“Xin lỗi ông, ở đây không nhận tiền mặt” – Đấy là những gì bạn sẽ nghe khi đến một quán cafe ở London. Trong khi những quán cafe khác không chấp nhận thanh toán qua thẻ, thì có một quán cafe đi ngược lại với tất cả.
Browns of Brockley, một quán cà phê tư nhân ở phía Đông London đã trở thành doanh nghiệp nhỏ mới nhất của Vương quốc Anh không nhận thanh toán bằng tiền mặt – chủ quán cho biết quyết định này đã làm tăng lợi nhuận của quán và khách hàng kéo đến đông hơn.
Sau một chuyến đi Thụy Sĩ vào tháng 1 vừa qua, Ross Brown đã nhận ra rằng phương thức thanh toán bằng tiền mặt đã lỗi thời và quyết định áp dụng phương thức thanh toán khác cho quán cà phê của mình.
“Trong khi đi du lịch ở Anh, các chuỗi nhà ăn, cửa hàng bán lẻ và những nơi khác đều yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt, nhưng ở Thụy Điển, thì tiền mặt lại là thứ không cần mang theo. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi đã không phải rút tiền mặt một lần nào” – anh chia sẻ.
Ross nhanh chóng đặt câu hỏi: Tại sao các doanh nghiệp Anh lại đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc vào hình thức thanh toán bằng tiền mặt, trong khi khách hàng thậm chí thấy khó chịu với điều đó.
“Ngày nay, khoảng 70% khách hàng của chúng tôi thanh toán bằng thẻ, nhưng chúng tôi lại phải dành tới năm giờ một tuần để nhận thanh toán, tính toán và sắp xếp tiền mặt. Thêm vào đó, chúng tôi còn phải làm bản kê khai mọi thứ rõ ràng và mất chi phí gửi vào ngân hàng. Điều này rất tốn thời gian.”
“Tôi đã ấp ủ ý tưởng một tiệm cà phê thanh toán bằng thẻ nhiều tháng nay, nhưng chỉ đến khi tôi phát hiện ra một bài viết phân tích về việc một quán cafe “không tiền mặt”’ ở New York, tôi quyết định thực hiện ý tưởng đó. Chúng tôi đã nói chuyện với nhân viên, hỏi ý kiến khách hàng thường xuyên và gặp nhà cung cấp để đảm bảo thay đổi này được thực hiện thuận lợi và vì lợi ích tốt nhất của khách hàng”, chủ quán cho biết.
Khách hàng thậm chí không nhận ra!
Ross chia sẻ rằng, một trong những ưu điểm của một quán cafe địa phương là bạn sẽ rất thân với khách hàng của bạn. Thân đến mức họ sẽ chấp nhận những thay đổi của quán. Khi Browns of Brockley lần đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng thẻ vào năm 2011, 80% khách hàng vẫn chi trả bằng tiền mặt, chỉ 20% trả bằng thẻ. Tuy nhiên, vào tháng Giêng năm nay, tình thế đã thay đổi, với 70% thanh toán được thực hiện thông qua các thiết bị không dây và chỉ có 30% bằng tiền mặt.
“Lần đầu áp dụng, mọi người thậm chí còn không để ý đến thay đổi đó. Nhưng dần dần, việc thanh toán bằng thẻ đã được chấp nhận rộng rãi. Khi mới thay đổi, chúng tôi đã nhận được một hoặc hai đơn khiếu nại. Nhưng có thể dễ dàng quản lý 2.000 giao dịch – và tôi tin đó là dấu hiệu tích cực. Việc áp dụng phương thức thanh toán bằng thẻ đã nâng cao năng suất và lợi nhuận của chúng tôi lên. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là thanh toán thẻ 100% nhưng tôi nhận ra rằng khách hàng và chính chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho sự thay đổi này” – chia sẻ của chủ quán sau một thời gian thử mô hình mới.
Dễ dàng hơn trong khâu quản lý
Ross cho biết, việc loại bỏ thanh toán bằng tiền mặt đã tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong 6 tháng qua cho quán, mặc dù anh cũng phải trả một phần phí cho mỗi lần giao dịch.
