Mở một doanh nghiệp (DN) rất dễ, nhưng để kinh doanh thành công thì không dễ. Mỗi chúng ta thường bắt đầu công việc kinh doanh từ một ý tưởng tốt đẹp, một niềm đam mê kèm theo một niềm tin cháy bỏng, nhưng rất ít người biến ý tưởng thành hiện thực, biến đam mê thành kinh doanh cụ thể và thành công.
Không ít người thành công ở giai đoạn khởi đầu nhưng lại thất bại trong những giai đoạn kế tiếp. Bởi vì, thực tế không như lý thuyết và sai lầm thường bắt đầu từ việc không xác định đúng những bước đi cần thiết cho từng giai đoạn.
Ở giai đoạn khởi đầu, với quyết tâm cao, quy mô và năng lực đã được chuẩn bị trước thường sẽ hoạt động hiệu quả và đạt được những thành công đáng kể. Với sự hưng phấn và khích lệ đó, nhiều DN hăng hái mở rộng quy mô, xông xáo liên doanh, vay ngân hàng để đầu tư mở rộng… Tuy nhiên, ở thời điểm này, những tín hiệu bất thường bắt đầu xuất hiện.
Vì phát triển quá nhanh, vượt ngoài tầm kiểm soát và năng lực quản lý, tài chính của công ty, nên khả năng xảy ra sai sót dẫn đến sụp đổ rất dễ xảy ra. Sai lầm là các công ty lại thường che đậy sai sót với hy vọng sẽ cố gắng đảo ngược được tình thế. Để đối phó với tình huống tồi tệ này, các công ty thường “bịa đặt” ra tài sản vốn ảo để che giấu các khoản nợ, làm giả tài liệu, chứng từ để che giấu cách làm ăn gian dối.
Hoặc dùng danh nghĩa của các ngân hàng tài trợ, các quan chức, các cổ đông tên tuổi như là một lá chắn để tạo vỏ bọc. Một khi đã có sự tiếp tay có hệ thống của những người có trách nhiệm để che đậy những sai sót, thì DN rất khó bị phát hiện những sai trái trong hoạt động kinh doanh. Và từ đây hình thành mối quan hệ làm ăn gian dối, lừa đảo kéo dài, có hệ thống.
Sự thất bại của nhiều DN cho thấy chế độ quản trị thường thiếu minh bạch, không đáng tin cậy; không có sự giám sát chặt chẽ, quy định không rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu.
Tất cả những điều trên là tiền đề cho sự sụp đổ của nhiều DN trong thời gian qua, và cũng là tín hiệu báo động nguy cơ phá sản đang tiềm ẩn đối với nhiều DN.
Theo Hoidoanhnhan