Vinh quang và cay đắng của CEO trong cuộc sống và công việc là cả một quá trình cân bằng liên tục. Giống như những diễn viên xiếc đung đưa trên chiếc dây cao trong không trung, trước con mắt chăm chú dõi theo của hàng ngàn khán giả, họ nhắm thẳng đến mục tiêu của mình, nhưng đồng thời cũng ý thức rất rõ những nguy cơ tiềm ẩn.
Nhạy cảm và nắm bắt hoàn cảnh
Nếu bạn để ý đến những diễn viên xiếc đi trên dây kỹ lưỡng một chút, bạn sẽ nhận thấy đằng sau nụ cười tươi tắn trên môi, là ánh mắt căng thẳng thể hiện sự tập trung cao độ để giữ bình tĩnh, thả lỏng người và đoán biết hướng gió. Nếu không nhạy cảm với môi trường xung quanh, e rằng tiết mục của những diễn viên tài ba này khó có thể thành công. Một nhà lãnh đạo đích thực cũng phải rất sự nhạy cảm trước tình thế, hoàn cảnh và môi trường xung quanh mình.
Để có thể làm được điều này, họ cần đến ba yếu tố, có vẻ như chúng tách biệt nhau nhưng thực tế lại gắn bó rất khăng khít. Trước hết là kỹ năng quan sát vấn đề và sử dụng kinh nghiệm cá nhân của lãnh đạo. CEO thường quan sát và cảm nhận những gì đang diễn ra bên trong tổ chức của mình, sau đó dùng kinh nghiệm cá nhân để có thể “phiên dịch” những điều mà họ thấy và cảm nhận được.
Do đó mà họ biết được lúc nào tinh thần tập thể đang “có vấn đề” hoặc một nhân vật tài năng nào đó đang có xu hướng tự mãn, để kịp thời có biện pháp răn đe. Bằng cách tổng hợp thông tin thông qua khả năng nhìn nhận, nghe ngóng của mình, nhà lãnh đạo sẽ nhận biết được tình thế, hoàn cảnh quanh họ đang trong trạng thái như thế nào, tại một thời điểm nhất định.
Thứ hai là những kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh. Sau khi đã quan sát và nắm được hoàn cảnh, nhà lãnh đạo cần phải quyết định cách hành động, ứng xử của mình như thế nào. Nhưng điều quan trọng là mặc dù phải thích nghi, nhưng không được phép đánh mất bản thân mình. Do đó, người ta mới nói rằng, tắc kè hoa, dù có đổi màu nhiều đến mấy đi nữa, vẫn chỉ là tắc kè hoa.
Những kỹ năng này sẽ giúp cho nhà lãnh đạo củng cố thêm sức mạnh: tạo nên bầu không khí dễ gần mà không mất đi khoảng cách cần thiết. Họ vừa phô trương sức mạnh bản thân và hé lộ điểm yếu ở mức vừa phải, nhanh nhẹn, bận bịu mà vẫn luôn làm chủ được thời gian.
Chẳng hạn như đúng lúc công ty đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước đến nay, một số CEO tránh tiếp xúc với nhân viên của mình, tất cả các cuộc họp đều kín như bưng. Nhưng một số nhà lãnh đạo khác không hành động như vậy, họ nhận ra rằng, vào lúc này chỉ cần sự xuất hiện hay một lời phát ngôn chính thức của nhà lãnh đạo, thì sự tác động đến tâm lý của các nhân viên là rất to lớn, nhờ đó mà họ thu phục được niềm tin và lòng trung thành của các nhân viên.
Yếu tố cuối cùng để nhà lãnh đạo có thể nắm bắt được tình thế, chính là việc họ dùng kỹ năng lãnh đạo để thay đối tình thế ra sao. CEO không thể là những người chỉ tiếp nhận tình thế một cách bị động. Trái lại, dưới con mắt cấp dưới, họ phải đưa ra những viễn cảnh, những khả năng có thể thay đổi thực tế, hoàn cảnh xung quanh họ. Đó chính là điểm khác nhau cơ bản giữa những người chỉ đơn thuần phản ứng lại tình thế, với những người có khả năng xoay chuyển chúng.
Kỹ năng để nhận biết và nắm bắt tình thế rất quan trọng đối với các CEO. Chính “chiếc áo khoác” lãnh đạo nhiều khi đã làm cho thông tin đến với họ có thể sẽ ngày càng ít tính chân thực. Nhận thức được điều này, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các CEO lại càng phải để tâm hơn đến sự nhạy cảm của bản thân.
Gần gũi có khoảng cách
Những nhà lãnh đạo thành đạt có khả năng rất đặc biệt mà không phải ai cũng có được. Họ có thể kêu gọi sự ủng hộ, thu phục cảm tình, niềm tin của đông đảo mọi người. Để trở thành một CEO thành công, các nhà lãnh đạo cần phải tạo dựng được sợi dây kết nối với đồng nghiệp và nhân viên của mình, tuy nhiên, không nhất thiết phải nắm rõ họ như lòng bàn tay.
Do đó, kỹ năng quản lý các mối quan hệ, khoảng cách xã hội là rất quan trọng với CEO. Họ cần phải cân bằng được hai yếu tố khá trái ngược nhau: làm thế nào để vừa gần gũi với nhân viên, đồng nghiệp, mà vẫn đảm bảo khoảng cách, trật tự nhất định.
Nhà lãnh đạo cần có khoảng cách để thể đưa ra những viễn cảnh, nhìn thấy được những điều lớn lao có thể làm nên tương lai sáng lạng cho tổ chức mình. Đồng thời, họ cũng cần đến thái độ gần gũi, để biết được những gì đang thực sự diễn ra bên trong tổ chức của mình.
Sự gần gũi mang đến cho CEO hai lợi ích. Thứ nhất, nó giúp cho nhà lãnh đạo hiểu được những người xung quanh mình, đó chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của họ. Và bên cạnh đó, thái độ gần gũi cũng giúp cho cấp dưới hiểu nhà lãnh đạo và rút ngắn khoảng cách trong công việc nhiều hơn. Nhìn chung, thái độ gần gũi sẽ giúp CEO thể hiện được bản thân trước nhân viên. Nhưng để làm được điều này, họ phải biết cách bộc lộ bản thân một cách chừng mực, trên cả mặt mạnh cũng như mặt yếu.
Khoảng cách mà nhà lãnh đạo tạo ra cũng có những lợi ích riêng. Về mặt công việc, nó chứng minh cho các nhân viên cấp dưới thấy rằng CEO luôn có cách nhìn nhận vấn đề bao quát hơn so với họ.
CEO sẽ thiết lập được khoảng cách đúng mực với các đồng nghiệp và cấp dưới của mình khi họ cùng nhau chia sẻ những tầm nhìn, mục tiêu chung của tổ chức.
Theo Bwportal/Hoà Khánh (Dịch từ Leader to Leader)