Tại Mỹ, kỷ nguyên 4.0 là một ác mộng với những chuỗi cửa hàng truyền thống. Chỉ trong vài năm trở lại đây, các công ty trực tuyến khổng lồ đã ra sức thống lĩnh thị trường và ép hàng ngàn cửa hàng nhỏ lẻ phải nộp đơn phá sản, thông qua đó sa thải hàng chục ngàn nhân viên.
Bà Belinda Duperre, nhân viên cửa hàng trang sức Sam’s Club tại bang Massachusetts là một ví dụ. Vào đầu năm 2016, cửa hàng mà bà đang làm việc buộc phải đóng cửa do tình hình kinh doanh ảm đạm.
Nhưng không lâu sau đó, bà Duperre từ một nạn nhân của cách mạng 4.0 trở thành một trong những người đầu tiên được hưởng lợi từ nó. Khi Amazon xây dựng một kho hàng rộng 100.000 mét vuông tại bang Massachusetts với hơn 500 nhân viên toàn thời gian, bà Duperre là một trong những ứng cử viên đầu tiên.
Bà Duperre lập tức nhận được mức lương cao hơn mức lương cũ 2 USD cho mỗi giờ làm việc, một phần do năng suất của bà trở nên cao hơn bao giờ hết. Tại cửa hàng trang sức cũ, bà Duperre chỉ có thể phục vụ tầm 20 khách hàng một ngày. Nhưng tại kho hàng Amazon, bà đóng gói từ 75 đến 120 thùng hàng mỗi giờ với sự hỗ trợ của hệ thống băng chuyền tốc độ cao và nhiều công nghệ 4.0 khác.
Kỷ nguyên 4.0 có đáng sợ như bạn nghĩ?
Những bài báo về việc robot cướp việc và sự bùng nổ của công nghệ luôn thu hút độc giả khi đưa ra những lời “hù dọa” về một tương lai thất nghiệp bất kể mọi lĩnh vực. Nhưng lịch sử đã chứng minh hoàn toàn ngược lại, tự động hóa luôn tạo ra nhiều việc làm mới với mức thu nhập cao hơn so với những việc làm mà chúng thay thế.
Lý do đơn giản là các công ty không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ để sản xuất cùng một sản lượng với chi phí thấp hơn, việc đầu tư công nghệ và tự động hóa đòi hỏi rất nhiều vốn và qua đó, những công ty này sẽ hướng tới việc sản xuất những sản phẩm mới hơn, cao cấp hơn để tăng doanh thu và chiếm lấy thị trường mới. Và để đạt được mục tiêu này, các công ty áp dụng tự động hóa sẽ cần hơn nữa những nhân công mới.
“Kỷ nguyên 4.0” là một khái niệm khá mới, tuy nhiên việc lo sợ tự động hóa sẽ cướp mất việc đã có từ rất lâu. Vào năm 1589, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất đã từ chối cấp bằng sáng chế một máy dệt tự động vì lo sợ rằng nó sẽ khiến hàng ngàn công nhân dệt bị mất việc.
Nhưng qua lịch sử, những nỗi sợ ấy luôn bị chứng minh ngược lại. James Bessen, nhà kinh tế tại Đại học Luật Boston đã tìm ra hàng loạt dẫn chứng khi công nghệ tiến hành thay thế lao động phổ thông, nhiều việc làm mới hơn sẽ được tạo ra.
Điển hình với ATM, sau khi cỗ máy đầu tiên được đưa vào sử dụng vào đầu những năm 70, nhiều người đồn đoán rằng ATM sẽ bắt đầu thay thế nhân viên ngân hàng và đóng cửa nhiều chi nhánh. Nhưng sự thật là nhờ máy ATM, các chi nhánh ngân hàng hiện nay chỉ sử dụng 2/3 số nhân viên so với những năm 80, ATM đã giúp giảm chi phí hoạt động và qua đó thúc đẩy các ngân hàng mở thêm nhiều chi nhánh hơn nữa.
