Là một lãnh đạo, bạn thường xuyên phải thương lượng hoặc bàn luận các vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng liệu bạn có tận dụng một công cụ rất hữu ích khi tranh luận mà nhiều người lại bỏ qua, đó là ngôn ngữ cử chỉ.
Ngôn ngữ cử chỉ cũng có sức mạnh không kém lời nói nhưng phải thực hiện đúng cách, phụ thuộc từng tình huống. Dù mọi người vẫn dùng ngôn ngữ cử chỉ khi tranh luận nhưng những hành động như cất cao giọng, vung tay vung chân, mặt mũi đỏ văng… sẽ không thể là phương tiện thuyết phục hiệu quả. Ngôn ngữ cử chỉ phải được sử dụng một cách tế nhị và bài bản ngay từ khi bắt đầu cuộc tranh luận. Nếu thực hiện đúng, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và hạn chế những xung đột không đáng có.
Dưới đây là 3 bước cơ bản để chiến thắng trong cuộc tranh luận phi ngôn ngữ khi cảm xúc vượt tầm kiểm soát. Lưu ý rằng tất cả phải được thực hiện một cách tế nhị, tránh lộ liễu, nếu không mọi người sẽ nghĩ bạn đang diễn kịch câm:
Bước 1: Hành động tương tự như đối thủ của bạn
Hành động phản chiếu đối thủ của mình sẽ xây dựng sự tương đồng phi ngôn ngữ, giúp bạn tránh khỏi những mâu thuẫn tiềm năng trước khi cuộc thương lượng chính thức bắt đầu. Việc này rất đơn giản: ngay từ đầu, khi người đó tìm vị trí ngồi hoặc đứng, bạn hãy cố gắng làm điều tương tự.
Vị trí ngồi tương đồng hay tư thế đứng/ ngồi giống nhau sẽ gửi tới đối phương một thông điệp mạnh mẽ rằng 2 bên có cùng cấp độ, ở thế ngang nhau và bạn muốn có một cuộc tranh luận đem lại lợi ích cho cả 2. Họ sẽ bắt đầu tin tưởng bạn. Nhưng cố gắng đừng hành động lộ liễu dễ rơi vào thế đối đầu.
Bước 2: Khi bước vào cuộc tranh luận, điều chỉnh cử chỉ cho phù hợp
Khi mọi người bắt đầu tranh luận, chất vấn, bất đồng ý kiến với bạn, đừng tiếp tục phản chiếu hành động của họ mà bạn cần điều chỉnh cử chỉ của mình một cách thích hợp. Thường thường, người nào đó tranh cãi bằng cách nói lớn lên tức là anh/ chị ấy mong muốn người khác lắng nghe và hiểu ý kiến của mình. Bạn cần điều chỉnh với người đó bằng cách ngồi hoặc đứng hướng mặt về cùng hướng và im lặng cho tới khi họ nói xong.
Việc này có thể khó thực hiện do bản năng tự nhiên của chúng ta là quay lại với người chất vấn hoặc lại gần sát và nhìn thẳng vào mắt họ, điều đó sẽ làm cho cuộc thương lượng căng thẳng hơn. Do đó, hãy cố gắng bình tĩnh và kiềm chế.
Bước 3: Khi căng thẳng lên tới đỉnh điểm, hãy sử dụng cử chỉ của tay
Bạn hãy giang rộng cánh tay và đẩy nhẹ 2 bàn tàn xuống dưới. Lặp lại nếu cần thiết. Hành động gửi tới một thông điệp rõ ràng rằng tất cả mọi người nên bình tĩnh và kiềm chế.
Tất nhiên, ngôn ngữ cử chỉ không thể thay thế lời nói khi tranh luận nhưng nhưng chúng có thể làm xoa dịu những tình huống căng thẳng một cách dễ dàng hơn. Hãy tận dụng cả lời nói cũng như cử chỉ của mình để những cuộc tranh luận của bạn diễn ra nhẹ nhàng, suôn sẻ.
Theo Diendanquantri