BCG Perspective là một tạp chí về chiến lược kinh doanh thuộc BCG, một trong ba công ty tư vấn quản trị hàng đầu thế giới (cùng với McKinsey và Bain & Company). Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 1963, BCG Perspective đã liên tục đưa ra những báo cáo, nghiên cứu về chiến lược kinh doanh phù hợp với những biến động thị trường. Diễn đàn kinh tế Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một trong những báo cáo gần đây về chiến lược doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát.
Khái quát
Lạm phát đối với các hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng nhiều khi khó nhận thấy nhưng vô cùng nguy hiểm. Lạm phát giảm lợi nhuân thu được trên thực tế trong khi các nhà quản lý cứ ngỡ rằng công ty mình đang phát triển. Lạm phát cũng khiến mức đầu tư giảm và ảnh hưởng đến phân bổ tài nguyên. Giá trị thị trường suy giảm, cổ phần hầu như không sinh lãi trong thời kì lạm phát.
Đồng thời, cũng giống như bất kì mối đe dọa kinh tế nào khác, lạm phát chính là “lửa thử vàng” dành cho các doanh nghiệp. Những công ty muốn vượt qua các ảnh hưởng tiêu cực của lạm pháp có thể lợi dụng giai đoạn này để đánh bại các đối thủ yếu hơn và nâng lợi thế cạnh tranh của mình.
Bài viết này mô tả quá trình chuẩn bị gồm 2 bước. Bước thứ nhất là xác định, đánh giá các tác động của lạm phát đối với lợi nhuận và vốn đầu tư của công ty, cũng như xem xét khả năng ứng phó hiệu quả đối với các tác động đó. Bước đầu tiên này chính là việc dự đoán ảnh hưởng của lạm phát. Bước thứ 2 là sử dụng kết quả phân tích tác động trên để xây dựng một kế hoạch tổng thể tập trung vào khả năng tác động của lạm phát, và có thể giúp công ty tránh các hậu quả tiêu cực.
Quá trình chuẩn bị hoàn thành càng sớm thì công ty càng có khả năng hạn chế ảnh hưởng của lạm phát đến các hoạt động kinh doanh của mình. Và càng đợi lâu thì việc đối phó hiệu quả với lạm phát càng khó khăn hơn.
Xác định ảnh hưởng lạm phát đến lợi nhuận
Mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến lợi nhuận của công ty lớn hay nhỏ phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là khả năng hạn chế sự tăng giá từ phía nhà cung cấp. Hai là khả năng định giá sản phẩm cao hơn mà khách hàng vẫn chấp nhận. Nên nhớ rằng mục tiêu ở đây không phải là bảo vệ công hoàn toàn với lạm phát, và điều này rõ ràng là không thể thực hiện được. Thay vào đó, công ty cần chắc chắn rằng chi phí đầu vào tăng chậm hơn mức tăng của giá bán ra.
Xác định ảnh hưởng của lạm phát liên quan đến việc đánh giá tác động có thể có của lạm phát đối với lãi/lỗ của công ty. Lạm phát tác động đến các loại chi phí khác nhau của công ty ở mức độ nào? Và công ty có thể tăng giá sản phẩm lên bao nhiêu trong thời kì lạm phát? Để trả lời những câu hỏi trên, có 4 yếu tố cần phải xem xét. Đó là: các điều khoản trong hợp đồng của công ty, mối quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng, mức độ ảnh hưởng của lạm phát đối với nhà cung cấp và khách hàng, và cuối cùng là mức độ cạnh tranh.
Với khả năng lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới, ngay từ bây giờ các công ty cần có sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó hiệu quả.
Điều khoản hợp đồng
Hầu hết các hoạt động trao đổi kinh tế thường được thực hiện, quản lý thông qua một số dạng hợp đồng (rõ ràng hoặc ngầm hiểu). Chi phí đầu vào thường được quản lý bởi các thỏa thuận ngầm trong bán lẻ, các hợp đồng được chuẩn hóa trên thị trường chứng khoán hay các hợp đồng theo yêu cầu của nhà cung cấp. Giá bán ra thì do các định ước với khách hàng quyết định. Một số hợp đồng có thể không chính thức nhưng vẫn có một số quy định như giấy bảo hành, hay các giao kèo dịch vụ. Để đánh giá tác động có thể có của lạm phát đối với chi phí, giá cả, hay chính là lợi nhuận của công ty, các điều khoản trong hợp đồng cần phải minh bạch, rõ ràng.
Thời hạn hợp đồng là một yếu tố quan trọng, cần xem xét kĩ lưỡng. Ví dụ, về phía người cung cấp, hợp đồng dài hạn chính là một biện pháp bảo vệ trong khi quá nhiều hợp đồng ngắn hạn ở các thị trường giao ngay (trực tiếp) lại làm tăng rủi ro lạm phát. Tương tự, các hợp đồng với giá cố định sẽ giúp tránh các tác động tiêu cực của lạm phát tốt hơn so với hợp đồng với giá có thể điều chỉnh.
Các công ty cũng nên chú ý đến ảnh hưởng tiềm ẩn của các điều khoản có thể thương lượng lại trong hợp đồng. Nhiều hợp đồng dài hạn giá cố định có một số điều khoản quy định mức giá có thể thay đổi khi mức lạm phát vượt quá tỷ lệ nào đó. Ngoài các điều khoản hợp đồng chính thức, các nghiệp vụ bảo hiểm tài chính cũng cần được quan tâm, đánh giá tác động, đặc biệt đối với nguyên liệu thô hầu như được mua bán trên các thị trường dễ biến động. Nghiệp vụ bảo hiểm tài chính có thể giảm hoặc tăng mức độ ảnh hưởng của lạm phát chi phí.