“Giờ đây, nhân viên của chúng tôi được về đúng giờ mỗi ngày, bây giờ chúng tôi cũng tập trung hơn vào mảng đào tạo để nâng cao kỹ năng và kiến thức của mọi người”, anh chia sẻ thêm.
Ross nhận định rằng, hệ thống thanh toán không tiền mặt là tương lai của mọi hoạt động kinh doanh thông minh ở Anh. Việc thay đổi là không thể tránh khỏi. “Nhiều người cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề này và chuẩn bị cho sự thay đổi. Bạn tôi sở hữu ba quán rượu và phàn nàn rằng, tiền mặt đã trở thành cơn ác mộng tẻ nhạt của anh ta. Thực tế lại rất ít người sử dụng tiền mặt ở quán bar”, Ross nói thêm.
“Tôi biết một số quán cà phê nhỏ khác cũng đã bắt đầu chấp nhận thay đổi, nhưng tôi nghĩ rằng, ngay cả các quán cà phê có quy mô nhỏ hơn, họ cũng có thể có khai thác được nhiều lợi ích từ thay đổi này. Tôi không phải là dân kỹ thuật, tôi chỉ là một chủ tiệm cà phê không ngại thay đổi để đảm bảo rằng, doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả nhất có thể. Làm vừa lòng khách hàng là công việc đầy thách thức, cần nỗ lực nhiều hơn nữa để áp dụng những công nghệ mới này”.
Liệu nước Anh sẽ còn dùng tiền mặt?
Năm ngoái, 15,4 tỷ khoản thanh toán đã được thực hiện bằng tiền mặt, trong khi có 11,6 tỷ khoản được thực hiện trên thẻ ghi nợ, theo số liệu của Payments UK.
Tuy nhiên, khoảng cách này đang thu hẹp dần, và một số chuyên gia cho biết tiền mặt đã được theo dõi một thời gian và dự đoán nó có thể bị xóa sổ vào đầu 2018.
Sophie Guiibaud, từ ngân hàng số Fidor giải thích: “Đã đến lúc chúng tôi chấp nhận một thực tế mới rằng, tiền mặt đã đi đến những ngày cuối cùng và tương lai nó sẽ bị xóa sổ”, bà nói.
“Có những lý do đơn giản khiến chúng ta chuyển sang một xã hội không có tiền mặt, không chỉ ở Anh mà trên khắp thế giới. Chi phí để tạo ra tiền – xử lý nó, bảo đảm, bảo quản là vô cùng lớn cho các ngân hàng và thương gia.
Nó cũng gây bất tiện cho người tiêu dùng, vì nó rườm rà và dễ dàng bị đánh cắp mà không để lại bất kì dấu vết nào.
Kevin Jenkins, giám đốc điều hành của Visa Anh và Ireland, đồng ý rằng: “Đối với người tiêu dùng, việc trả tiền bằng thẻ có thể xóa bỏ lo lắng về việc mang theo tiền mặt. Họ vẫn có thể mua sắm món đồ họ thích, ở bất cứ nơi đâu họ muốn.”
“Đối với doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là họ đang đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chúng ta thấy tương lai của thanh toán qua điện thoại di động hay thiết bị kỹ thuật số sẽ khiến việc thanh toán bằng tiền mặt ngày càng trở nên khan hiếm.”
Tuy nhiên, Stuart Dowling, giám đốc tiếp thị của công ty giải pháp ngân hàng Cennox cho biết, tương lai lại hoàn toàn trái ngược với việc các máy ATM trở nên hữu ích hơn bao giờ hết.
“Tiền mặt sẽ vẫn được sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài và chúng ta sẽ cần nơi nào đó để giữ và thanh toán”.
Các chuyên gia dự đoán, các máy rút tiền trong tương lai sẽ giống như các thiết bị máy tính công cộng. Chúng đưa ra các khuyến nghị về từ thế chấp đến các dịch vụ so sánh tài chính.
Ông nói thêm: “Chúng ta cũng sẽ thấy những máy vi tính hiện đại hơn trong các cửa hàng tiện ích, các trạm xăng hoặc các sự kiện một lần như lễ hội nhạc Rock”.
Theo Nhịp sống kinh tế