Các NH ngoại đang đổ bộ vào thị trường tài chính Việt Nam
Các hoạt động của Commonwealth Bank of Australia Chi nhánh TP. HCM (CBA) hiện đang chuyển giao cho NH nội VIB , dự kiến hoàn tất trong quý III năm nay. Thương vụ này được xem là chưa có tiền lệ khi một NH nội mua lại một phần hoạt động của TCTD nước ngoài, đồng thời cũng là cổ đông chiến lược (hiện giữ 20% vốn điều lệ của VIB). CBA chi nhánh TP. HCM bắt đầu hoạt động vào năm 2008, hiện sở hữu dữ liệu 22.000 khách hàng.
Động thái này được cho là rút lui khỏi các hoạt động NH ở Việt Nam. Sau sự kiện CBA, việc rút lui của các NH ngoại đang được đồn đoán trở thành làn sóng. Sau những tin đồn trước đó, cuối cùng NH ANZ cho biết đã bán toàn bộ mảng dịch vụ NH bán lẻ tại Việt Nam cho NH Shinhan Việt Nam.
Trong khi đó, hồi tháng 6, Techcombank xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương mua lại 19,41% vốn từ cổ đông chiến lược HSBC. Tại ĐHĐCĐ thường niên ACB vừa qua Standard Chartered xác nhận kế hoạch thoái vốn đang trong tiến trình thảo luận, sau khi bất ngờ rút hai đại diện của mình khỏi ACB vào năm ngoái.
Gần đây, Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh NH Việt Nam đang suy giảm qua tình trạng nhiều NH ngoại thoái vốn và thu hẹp hoạt động, vì rủi ro xử lý nợ xấu và hạn chế về mặt quản trị.
Hiện các NH ngoại vẫn chiếm thị phần khiêm tốn so với khối nội, tổng tài sản chiếm khoảng 10% tổng tài sản toàn ngành NH. Thực tế các NH ngoại khó phát triển mở rộng về quy mô, trong khi chi phí tiếp tục tăng cao nên lợi nhuận chưa được như kỳ vọng. Cũng có chuyên gia cho rằng động thái rút lui trên thị trường thực chất không phải là xu hướng, vì đây đều là những NH toàn cầu, họ có kế hoạch riêng trong từng thời kỳ và việc rút lui là bình thường.
Làn sóng đến
Trái ngược với sự ra đi của một vài NH ngoại, năm ngoái nhiều TCTD vẫn muốn góp mặt tại thị trường Việt Nam. Hồi đầu năm, United Overseas Bank (Singapore) được cấp phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài, năm 2016 có Woori Bank (Hàn Quốc), trước đó có CIMB Bank Berhad và Public Bank Berhad, đều của Malaysia.
Thông thường, NH ngoại thường đi theo phục vụ DN bản xứ đầu tư tại thị trường Việt Nam. Các NH ngoại ít chú trọng bán lẻ vì hạn chế quy mô giao dịch, thay vào đó tập trung đến DN FDI, hoạt động xuất nhập khẩu hoặc các khách hàng giàu có.
Câu chuyện điển hình là Hàn Quốc. Không chỉ có Woori Bank thành lập NH 100% vốn, NH Nonghyup (Hàn Quốc) cũng xin phép mở chi nhánh tại Việt Nam vào cuối năm ngoái. Việc rút lui của ANZ Việt Nam thực tế được Shinhan, một NH có tiếng ở Hàn Quốc mua lại. Hiện nay, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về lượng vốn FDI đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam.
Nhờ FDI và thương mại tăng trưởng cao, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn với khối ngoại, đặc biệt là khi quốc gia này có những bước tiến mới trong quá trình xử lý nợ xấu trong thời gian gần đây.
NH ngoại sở hữu những ưu thế đáng kể, bao gồm vốn rẻ, quản trị tốt, kinh nghiệm lâu năm trên thị trường quốc tế. Một số NH toàn cầu thậm chí tấn công mảng bán lẻ cá nhân và cạnh tranh trực tiếp với khối ngoại như CitiBank, HSBC. Trước đó, theo chia sẻ của cả 2 bên trong thương vụ VIB mua lại CBA, thì việc CBA rút lui là để tập trung vào vai trò là cổ đông chiến lược, nhưng đồng thời cũng có kế hoạch thành lập công ty phát triển giải pháp ứng dụng công nghệ cho mô hình NH điện tử, tức tập trung vào thị trường bán lẻ.
Theo lộ trình, năm 2020 Việt Nam sẽ phải bỏ những quy định rào cản về đầu tư hoạt động NH ngoại tại đây. Như vậy, dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều NH nước ngoài thành lập NH con có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động M&A dự kiến còn diễn ra sôi nổi trong thời gian tới với khối ngoại, khi vẫn còn nhiều NH vướng phải nợ xấu và mức trần sở hữu 20% đang được dự kiến nâng lên. Đó tiếp tục sẽ là một thách thức đáng kể đối với các NH nội…
Theo Thời báo ngân hàng