Những rào cản trong phát triển thương mại điện tử

Mặc dù hiện nay cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý cho Thương mại điện tử (TMĐT) đã có những tín hiệu tốt, nhưng thói quen mua sắm của người tiêu dùng và việc thiếu giải pháp đồng bộ trong khâu thanh toán khiến TMĐT ở Việt Nam ì ạch. 
Thông tin cá nhân chưa được bảo mật
Hiện tại người mua và người bán vẫn thực hiện theo phương thức “tiền trao cháo múc” nên người tiêu dùng rất lo ngại mua phải sản phẩm không dùng được hoặc chất lượng không đạt như mong muốn.
Hệ thống pháp lý bảo vệ thông tin cá nhân vẫn còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về bảo vệ đối tượng sử dụng TMĐT.
Tại hội thảo “ Xây dựng năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử” do Bộ Công thươngphối hợp với Trung tâm Thông tin lãnh đạo (CIPL) Hoa Kỳ tổ chức, ông Martin Abrams, Giám đốc Trung tâm Thông tin lãnh đạo Hoa Kỳ đưa ra ví dụ: Hiện trên mạng intenet có nhữngquảng cáo rao bán hơn 7 triệu địa chỉ e-mail công ty, doanh nghiệp, cá nhân kèm theo phần mềm gửi e-mail chuyên nghiệp chỉ với giá 350.000 đồng. Điều này cho thấy việc bảo mật thông tin cá nhân chưa thực sự được coi trọng.
Ông Dương Hoàng Minh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết: một trong những hình thức vi phạm bảo vệ dữ liệu cá nhân rất phổ biến là việc thu thập địa chỉ thư điện tử trái phép để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, từ quảng cáo trực tuyến đến bán danh sách các địa chỉ này chongười có nhu cầu.
Bên cạnh đó là các hiện tượng ăn cắp, lừa đảo lấy thông tin tài khoản cá nhân, phát tán thông tin và hình ảnh riêng tư, lừa đảo qua thẻ ATM. Một kết quả khảo sát khác của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin trong giai đoạn 3 năm (từ 2006- 2008) cho thấy, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân, luôn được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất (xếp thứ 3 trong số 7 trở ngại lớn nhất) đối với sự phát triển TMĐT ở Việt Nam.
Cảnh báo về rủi ro mất an toàn thông tin, ông Vũ Quốc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đưa ra những con số khảo sát: hiện chỉ có 37% tổ chức có quy chế về an toàn thông tin, 33% tổ chức sẽ xây dựng quy chế trong thời gian tới, còn lại tới 30% tổ chức chưa có ý định này.
Phương thức thanh toán – Vốn phát triển, cũng là rào cản
Ngoài ra, việc thiếu hình thức thanh toán cũng là một cản trở TMĐT phát triển, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc PayNet – một trong những cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, cho biết: Hiện các cơ quan chức năng đều yêu cầu các doanh nghiệp khi xuất nhập hàng hóa phải có hoá đơn đỏ, chữ ký, con dấu tươi, điều này khiến TMĐT chưa thực sự phát triển.
Vì vậy có tới 74,1% doanh nghiệp sử dụng hình thức thanh toán là khách hàng trả tiền mặt khi nhận hàng, 74,8% doanh nghiệp chấp nhận thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng và chỉ có 25% doanh nghiệp thanh toán bằng chuyển tiền qua bưu điện. Bên cạnh đó không phải tất cả các ngân hàng đều cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán thông qua TMĐT.
Mặt khác, nếu có cổng thanh toán thì cũng chỉ chấp nhận những thẻ quốc tế như VISA Card, Master Card…trong khi không phải tất cả mọi người đều có loại thẻ này. “Nếu so sánh về số lượng thì đến 80% người có đủ tiền mặt, nhưng chỉ khoảng 20% người có thẻ ghi nợ, và khoảng 1% có thẻ tín dụng. Rõ ràng đó là một hạn chế”, ông Thắng nói.
Mặc dù TMĐT được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển thương hiệu, nhưng hiện nay phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa phát triển TMĐT do thiếu kinh phí.
Tổng giám đốc liên doanh Chợ ĐiệnTử- eBay, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết:Chi phí đầu tư một website thông thường chỉ từ 5 – 10 triệu đồng nhưng để website thương mại điện tử “chạy” được A – Z, thì phải đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải liên kết với các đơn vị thanh toán trung gian như ví điện tử Payoo, Visa, Discover, Marter Card, Visa Debit…
Kinh phí lớn nên nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tự triển khai TMĐT. Hơn nữa, việc nếu kết nối trực tiếp với các ngân hàng cũng gặp khó khăn, nếu chỉ kết nối với từng ngân hàng thì chỉ sử dụng được dịch vụ của ngân hàng đó mà không thể kết nối với các ngân hàng khác, từ đó khó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Đó là chưa kể việc các ngân hàng có thể cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt, nhưng lại hạn chế cấp tín dụng thông qua hình thức mua hàng “online”, điều này cũng gây khó cho doanh nghiệp.

Theo Hoidoanhnhan