỗ “lao đao”.
Mặc dù vậy, nguồn cung về sản phẩm gỗ vẫn rất lớn. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, nhiều DN đã lấp đầy đơn hàng đến cuối năm.
Cụ thể, Công ty CP Gỗ Đức Thành đã đạt 93% đơn hàng, với mức kim ngạch xuất khẩu tăng 18% (đạt 74,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ; Nhà máy tinh chế đồ gỗ xuất khẩu Satimex, đơn vị trực thuộc Công ty CP Hợp tác Kinh tế Savimex cũng có kim ngạch xuất khẩu đạt 54,37% (đạt 7,61 triệu USD).
Song, thực tế, nhiều DN chế biến gỗ đã phải từ chối những đơn hàng lớn và dài hạn, bởi lo ngại sự biến động giá trên thị trường, do không thể kiểm soát được chi phí đầu vào.
Đồng thời, áp lực từ chính sách thắt chặt tín dụng cũng tác động không ít đến DN gỗ. Thống kê cho thấy, hơn 80% DN ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ có quy mô vừa và nhỏ.
Do đó, với thực trạng lãi suất tăng cao như hiện nay, DN rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, hoặc phải “gồng mình” chịu chi phí lãi vay cao.
Theo ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, chi phí lãi vay của DN ở các nước cùng khu vực như Trung Quốc, Singapore… chỉ bằng 1/3 – 1/4 so với DN Việt.
Công bằng mà nói, sẽ không có quốc gia nào có thể xuất khẩu mạnh, nếu chi phí lãi suất ngân hàng của DN lên đến trên 20%, dù ngành gỗ được đánh giá có chỉ số giá tăng cao.
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN ngành thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (HAWA) cho biết thêm, với tình hình sản xuất không có lãi như hiện nay, các DN không dám vay vốn, mà nếu muốn vay cũng không có tài sản để thế chấp cho ngân hàng.
Trước tình hình này, giải pháp vượt qua cơn “bĩ cực” được khá nhiều DN trong ngành ứng dụng là quay về và phát triển ở thị trường nội địa.
Tìm “ngách”: Cần kế hoạch dài hạn
Tiềm năng của thị trường trong nước còn khá lớn, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể, DN sẽ rất dễ bị “ngã ngựa” tại sân nhà.
Theo ông Lâm Trọng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ GOSACO, các DN xuất khẩu đã quen với việc sản xuất theo đơn đặt hàng, do đó, số lượng thành phẩm và quy mô của DN cũng lớn hơn.
Song, tại thị trường nội địa, nó đòi hỏi ở tính chất linh hoạt của DN, sản xuất theo thị hiếu, nhu cầu của thị trường, cũng như trên từng sản phẩm.
Được biết, 90% thị trường của GOSACO là nội địa, Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, việc cạnh tranh tại sân nhà cũng là một áp lực đối với DN.
Theo ông Sơn, nếu như năm 2010, đơn hàng luôn được lấp đầy, thì năm 2011, thị trường có vẻ trầm lắng hẳn. Mặc dù GOSACO đã chọn những phân khúc trung bình với tiêu chí “rẻ, bền, đẹp”.
Đứng trước những “đại gia” trong nước về nội thất như Nhà Xinh, Hoàng Anh Gia Lai… thì những cái tên như Trường Thành, GOSACO,…. cũng phải cần đến nhiều năm nữa để tạo dựng thương hiệu.
Do đó, chính sách hữu hiệu được các DN ứng dụng khi phát triển thị trường nội địa là “mưa dầm thấm lâu”, và điều cần nhất là việc mở rộng hệ thống phân phối.
Ông Lê Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc Gỗ Đức Thành cho biết, điều khó khăn lớn nhất của DN chế biến gỗ khi phát triển ở thị trường nội địa là chọn phân khúc và xây dựng hệ thống phân phối.
Theo đó, ngay bản thân Gỗ Đức Thành, khi nhắm đến thị trường nội địa từ năm 2005, cũng đã chuẩn bị một chiến lược “kiềng ba chân”, bao gồm cả xuất khẩu, nội địa và nhỏ lẻ, với lượng kênh phân phối gần 700 đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn quốc.
Bởi, phần lớn sản phẩm của Công ty thiên về hàng gia dụng và đồ chơi trẻ em, do đó đòi hỏi sản phẩm không những đẹp, bền mà phải có độ an toàn cao. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường nội địa của Gỗ Đức Thành nắm giữ mới chỉ ở con số chưa đến 30%.
Lý giải về vấn đề này, ông Thắng cho rằng điểm khác biệt giữa sản phẩm xuất khẩu và phân phối trong nước là nhu cầu của khách hàng, một bên là sản xuất theo đơn đặt hàng và một bên nhà sản xuất phải theo thị hiếu khách hàng.
Do vậy, việc xâm nhập và phát triển thị trường nội địa phải có kế hoạch dài hạn, DN phải biết đánh thức tiềm năng tiêu dùng của khách hàng.
Nhìn nhận từ thực tế của thị trường, việc các DN ngành chế biến gỗ cam kết nỗ lực xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 10% theo chỉ tiêu Chính phủ đưa ra hồi đầu năm 2011, xem ra còn quá xa vời, nếu không có sự trợ lực cần thiết từ chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo Lê Loan