Khởi sự kinh doanh thời khủng hoảng

Bất chấp thực tế là nền kinh tế đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất, hàng nghìn công ty phải chấm dứt hoạt động, lãi suất ngân hàng còn quá cao…, vẫn có những doanh nghiệp đang âm thầm đi tìm cơ hội kinh doanh mới. Logic của họ là gì?
“Khủng hoảng đã ảnh hưởng tới mọi người, mọi thị trường, mọi tầng lớp, nhưng bản thân tôi luôn tin rằng kể cả trong những lúc khó khăn nhất, thì cơ hội vẫn cứ đến với bất kỳ ai, khi họ thực sự kiếm tìm”, ông Nguyễn Bá Quốc – giám đốc điều hành hệ thống AppeRice – chuỗi cửa hàng cơm kẹp vừa mới xuất hiện, rất lặng lẽ nhưng đã có 10 cửa hàng tại các vị trí đắc địa tại Tp.HCM, nói với VnEconomy.
Hệ thống của các ông ra đời trong điều kiện khá đặc biệt, khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, và ngân hàng đang thắt chặt tín dụng. Bối cảnh này đã gây ra khó khăn thế nào?
Chúng tôi đã đầu tư gần 1 triệu USD cho dây chuyền sản xuất. Chi phí này không nhỏ, vì phải tự huy động, mà chưa có sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng.
Đây là khó khăn rất lớn của chúng tôi. Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Bên cạnh những khó khăn về tài chính, thì chúng tôi lại tìm thấy khá nhiều thuận lợi cho việc phát triển thị trường.
Thuận lợi đầu tiên là việc thuê mặt bằng. Với mô hình chuỗi, việc thuê mặt bằng phù hợp luôn là thách thức lớn nhất. Chưa bao giờ việc thuê mặt bằng lại thuận lợi như hiện nay.
Thứ hai, khi kinh tế biến động, mọi người có xu hướng tìm một nguồn thu nhập ổn định, dù chưa hẳn đã lớn. Do số đầu tư không lớn, chỉ khoảng 50 – 100 triệu đồng cho một kiosk AppeRice – một mức đầu tư mà nhiều người có thể chấp nhận, nên nhiều nhà đầu tư đã liên hệ để nhận làm cửa hàng nhượng quyền AppeRice. 
Một đối tác nhượng quyền của AppeRice, vốn là tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn, đã nói vui với chúng tôi: buôn tàu bán bè mãi, bây giờ tôi chỉ cần một nồi cơm nguội – đủ cho con tôi lúc đói lòng.
Thứ ba, trong khó khăn, người tiêu dùng luôn thắt chặt chi tiêu, nhưng chúng tôi đánh giá các nhu cầu cơ bản như ăn, uống, đi lại không bị ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, với mức giá có thể nói là hấp dẫn, người tiêu dùng chắc chắn sẽ không ngần ngại chi tiền để có bữa ăn tiện dụng, vệ sinh, mà lại không kém phần “phong cách”.
Tại sao ông tin rằng sản phẩm cơm kẹp có thể giành được chỗ đứng tại một địa bàn đã có nhiều tên tuổi lớn cạnh tranh như Tp.HCM?
Tp.HCM với hơn 8 triệu người tiêu dùng, đủ lớn cho mọi sản phẩm. Dù là người đi sau, chúng tôi vẫn luôn tin vào thành công của AppeRice.
Một, với mô hình kinh doanh chuỗi, số lượng cửa hàng luôn là yếu tố quan trọng nhất để thành công. Nhờ mô hình kiosk nhỏ, chỉ từ 5 – 10 m2, chúng tôi năng động hơn để lựa chọn vị trí lập cửa hàng để tiếp cận gần hơn người tiêu dùng. Điều này rất quan trọng, khi cư dân Tp.HCM luôn bận rộn, và đòi hỏi sự thuận tiện tối đa. Nên chỉ trong tháng đầu tiên, chúng tôi đã mở được 10 cửa hàng tại các vị trí đắc địa, điều này không dễ dàng với các chuỗi có mô hình cửa hàng lớn.
Hai, khẩu vị Việt là mục tiêu chúng tôi hướng tới. Dù là đồ ăn nhanh, nhưng AppeRice tập trung tạo ra những phần ăn đậm đà hương vị Việt. Điều này dĩ nhiên không dễ, nhưng nó sẽ là điểm nhấn khác biệt giữa chúng tôi và các “đại gia” nước ngoài.
Ba, chúng tôi nỗ lực làm cho AppeRice trở thành đồ ăn nhanh đúng nghĩa. Khi học ở nước ngoài, đồ fast-food luôn là ưu tiên của cá nhân tôi, vì lý do nhanh, tiện, và quan trọng nhất là rẻ. Không chỉ cá nhân tôi, mà khá nhiều người đã ngạc nhiên vì fast-food khi du nhập vào Việt Nam lại khá đắt tiền so với thu nhập người dân, thậm chí trở thành dạng nhà hàng “sang trọng”. Với mức giá chỉ từ 19.000 đồng/phần ăn, chúng tôi tin rằng AppeRice sẽ phù hợp với đông đảo khách hàng. 
Vậy thì theo góc nhìn của ông, thị trường fast-food của Việt Nam đang có những xu thế nổi bật nào? 
Trong một cuộc khảo sát thị trường với 300 người sống tại các thành phố lớn: Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng gần đây của hãng TFA, có đến 90% người tiêu dùng mong muốn fast-food phải tốt cho sức khỏe, 87% mong muốn có sản phẩm tươi lành. 
Xu hướng sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe cũng đang trở thành trào lưu trên thế giới, và ngay cả những người khổng lồ như McDonald’s cũng đang phải chuyển mình, đưa ra những thực đơn “sinh thái” hơn.
Sau 15 năm, kể từ ngày cửa hàng đầu tiên được mở, thị trường fast-food trong nước đang thực sự phát triển, đáp ứng nhu cầu cuộc sống bận rộn và năng động. Có thể nói, chúng ta đang đi sau thế giới về thị trường fastfood. Nhưng ngược lại, với truyền thống ăn tươi lành, người Việt Nam lại đi trước thế giới về xu hướng tiêu dùng lành mạnh.
Nhìn diện mạo kiosk và thực đơn, AppeRice có vẻ đang xem giới trẻ như học sinh, sinh viên, giới viên chức văn phòng trẻ… là đối tượng tiêu dùng trọng tâm. Nếu đúng thì vì sao các ông lại chọn lựa như vậy?
Thực ra, sản phẩm cơm kẹp có thể hiểu được cấu thành từ “cơm” và “kẹp”. 
Phần “cơm” có thể đáp ứng nhu cầu của mọi người Việt Nam, nhưng phần “kẹp” thì trước mắt, phù hợp hơn với những người bận rộn, có cuộc sống năng động, và đặc biệt, những người cởi mở, dễ đón nhận những trào lưu mới.

Theo Nhật Nam