Khối nội: Quyền năng doanh nghiệp lớn
Năm 2014, sự trở lại của doanh nhân Đặng Văn Thành mang theo những thông tin tích cực cho Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Không chỉ trong lĩnh vực mía đường, TTC đã đầu tư dài hạn vào mảng du lịch.
Thông qua hai doanh nghiệp (DN) thành viên là Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công, Công ty CP Du lịch Thắng Lợi, TTC chi gần 70 tỷ đồng để mua lại cổ phần của Công ty CP Du lịch Golf Việt Nam (Vinagolf) và trở thành cổ đông lớn nhất. Vinagolf sở hữu ba khách sạn 4 sao tại Đà Lạt, Cần Thơ và Campuchia, một số khách sạn 2 – 3 sao ở Đà Lạt và Hội An. Trước đó, TTC cũng đã hoàn tất việc mua lại khách sạn 4 sao Michelia ở Nha Trang và khu nghỉ dưỡng 4 sao ở Phan Thiết.
Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành nhấn mạnh, M&A vẫn là con đường nhanh nhất để DN mở rộng kinh doanh. Gần đây nhất, TTC đã hoàn tất việc mua hai khách sạn ở Phan Thiết, Bình Thuận là khách sạn 4 sao Park Diamond, hiện nay là TTC Hotel Premium – Phan Thiết và khách sạn 2 sao 19/4 cũ, nay là TTC Palace Bình Thuận.
TTC cũng đã thành công trong việc mua lại khu nghỉ dưỡng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và sẽ đầu tư thêm khoảng 10 triệu USD để nâng cấp Khu Du lịch Dốc Lết (Khánh Hòa) đạt chuẩn 4 sao. Bên cạnh M&A, TTC còn hợp tác với DN khác để phát triển cơ sở lưu trú, như xúc tiến xây dựng khách sạn 4 – 5 sao ở Hội An.
Song song với các tên tuổi lớn trong nước như TTC, Vingroup, Novaland…, khối nhà đầu tư ngoại cũng tham gia mạnh mẽ vào việc M&A trong lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng. Công ty TNHH JLL Việt Nam đưa ra nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2017 với hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài.
Qua quan sát của JLL, hiện có hàng trăm triệu USD của DN nước ngoài chờ đợi đổ vào thị trường Việt Nam ở hầu hết các phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là phân khúc khách sạn. JLL Việt Nam dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển.
Nhà đầu tư ngoại: Tập trung thương vụ lớn
Thống kê của Real Capital Analytics về những thương vụ M&A tiêu biểu trên thị trường bất động sản Việt Nam cho thấy, từ quý IV năm ngoái, một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển nhượng các tài sản lưu trú.
Chẳng hạn như Quỹ VOF (Vietnam Opportunity Fund), do VinaCapital quản lý đã bán toàn bộ cổ phần tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hotel Hanoi (liên doanh với Hanoi Tourist) cho một liên doanh gồm VinaCapital – Warburg Pincus LLC, thu về 100 triệu USD. Sofitel Legend Metropole Hotel Hanoi là khoản đầu tư lớn thứ ba của VOF, sau Vinamilk và Hòa Phát.
Được biết, liên doanh trị giá 300 triệu USD VinaCapital và Warburg Pincus LLC được hình thành với mục tiêu tập trung phát triển cũng như mua lại các khách sạn ở Việt Nam và khu vực ASEAN.
Thêm nữa, sau nhiều năm đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Long Beach Resort Phu Quoc, trong quý I vừa qua, Berjaya Land Bhd (thuộc Tập đoàn Berjaya, Malaysia) cũng thương thảo để chuyển nhượng 70% cổ phần trong liên doanh với Doanh nghiệp tư nhân Lê Thị Chí và Công ty CP Long Beach cho Sulyna Hospitality Hotel Restaurant Travel Service Co., Ltd.
Tờ The Star của Malaysia cho biết, việc bán cổ phần của Berjaya Land Bhd dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2018 và giá trị của thương vụ này vào khoảng 333,25 tỷ đồng, tương ứng 14,7 triệu USD, được sử dụng làm vốn lưu động cho Berjaya Land. Sau khi thoái vốn tại khu nghỉ dưỡng 4 sao ở Phú Quốc, Berjaya vẫn nắm cổ phần chi phối tại hai khách sạn lớn khác tại Việt Nam là InterContinental Hanoi Westlake (75% quyền sở hữu) và Sheraton Hà Nội (70%).
Liên quan đến sức hút của lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng, bên cạnh các nhà đầu tư phương Tây vốn quen thuộc với thị trường Việt Nam, ông Adam Bury – Phó giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu về thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng khu vực châu Á của Jones Lang LaSalle chia sẻ, gần đây, DN từ Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc quan tâm đặc biệt đến thị trường khách sạn ở Việt Nam. Ngoài TP.HCM, Hà Nội là điểm đến chính thì Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng là những thị trường được nhà đầu tư nước ngoài chú ý.
Một báo cáo mới đây của JLL với chủ đề “Việt Nam: Điểm sáng cho ngành du lịch và lưu trú” đã chia sẻ những điểm khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn với các nhà phát triển bất động sản là do nhu cầu lưu trú gia tăng, lượng khách nước ngoài lẫn nội địa tăng mạnh trong năm 2016 cũng như nửa đầu năm nay. Thêm nữa, ngành công nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu về khách sạn của các DN gia tăng.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi chia sẻ về ngành dịch vụ khách sạn năm 2017 mới đây do Grant Thornton thực hiện, Tony Chisholm, Tổng quản lý của Accor Hotels tại Việt Nam cho biết, những khách hàng DN như Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) có lúc nhu cầu về lưu trú lên đến 3.000 – 4.000 phòng/đêm. Sự xuất hiện của nhiều tập đoàn đa quốc gia được xem là tiêu chí quan trọng để nhà phát triển đưa ra quyết định đầu tư bất động sản lưu trú tại Việt Nam.
Theo DNSG