Chuyện cuối tuần: Đừng cố vẽ nên chướng ngại vật khi có thể giải quyết công việc một cách đơn giản

Người khăng khăng muốn thấy rõ mọi thứ trước khi quyết định sẽ chẳng bao giờ quyết định.


Ảnh minh họa

Một ngày nọ, một doanh nhân giàu có đã mua được một viên kim cương khổng lồ ở Nam Phi, kích thước của nó bằng lòng đỏ trứng gà. Rất vui vẻ, ông mang ngay viên kim cương về trưng bày như một báu vật.

Một lần khi mang viên kim cương ra ngắm dưới ánh đèn, ông vô tình phát hiện ra một vết nứt bên trong viên đá quý.

Ông liền đưa viên kim cương cho thợ kim hoàn xem với hy vọng được tư vấn sẽ làm gì với cái vết nứt đó. Ông thợ lắc đầu và nói:

– Viên kim cương này có thể chia ra làm 2 phần theo vết nứt, và mỗi phần sẽ đắt hơn chính viên to này. Nhưng vấn đề là chỉ cần một nhát đập bất cẩn ta có thể sẽ làm vỡ viên đá quý kỳ diệu này, biến nó thành những cục đá sứt mẻ. Những viên kim cương ta nhận được sẽ rẻ hơn viên to này rất nhiều, và có thể sẽ chẳng có giá trị gì. Tôi sẽ không liều mà nhận làm việc này đâu.

Vị doanh nhân tiếp tục đưa viên kim cương đến những người thợ kim hoàn giỏi ở các nước khác nhau nhưng cũng đều nhận được cái lắc đầu với lời phân tích tương tự.

Một lần nọ, ông được một người mách bảo về một người thợ kim hoàn có bàn tay vàng ở Amsterdam. Và doanh nhân này ngay lập tức bay đến Amsterdam để tìm người thợ đó.

Ông thợ ngắm nghía viên đá quý với vẻ mặt thích thú, và bắt đầu cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra. Ngắt lời ông thợ, doanh nhân nói rằng “tôi đã nghe về câu chuyện này quá nhiều rồi”.

Ông thợ đồng ý giúp và ra giá dịch vụ – ông chủ viên kim cương đồng ý.

Người thợ kim hoàn liền quay ra sau gọi cậu học nghề trẻ tuổi đang chăm chú công việc của mình.

Cầm lấy viên kim cương từ sư phụ, cậu dùng búa đập một nhát dứt khoát, chia viên đá quý ra làm đôi mà không chút rụt rè, rồi đưa cho ông thợ. Doanh nhân quá đỗi bất ngờ hỏi:

– Cậu bé đó làm chỗ ông lâu chưa?

– Mới có 3 ngày. Nó vẫn chưa biết giá trị của viên đá quý này, cho nên tay nó không run và rất dứt khoát.

Bài học rút ra là: Hãy xem tất cả những việc khó khăn trong cuộc sống đều có thể giải quyết được dễ dàng và đừng vẽ cho mình những chướng ngại vật làm bạn không thể vượt qua. Đôi khi những quyết định nhỏ cũng có thể thay đổi cả cuộc đời

Trong công việc, có đôi khi hãy đừng quá nghiêm trọng hóa vấn đề. Bạn càng tìm kiếm sự bảo đảm, bạn càng ít có nó. Nhưng bạn càng tìm kiếm cơ hội, bạn càng có thể đạt được sự bảo đảm mà mình muốn.

Nói đến kim cương, lần lại lịch sử để thấy tại sao kim cương lại đắt giá đến vậy mặc dù nó không phải là mặt hàng khan hiếm?

Nam Phi được xem là đất nước có trữ lượng kim cương lớn nhất thế giới, người dân nơi đây từng rất dễ dàng để sở hữu được những viên kim cương đẹp

Năm 1870, những mỏ kim cương khổng lồ tại Nam Phi được phát hiện. Ngay sau đó, các nhà tài phiệt Anh Quốc nắm giữ các mỏ này nhận ra rằng nếu cứ để mặc sức khai thác thì thị trường kim cương sẽ bão hòa. Năm 1888, họ thành lập liên doanh De Beers nhằm sở hữu và kiểm soát độc quyền tuyệt đối tình hình mua bán kim cương trên thế giới cả về cung lẫn cầu.

Để làm được thế, họ đã thu gom gần hết hàng và chỉ bán ra theo chiến lược nhằm khống chế giá. Chiến lược của De Beers có lúc khiến liên doanh này đứng trước nguy cơ phá sản, thị phần của De Beers giảm sút.

Giá kim cương những năm đầu thập kỷ 1930 rất rẻ do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thừa và những dư âm từ thế chiến thứ nhất. Để khôi phục lại mức giá cho ngành kinh doanh độc quyền nhóm này, De Beers đã tiến hành một trong những chiến dịch marketing thành công nhất mọi thời đại.

De Beers chọn N.W. Ayer làm đối tác quảng cáo. Và để khiến cho cả những nhóm thu nhập khác nhau cùng quan tâm đến kim cương, Ayer đã gắn cảm xúc con người vào kim cương. Slogan đầu tiên trong chiến dịch này có tên “Diamonds are forever” – kim cương là vĩnh cửu. Slogan này nhằm đánh vào tâm lý con người luôn mong muốn mọi thứ trường tồn vĩnh cửu, nhất là cho những đôi lứa yêu nhau.

Nhờ chiến dịch quảng cáo đơn giản mà thần kỳ này, kim cương đã trở nên đắt giá, là hàng xa xỉ mà mỗi chàng trai đều mong mua được để tặng nửa kia của mình. De Beers đã nhờ chiến dịch này mà từng bước khống chế nguồn cung – cầu theo ý, đẩy giá kim cương lên cao.

Câu chuyện về kim cương và De Beer còn dài, tuy nhiên, đây cũng là bài học kinh doanh cho mọi người. Đơn giản hóa mọi thứ, hay gắn cảm xúc vào sự vật là những xu hướng bán hàng luôn tạo ra hiệu quả cao.

Mỗi người chơi phải chấp nhận những quân bài mà cuộc đời chia cho mình, nhưng một khi chúng đã vào tay, anh ta phải quyết định chơi bài như thế nào để thắng.

Theo trí thức trẻ