Hiện tượng lo nghề tay phải không chỉ riêng Kinh Đô. Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng loan truyền thông tin, sau những cuộc đua đầu tư tài chính lỗ nhiều hơn lãi, CPCP Kinh Đô đang quay trở lại với chiếc bánh ngọt – nghề tay phải vốn dĩ đã tạo dựng lên thương hiệu Kinh Đô bấy lâu nay. Và hiện tượng này không phải chỉ riêng Kinh Đô.
Kinh Đô đã xác định năm nay tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính là thực phẩm
Có lẽ, Tết Trung thu năm nay là lần đầu tiên bánh trung thu của Vinabico được sản xuất tại nhà máy của Kinh Đô và được bán theo hệ thống phân phối của tập đoàn này.
Với việc nắm giữ 51,2% vốn điều lệ Vinabico từ bốn năm nay, Kinh Đô hầu như không gặp khó khăn trong điều hành Cty bánh kẹo này. Nhiều nhân sự từ Kinh Đô sang điều hành Vinabico từ năm 2008 khi Cty này lỗ 11,8 tỉ đồng. Từ năm 2009, các điểm bán hàng của Vinabico đã được sáp nhập vào kênh phân phối của Kinh Đô, và nhận được sự hỗ trợ mua nguyên vật liệu, cải tiến máy móc thiết bị…
Ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Kinh Đô cho biết “Kinh Đô đã xác định năm nay tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính là thực phẩm. Các dự án BDS, chúng tôi đều ngừng lại”. Ông Nguyên cho rằng, những năm qua Kinh Đô đang chịu hậu quả của việc đầu tư đa ngành. Trong quý 2/2012 Kinh Đô đã thoái vốn các khoản đầu tư tài chính ở Tribeco và Butifood. Thoái vốn Tribeco, Kinh Đô ghi nhận khoản lãi nhỏ 1,7 tỉ đồng; còn chuyển nhượng cổ phần tại Nutifood, Kinh Đô lỗ ròng 71,317 tỉ đồng.
Ngoài ra, việc bán cổ phiếu trong danh mục đầu tư đã đem về cho Cty khoản thu 18 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và lãi vay bị đẩy lên cao, lợi nhuận ròng giảm, theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất sáu tháng đầu năm đã soát xét, Kinh Đô đã lỗ 8,67 tỉ đồng do ghi nhận khoản lỗ từ việc chuyển nhượng cổ phần.
Năm 2012, Kinh Đô đặt chỉ tiêu 5.500 tỉ đồng doanh thu, tăng 29% so với năm ngoái, và lợi nhuận trước thuế là 500 tỉ đồng, tăng 43%. Đây là một kế hoạch tham vọng, bởi năm 2011, năm Kinh Đô đã sáp nhập Kinh Đô Miền Bắc và Kido, Cty chỉ lãi hơn 292 tỉ đồng, chỉ đạt hơn nửa kế hoạch đề ra.
Không chỉ riêng Kinh Đô, trước những biến động khó khăn của nền kinh tế, nhiều DN đã sẵn sàng từ bỏ đầu tư đa ngành tài chính, chứng khoán, BĐS để quay về với ngành nghề truyền thống.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính DN-Bộ Tài chính cho biết, trong quý III/2012, các DNNN phải trình đề án tái cơ cấu của DN mình, trong đó có nội dung quan trọng là thoái vốn. Tính đến nay đã có 7 tập đoàn, tổng Cty trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu; khoảng 40 DN đã gửi văn bản tới Bộ Tài chính để xin góp ý cho dự thảo, 15 DN đang xây dựng. Tháng 9 là thời hạn cuối cùng các tập đoàn và tổng Cty phải trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu DN, trong đó các tập đoàn và tổng Cty phải xây dựng kế hoạch và lộ trình thoái vốn.
Nhiều DN đã sẵn sàng từ bỏ đầu tư đa ngành tài chính, chứng khoán, BĐS để quay về với ngành nghề truyền thống.
Cũng theo ông Tiến, việc thoái vốn của DN đã đầu tư ngoài ngành phải hoàn thành trước năm 2015. Các tập đoàn, tổng Cty phải tập trung vào ngành kinh doanh chính đã được nhà nước giao. Trước mắt phải thoái vốn ở 4 lĩnh vực: BĐS, bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán.
Theo báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu mới đây, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết lộ trình thoái vốn ngoài ngành chính từ 2012 – 2015 được thực hiện 100% với 43 Cty, thoái một phần vốn ở 12 Cty. Tổng số vốn dự kiến thu hồi 2.528 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ 2016 – 2020, VRG tiếp tục thoái vốn để giảm vốn tập đoàn 8 Cty với số vốn dự kiến thu hồi 1.743 tỉ đồng.
Với Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) đang xin thoái vốn hết tại Tổng Cty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) và tại Tổng Cty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI). Còn Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tại báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu mới đây cũng thể hiện quyết tâm sẽ không tham gia đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực BĐS, chứng khoán, bảo hiểm. “EVN sẽ thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đã đầu tư khoảng 1.102 tỉ đồng trong các lĩnh vực này, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện từ nay đến năm 2015”. Và các ông lớn này có nguyện vọng, sau khi thoái vốn xong xin được giữ tiền mặt.
Từ những phân tích trên cho thấy trong thời buổi khó khăn, kinh tế bị đình trệ, không riêng gì DN tư nhân mà cả DNNN cũng rốt ráo chuyển đổi hình thức hoạt động. DN tư nhân từ bỏ ngành nghề tăng nóng trong thời gian vừa qua quay về với ngành nghề truyền thống. Còn DNNN rốt ráo thoái vốn đầu tư ở các ngành nhằm ôm tiền mặt phòng thân…
Theo P.Hà