Bộ Công thương cho biết 2 hãng bia quốc doanh lớn của Việt Nam là Sabeco và Habeco sẽ đệ trình kế hoạch cổ phần hóa trong tháng này và tiến hành vào cuối năm nay. Theo chuyên gia John Ditty của KPMG, việc cổ phần hóa 2 hãng bia quốc doanh lớn sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho những tập đoàn bia quốc tế, nhất là những doanh nghiệp chưa có mặt ở Việt Nam.
Tỷ lệ tiêu thụ bia bình quân đầu người tại các nước (lít)
Số liệu của Euromonitor cho thấy tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng như dân số Việt Nam đã khiến tỷ lệ tiêu thụ bia tăng 300% kể từ năm 2002 lên 147,2 nghìn tỷ đồng hiện nay, tương đương 6,5 tỷ USD.
Hãng cũng dự đoán mức tiêu thụ bia bình quân tại thị trường này sẽ đạt 40,6 lít/người trong năm nay, qua đó biến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á.
“Thị trường bia Việt nam sẽ thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư. Nhờ văn hóa tiêu thụ bia và tốc độ đô thị hóa cao, tăng trưởng tiêu thụ bia của Việt Nam được dự đoán sẽ ở mức cao trong khoảng 2016-2021”, báo cáo của Euromonitor cho thấy.
Với nhu cầu tiêu thụ lớn như vậy, các hãng bia ở Việt Nam đang cạnh tranh nhau quyết liệt. Hai công ty lớn là Heineken và Carlsberg đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần tại Việt Nam, qua đó đẩy doanh số tiêu thụ bia tại đây tăng mạnh.
Trong khi Heineken quan tâm đến việc mua cổ phiếu của Sabeco thì Carlsberg, hiện đang nắm giữ 17,51% cổ phần của Habeco cũng không chịu ngồi yên.
Bia vẫn là thức uống có cồn được ưa chuộng nhất tại Việt Nam
Trong tuần qua, cổ phiếu của Sabeco đã tăng 11% trong khi Habeco tăng 13%. Bộ Công thương ước tính mức 89,59% cổ phần của Sabeco sẽ có thể thu về khoảng 1,8 tỷ USD còn 82% cổ phần của Habeco sẽ đem lại 404 triệu USD.
Tại thị trường Việt Nam, thị phần của Carlsberg đang bị thu nhỏ lại trong 4 năm qua do cạnh tranh quyết liệt từ phía Heineken. Doanh số của hãng bia Hà Lan này đã tăng ít nhát 10% trong năm 2016 và chủ yếu nhờ thương hiệu bia Tiger. Đặc biệt, thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng 27% lợi nhuận hoạt động tại Châu Á của Heineken.
Trong khi đó, Sapporo nhận định thị trường Việt Nam sẽ chiếm 50% doanh số của hãng trong vòng 10 năm tới và mức tiêu thụ bia tại đây sẽ dễ dàng vượt mức 6 tỷ lít của Nhật Bản trong vòng vài năm tới.
Tỷ lệ doanh số các hãng bia tại Việt Nam năm 2016
Số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 1/3 năm giới và 2/3 nữ giới tại Việt Nam uống bia thường xuyên. Trong số những nam giới uống nhiều rượu bia tại Việt Nam, khoảng 8,7% lâm vào tình trạng nghiện đồ uống có cồn hoặc mắc các chứng bệnh liên quan đến rượu bia, cao hơn mức 4,6% của các nước Phương Tây.
Trước tình hình này, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng uống quá nhiều rượu bia, như nâng thuế đối với đồ uống có cồn lên 65% vào năm 2018 hoặc cấm bán bia vào buổi trưa và tối muộn.
Bất chấp những điều đó, ông Ditty nhận định những nhà đầu tư nước ngoài dường như không nao núng với thị trường bia Việt Nam.
Theo Thời đại