Ngày nay, về tổng thể thì ngân hàng vẫn luôn duy trì số nhân viên cao hơn so với những năm 80, mặc dù ATM vẫn tiếp tục phát triển với nhiều tính năng mới nhưng các nhân viên ngân hàng luôn được đào tạo và bổ sung để cung cấp nhiều dịch vụ linh hoạt hơn cho thị trường.
Hoặc tại nhiều thành phố, việc sử dụng Uber và các ứng dụng gọi xe đã trở nên phổ biến với giá thành cạnh tranh, và điều đó đã dẫn đến việc bùng nổ số cuốc xe cũng như số lượng tài xế. Từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2017, số chuyến xe taxi tại New York sụt giảm gần 75.000 chuyến nhưng tổng số chuyến Uber và Lyft tăng gần 210.000 chuyến. Điều này chứng tỏ các ứng dụng gọi xe không ép những tài xế mất việc mà còn tạo ra nhiều việc làm hơn cho ngành vận tải hành khách này.
Sự thật về ảnh hưởng của kỷ nguyên 4.0 lên ngành bán lẻ Mỹ
Bán lẻ tại Mỹ là một trong những nạn nhân thảm khốc nhất của kỷ nguyên 4.0, nhưng trên thực tế, tổng số nhân lực ngành này không chỉ không suy giảm và còn tăng cao hơn lúc trước. Từ năm 2007 đến 2017, hàng ngàn cửa hàng bán lẻ đã đóng cửa và hơn 140.000 nhân công toàn thời gian bị mất việc.
Nhưng chỉ riêng số nhân viên kho hàng, 274.000 việc làm mới đã được tạo ra từ năm 2007. Và đối với thương mại điện tử, kẻ thù lớn nhất của ngành bán lẻ truyền thống. Tổng cộng hơn 401.000 việc làm mới đã được tạo ra, gần 3 lần so với số nhân viên bán lẻ truyền thống được cho thôi việc. Và trung bình trong một khu vực, các trung tâm xử lý đơn hàng có mức lương cao hơn ít nhất 30% so với các công việc bán lẻ còn lại.
Cũng như Uber và Lyft tạo nên nhu cầu gọi xe, thương mại điện tử đang tạo ra nhu cầu mua sắm tại nhà cho mọi người.
Dù những công việc này đa phần không yêu cầu kỹ năng và có mức lương không cao. Kho hàng của Amazon tại Massachusetts có mức lương khởi điểm từ 13,05 USD đến 13,55 USD một giờ, nhưng kèm theo đó là những chi phí hỗ trợ ngoài giờ, cổ phần trong Amazon và nhiều lợi ích khác như chi phí hỗ trợ học tập và các phần thưởng hàng năm. Những phúc lợi này “ăn đứt” một nhà máy dệt đã đóng cửa một vài năm trước cũng tại bang Massachusetts và cũng nhỉnh hơn mức lương tối thiểu cho ngành bán lẻ truyền thống là 11 USD một giờ.
Mặc dù Amazon luôn tìm cách tự động hóa từ kho hàng cho tới vận chuyển, nhưng ngày mà số lượng nhân công của Amazon sụt giảm do robot vẫn còn rất xa. Doanh số tăng liên tục khiến Amazon không ngừng tuyển dụng thêm nhân công. Và cho đến thời điểm hiện tại, những robot đang được ứng dụng trong kho hàng của Amazon có mục đích chính trong nâng cao năng suất trữ hàng, hơn là thay thế lao động khi các robot được sử dụng để lấy hàng giữa các kệ cao và sát hơn so với lúc trước.
Trung tâm xử lý đơn hàng tại Baltimore, một trong những kho áp dụng công nghệ cao nhất của Amazon đã nâng số lao động lên hơn 3.500 người so với 2.500 nhân công khi thành lập vào năm 2005. Và mới đây, Amazon đã tổ chức một ngày hội việc làm trên toàn quốc, tiếp nhận hơn 100.000 đơn ứng tuyển và đón nhận ngay lập tức hơn 40.000 lao động mới về công ty.
Theo Nhịp sống kinh tế