Lời khuyên cho tân cử nhân để khởi động sự nghiệp

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm được một công việc ưng ý không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt với những người vừa tốt nghiệp ít kinh nghiệm. Hi vọng những lời khuyên dưới đây sẽ giúp những người mới trong thị trường lao động sớm tìm được con đường đi đúng đắn cho một sự nghiệp thành công:
Tận dụng các nguồn tìm việc ở trường học
Hầu hết các trường đại học, cao đẳng đều hỗ trợ tân cử nhân tìm việc thông qua mối quan hệ với các doanh nghiệp, đối tác. Thậm chí, các cựu sinh viên của trường cũng tích cực giúp đỡ các hậu bối của mình bằng cách cung cấp thông tin tuyển dụng. Bạn nên tận dụng tất cả các nguồn này để tìm việc
Gia nhập mạng xã hội
Chắc hẳn các bạn trẻ đều đã lập cho mình một tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Twitter hay LinkedIn. Nhưng hãy lưu ý rằng giờ đây bạn đã là một người đi làm và trang cá nhân của bạn phải được xây dựng chuyên nghiệp để không chỉ phục vụ mục đích liên lạc với bạn bè mà còn giúp bạn liên kết với những mối quan hệ nghề nghiệp
Xây dựng mạng lưới quan hệ trực tiếp
Nhiều người mới tốt nghiệp trẻ tuổi thường tập trung vào các mối quan hệ online mà quên đi sự tương tác trực tiếp. Bạn nên thường xuyên gặp gỡ bạn bè, gia đình, các mối quan hệ công việc và cho họ biết bạn đang tìm việc. Bên cạnh đó, hãy tham gia các buổi tham quan, hội chợ việc làm, buổi gặp gỡ với các cựu sinh viên của trường bạn học hoặc các tổ chức cộng đồng, hội thảo về lĩnh vực của bạn. Tìm và kết nối chặt chẽ với một người cố vấn giàu kinh nghiệm cũng giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ.
Thân thiện, hòa nhã với mọi người
Hãy giới thiệu bản thân với mọi người trong công ty và tình nguyện làm thêm các dự án, làm thêm giờ để xây dựng mối quan hệ cũng như phát triển năng lực bản thân. Kể cả khi chỉ xem công việc mới như một bước đệm để tới các công ty/ công việc khác, bạn cũng phải tập trung vào nó và cố gắng hết sức mình.
Làm danh thiếp cá nhân
Đừng nghĩ rằng chỉ những nhân viên trong các công ty lớn mới có danh thiếp. Bạn cũng có thể tự làm danh thiếp cho mình. Hãy thiết kế đơn giản với tên, địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và có thể cả một số kỹ năng nổi bật của bạn ở mặt sau. Hãy luôn mang theo và trao đổi với những người chuyên nghiệp mới gặp dù trong hội chợ việc làm hay nhà hàng
Tham gia tình nguyện
Nếu không có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực của mình, bạn có thể tình nguyện làm việc không lương, làm tự do hay bán thời gian thay vì cả ngày ngồi trước máy tính để tìm việc. Những hoạt động đó không chỉ giúp bạn phát triển các kỹ năng, mở rộng mối quan hệ mà còn gia tăng giá trị cho CV của bạn.
Luyện tập phỏng vấn
Bạn khó có thể vượt qua vòng phỏng vấn nếu không hoặc ít luyện tập. Hãy nhờ người thân hay bạn đặt ra những câu hỏi phỏng vấn thường gặp như “Điểm mạnh của bạn là gì?, Tại sao bạn muốn làm việc cho công ty chúng tôi?…” Bạn phải thành thục cách giới thiệu bản thân, kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp của mình khi tham gia phỏng vấn.
Tìm hiểu về công ty
Khi đã nhận được cuộc phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy nghiên cứu về công ty thông qua website, báo chí, báo cáo hàng năm. Tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ, điểm mạnh và đối thủ cạnh tranh của công ty. Càng biết nhiều về công ty, bạn càng tự tin thể hiện trong cuộc phỏng vấn.
Gửi lời cám ơn người phỏng vấn
Sau mỗi cuộc phỏng vấn, hãy viết mail cám ơn người đã phỏng vấn bạn. Việc này chứng tỏ bạn thực sự hứng thú với công việc và coi trọng thời gian của người phỏng vấn.
Đặt câu hỏi
Sau khi nhận được việc, bạn không thể vội an nhàn. Nếu muốn nổi bật trước sếp và trở thành tài sản giá trị của công ty, bạn phải tiếp tục nỗ lực. Hãy ăn mặc chuyên nghiệp, đến sớm và về muộn. Ngoài ra, một những điều quan trọng nhất đối với nhân viên mới là đặt câu hỏi. Người quản lý cũng hi vọng trong 1, 2 tháng đầu, bạn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và học hỏi. Vì vậy, tốt nhất hãy hỏi hơn là phán đoán và mắc sai lầm.

Theo Socola