Hai câu chuyện về 500 ngàn

Không biết mọi người làm công tác tuyển dụng có thường gặp những câu chuyện như thế này không, chứ mình thì cảm thấy bất ngờ lắm vì chuyện tưởng như không bao giờ xảy ra.
Một cậu sinh viên mới ra trường, sau khi trải qua các vòng phỏng vấn khá gay gắt thì quyết định làm việc cho công ty đó với mức lương được xem là khá cao so với những nơi khác. Với mức lương này, công ty đã đồng ý. Tuy nhiên, bỗng dưng một ngày đẹp trời nọ, cậu gọi điện thoại cho người tuyển dụng và bảo rằng, cậu sẽ bắt đầu làm việc nếu công ty chịu tăng mức lương lên thêm 500 ngàn nữa. 
Khỏi phải nói, vị sếp của công ty đó bực mình đến mức nào. Thứ nhất là tại sao đã đồng ý với mức lương như thế rồi lại đổi ý. Thứ 2 là sao không tăng lên 1 triệu hay 2 triệu gì đó mà chỉ có 500 ngàn. Không phải vì công ty không có khả năng chi trả thêm 500 ngàn nhưng với thái độ “sinh viên” như thế nên công ty đã từ chối nhận cậu vào làm, mặc dù bây giờ cậu chịu giảm xuống 1 triệu đi nữa. 
Không biết sau khi nhận quyết định đó cậu ấy có suy nghĩ như thế nào nhưng còn sếp và nhân viên trong công ty thì thở phào nhẹ nhõm vì “may mà không làm đồng nghiệp với một người hay kỳ kèo như thế”.
Sau cậu sinh viên này, công ty lại phỏng vấn một người khác và cô này đã đồng ý nhận việc với mức lương mà cậu đã đề xuất. Thế nhưng ngày hôm sau, người tuyển dụng lại gọi điện cho cô và thông báo mức lương của cô sẽ được tăng thêm 500 ngàn nữa, mặc dù cô không hề yêu cầu. 
Trong buổi họp ngày đầu đi làm, vị sếp đã chia sẻ nếu cô hoàn thành tốt công việc thì việc tăng lương cho cô không có gì là khó khăn cả và dẫn chứng về anh chàng sinh viên kia. Ông đặt câu hỏi: Tại sao bạn không nghĩ bạn làm được gì cho công ty trước đã, rồi hãy nghĩ đến việc công ty sẽ cho bạn những gì?
Suy nghĩ về câu hỏi này lại thấy một thực tế là nhiều người có quan niệm chỉ làm những gì cảm thấy phù hợp với mức lương nhận được. Những gì ngoài bảng mô tả công việc thì “no table” nhé. Những gì không liên quan đến nhiệm vụ thì “Chẳng phải việc của em nhé, ai muốn làm gì thì làm đi”. 
Đứng dưới góc độ của người sử dụng lao động thì thấy thái độ đó chẳng được tí nào, nhưng với người lao động thì họ làm vậy cũng … chẳng sai. Tại sao phải làm những công việc không phải của mình? Tôi được trả lương không phải để làm những việc đó. Tại sao phải “hi sinh” trước rồi mới nhận được quyền lợi của mình? Tại sao công ty không đưa cho tôi mức lương cao hơn rồi tôi sẽ làm các việc đó? Câu trả lời đơn giản chỉ là: Bạn làm được việc thì lương cao nhưng chưa chắc nhận được lương cao thì bạn sẽ làm được việc. 
Nếu chắc chắn được điều đó thì hãy thể hiện khả năng thuyết phục nhà tuyển dụng trước đi đã

Theo Motibee