Thói quen trọng xuất khẩu của các DN Việt Nam lâu nay dần dẫn đến việc bỏ quên thị trường trong nước. Trong khi đó, các công ty đa quốc gia nước ngoài âm thầm thực hiện xu hướng Việt Nam hoá thương hiệu để đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần.
Việt Tiến với sản phẩm 1 triệu đồng trở lên
Trả lời câu hỏi “liệu có phải DN dệt may Việt Nam sẽ phải nhường thị phần hàng cao cấp cho hàng nước ngoài không, sau khi đã nhường một thị phần rất lớn cho hàng thời trang giá rẻ, mẫu mã đẹp của Trung Quốc?”, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Các DN Việt Nam vẫn làm hàng cao cấp, nhưng về đẳng cấp thì không thể đạt đến như vậy.
Các thương hiệu như Gucci, Valentino, Levis… có đẳng cấp rất cao, các DN Việt Nam không thể vươn lên tầm ấy. Tuy nhiên, hiện nhiều DN cũng đang đầu tư mạnh cho hàng cao cấp. Việt Tiến đang làm thí điểm nhãn hàng T-up, và T-up không có sản phẩm nào có giá bán dưới 1 triệu đồng, thậm chí lên đến vài ba triệu đồng cho mỗi sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Ân cũng cho rằng, DN dệt may Việt Nam không cần phải chiếm lĩnh phân khúc thị trường này, vì trên thực tế, phân khúc này chỉ chiếm có 1%. Cho dù lợi nhuận của loại hàng cao cấp là rất cao song rủi ro cũng lớn, vì tỷ lệ tồn kho không nhỏ.
Bà Đặng Phương Dung, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thừa nhận, nếu có thương hiệu, một áo sơmi 2 USD có thể bán được giá 100 USD, trong khi gia công chỉ được hưởng 4 USD, bán lẻ được trả 7 USD.
Tuy nhiên, để tạo lập các thương hiệu nội địa đủ sức ganh đua ngang sức với các đại gia của thế giới thật không đơn giản. Một chuyên gia về thương hiệu nhận định, các tập đoàn, công ty đa quốc gia nước ngoài đang có xu hướng Việt Nam hoá thương hiệu của họ để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Đó là xu hướng bản địa hoá sau khi các tập đoàn này đã thành công trong chiến lược toàn cầu hoá. Nếu các DN nội tiếp tục chậm trễ trong việc tận dụng các cơ hội, thị phần nhiều măït hàng sẽ tiếp tục bị thu hẹp trước cơn lốc này.
Việt Nam hoá bằng… nước mắm
Trước khi nước mắm Knorr Phú Quốc đột ngột xuất hiện trên thị trường làm khuynh đảo thị phần của các DN, cơ sở sản xuất mặt hàng đặc biệt này, không ai ngờ Tập đoàn Unilever lại đầu tư vào một sản phẩm tưởng chừng không ai thắng nổi DN Việt Nam như vậy.
Để có “nước mắm Phú Quốc Knorr”, ngoài chi phí ban đầu là 1 triệu USD xây dựng nhà máy và một khoản tiền khổng lồ cho tiếp thị quảng bá, thương hiệu “nửa tây nửa ta” này nhanh chóng đánh bật cả những hãng nước mắm bản địa. Rất nhanh chóng, Unilever tuyên bố 1/3 thị phần nước mắm hạng nhất của Phú Quốc thuộc về Knorr Phú Quốc. Dưới mạng lưới phân phối toàn cầu của Tập đoàn xuyên quốc gia này, nước mắm mang thương hiệu Việt đã đường hoàng xuất khẩu sang các thị trường Đức. Mỹ…
Chưa hết, Honda trương khẩu hiệu “Tôi yêu Việt Nam” đánh vào tình cảm người tiêu dùng Việt Nam để bán xe máy Nhật Bản. Và mặc cho các chuyên gia trong ngành ô tô, xe máy khuyến cáo thị trường sắp bão hoà, Honda rót vốn đầu tư thêm một nhà máy mới chứng tỏ mãi lực thị trường vẫn cực kỳ hấp dẫn. Nescafe thì khuyếch trương slogan “Hương vị Việt Nam hơn” để cạnh tranh với các hãng thuần Việt lúc nào cũng chăm chăm khai thác uy tín của cà phê Buôn Mê Thuột đến mức nhàm tai và không còn tạo được bản sắc riêng cho từng thương hiệu.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng thừa nhận, nếu không sớm xây dựng thương hiệu, thì các công ty tư nhân kinh doanh vàng, cửa hàng bán lẻ vàng sẽ phải chấp nhận một tương lai là làm thuê cho các DN nước ngoài khi cửa thị trường ngày càng rộng mở. Song hiện nay để xây dựng được một thương hiệu trong ngành vàng có uy tín như SJC, Bảo Tín Minh Châu là không hề đơn giản, DN phải có chiến lược cụ thể và lâu dài.
DN nội chậm trễ trong việc nắm bắt thời cơ kinh doanh, để các DN ngoại quốc tóm lấy những cơ hội, chiếm hết thị phần, rồi mới nhìn lại đầy tiếc nuối, hối thì đã muộn!
Theo Marketingchienluoc