Những nghề sắp biến mất trong tương lai

Cũng như cuộc cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ XVI, cuộc cách mạng công nghệ thông tin ngày nay đang đe dọa một số nghề quen thuộc không còn chỗ đứng trong tương lai.

Hiện nay một số ngành nghề truyền thống đang có dấu hiệu đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, việc mất hẳn một số nghề này còn phải mất một thời gian khá dài nữa. 
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, có 8 nghề có xu hướng bị cắt giảm trên phạm vi toàn cầu từ nay cho đến năm 2012. 
Làm vườn, làm nghề nông
Đây được coi là nghề sẽ bị cắt giảm mạnh trong thời gian tới. Sự hỗ trợ đắc lực của máy móc hiện đại đang giúp tiết kiệm nhân công trong ngành này. Ngoài ra, cơ chế sản xuất tập trung hơn ở các nước đang phát triển, các nước nghèo ở châu Phi thay cho sản xuất cá thể, nhỏ lẻ cũng làm giảm số người hoạt động trong ngành này. Chưa kể, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đặc biệt ở vùng Đông Á, cũng làm giảm lượng nhân công làm nghề này trong tương lai.
Thợ may
Cũng như thời cách mạng công nghiệp hồi thế kỷ 16 với sự ra đời của máy may công nghiệp, những người làm nghề may mặc phải chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ cuộc cách mạng công nghệ ngày nay. 
Công việc của họ đang bị đe doạ vì rõ ràng, máy móc sẽ chiếm dần chỗ đứng của họ tại các nhà xưởng. Xu thế đó đã bắt đầu từ nhiều năm qua và sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa.
Thư ký
Các máy móc và thiết bị văn phòng đã trang bị cho các doanh nhân một cách hoàn hảo nhất. Chúng chính là những thư ký, trợ lý đắc lực, làm nhiều và nói ít hơn bất kỳ một thư ký bình thường nào khác. Đó là điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bỏ túi cho tới các phần mềm thông minh đang làm cuộc sống mỗi doanh nhân tiện lợi hơn bao giờ hết.
Nhân viên đánh máy và nhập dữ liệu
Số lượng người làm nghề này đang giảm và chắc chắn sẽ tiếp tục với mức độ suy giảm nhanh chóng nhất. Nguyên nhân là do sự ra đời liên tục của hàng loạt phương tiện hữu ích như các đời máy tính cá nhân mới nhất. 
Bên cạnh những bộ máy có tốc độ xử lý ngày càng cao ấy là hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm phần mềm hỗ trợ đắc lực, mang lại công suất làm việc cao hơn rất nhiều lần so với trước đây.
Thu ngân
Cũng như nghề đánh máy và nhập dữ liệu, nghề thu ngân sẽ được giao phó ngày càng nhiều cho những chiếc máy tính mới và những phần mềm thông minh. Các công ty hoạt động trong các ngành cần đến kỹ năng này đang ngày càng tin tưởng vào công nghệ mới. 
Những chiếc máy thu tiền tự động, những phần mềm lọc đơn hàng của khách… sẽ thay thế dần những cô gái xinh đẹp cặm cụi ngồi làm việc ở bàn với chiếc máy tính điện tử cổ điển.
Thợ lắp ráp linh kiện điện tử
Các nhà chế tạo muốn sản phẩm của mình ngày càng chính xác và đa dụng hơn. Và họ buộc phải sắm thêm các thiết bị tự động, các dây chuyền lắp ráp tối tân để đảm bảo chính xác và an toàn tới từng chi tiết nhỏ nhất. Nhân công bình thường dẫu quen tay tới đâu cũng phải chịu thua những công nghệ mới như vậy, nên họ mất việc dần cũng là điều dễ hiểu.
Trực tổng đài
Công nghệ viễn thông đang phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt, chẳng kém gì công nghệ thông tin. Những chiếc máy biết nhận giọng nói, những bộ chuyển cuộc gọi tự động theo phần mềm lập trình sẵn… đang thay thế dần những nhân viên trực tổng đài. 
Ngoài ra, các phương tiện liên lạc tiện lợi khác như email hay điện thoại internet cũng đang làm cho những người làm nghề trực tổng đài ngày càng rỗi việc.
Đại lý du lịch lữ hành
Khách du lịch ngày càng dựa vào internet để chuẩn bị cho mình các chuyến đi. Họ có thể xem trước phong cảnh, in bản đồ, đăng ký khách sạn, đặt vé máy bay và mua các trang thiết bị cần thiết cho chuyến đi chỉ bằng những cái nhấp chuột đơn giản thay vì phó mặc cho các đại lý du lịch. 
Ngoài ra, du khách ngày nay thích khám phá hơn, có đủ điều kiện và trang thiết bị để tự đi một mình thay vì phải bó mình trong các tour cố định theo ý các đại lý. Do vậy, nghề này có khuynh hướng sẽ sút giảm nghiêm trọng trong tương lai.

Theo VNN