Khi xem xét hợp đồng liên quan đến chi phí đầu vào, các công ty không nên giới hạn phân tích ở chi phí nguyên liệu. Nhiều loại chi phí khác như chi phí nhân công, cũng đóng vai trò quan trọng. Cần phải hiểu rằng tỷ lệ chi phí nhân công tùy thuộc vào các hợp đồng đàm phán tập thể, thời hạn các giao kèo này và mức lương tăng được quy định cụ thể. Đối với các hợp đồng không kết hợp, thời gian trung bình của hợp đồng và mức giá tăng trong thị trường lao động có thể ước tính được.
Dạng hợp đồng cũng có ảnh hưởng lớn đến khả năng của công ty trong việc chuyển phần tăng trong chi phí đầu sang phía khách hàng bằng cách tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Hay nói đơn giản, đối với các công ty, các điều khoản hợp đồng càng tạo lợi thế về phía người cung cấp thì càng bất lợi về phía khách hàng. Ví dụ, các giao kèo ngắn hạn với khách hàng thì sẽ giúp ích nhiều cho công ty hơn là các hợp đồng dài hạn, bởi giá cả có thể tăng giảm linh hoạt hơn. Tương tự, các hợp đồng cho phép điều chỉnh giá theo giá cả nguyên liệu thô cũng sẽ giúp hạn chế các tác động tiêu cực của lạm phát.
Mối quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng
Đương nhiên việc nhận định các điểm yếu trong các hợp đồng hiện có là rất cần thiết, tuy nhiên thay đổi chúng lại là một việc hoàn toàn khác. Việc một công ty có thể áp đặt các điều khoản có lợi mà cả nhà cung cấp và khách hàng chấp nhận hay không phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực trong ngành đó.
Tần số điều chỉnh giá của các nhà cung cấp sẽ khác nhau đối với các ngành kinh doanh khác nhau. Ví dụ, người bán sỉ thực phẩm điều chỉnh giá thường xuyên hơn so với những người cung cấp trong các lĩnh vực khác. Do vậy khách hàng mua thực phẩm thường dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Công ty có tránh được sự tăng giá từ phía nhà cung cấp hay không phụ thuộc vào việc công ty có được vị thế thuận lợi hay bất lợi khi thương lượng. Điều này lại được quyết định bởi tầm quan trọng của công ty đối với nhà cung cấp cũng như năng lực thuyết phục của công ty. Rõ ràng nếu công ty là khách hàng duy nhất của nhà cung cấp hoặc công ty có trong tay nhiều nhà cung cấp tiềm năng khác thì công ty sẽ dễ dàng hạn chế hoặc trì hoãn việc nhà cung cấp tăng giá trong giai đoạn lạm phát.
Vị thế thương lượng của công ty với khách hàng quyết định khả năng áp giá của công ty lên sản phẩm, hay nói cách khác, khả năng chuyển chi phí do lạm phát gây ra sang phía khách hàng và điều này thì phụ thuộc phần lớn vào độ co giãn của cầu theo giá.
Một công ty có thể xác định độ co giãn của cầu theo giá theo 2 cách: ước lượng hoặc phân tích số liệu. Trong một số trường hợp, cần phải phân tích độ co giãn trung bình của giá sản phẩm hoặc giá thị trường theo các đặc điểm cụ thể của khách hàng như độ tuổi, địa vị xã hội, mức độ tham gia của khách hàng trong các chương trình thể hiện lòng trung thành đối với sản phẩm của công ty. Những yếu tố này có thể có ảnh hưởng nhiều đến quyết định của khách hàng khi giá cả biến động.
Ảnh hưởng của lạm phát đến khách hàng và nhà cung cấp
Ngoài việc xem xét những tác động tiềm ẩn của lạm phát đến chi phí đầu vào và giá cả sản phẩm, công ty cũng cần phải nắm rõ những ảnh hưởng của lạm phát đến nhà cung cấp và khách hàng. Công ty càng biết nhiều về cơ cấu chi phí của nhà cung cấp và lạm phát ảnh hưởng tới những cơ cấu này như thế nào thì công ty càng có khả năng dự đoán cách thức mà các nhà cung cấp đối phó với lạm phát để có thể sẵn sàng ứng phó lại.
Tương tự đối với khách hàng, những hiểu biết của công ty về chính khách hàng của mình sẽ quyết định khả năng thành công của kế hoạch tăng giá sản phẩm trong thời kì lạm phát. Rõ ràng, công ty sẽ dễ dàng thương lượng tăng giá với những khách hàng theo đuổi chất lượng, đánh giá cao sự đổi mới và độ tin cậy của sản phẩm hơn đối tượng chú trọng đến giá cả.
Mức độ cạnh tranh
Hầu hết các công ty đều phải cạnh tranh trong những phân khúc thị trường và sản phẩm đa dạng, mà mỗi phân khúc có những tính chất, mức độ cạnh tranh riêng biệt. Mức độ cạnh tranh có ảnh hưởng lớn đến các tác động do quyết định liên quan đến giá cả sản phẩm của công ty gây ra, cho nên mức độ cạnh tranh cũng là một yếu tố cần phải đánh giá. Ví dụ khi thị trường có khá nhiều nhà cung cấp phục vụ cho một số lượng nhỏ khách hàng thì công ty sẽ rất khó tăng giá. Ngược lại, khi thị trường có rất ít nhà cung cấp nhưng lại phục vụ số lượng khách hàng lớn thì công ty có thể điều chỉnh giá dễ dàng hơn. Đương nhiên trong trường hợp này các đối thủ cạnh tranh cũng tăng giá và không có cuộc chiến giá cả nào xảy ra.
Theo Economics.com.vn