Mỹ là một quốc gia phát triển trên thế giới. Với vị thế là nền kinh tế số 1 toàn cầu, chắc chắn mọi người đều liên tưởng đến những tòa nhà chọc trời hay những con đường cao tốc hiện đại.
Thế nhưng, cuộc viếng thăm vào năm 1842 của nhà văn Anh Charles Dickens chỉ khiến ông ấn tượng về những chú lợn trên đường phố New York. Theo giáo sư Catherine McNeur của trường đại học Portland, New York có khoảng 20.000 con lợn lang thang trên đường phố vào đầu những năm 1820. Nói cách khác, cứ mỗi người 5 đàn ông tại thành phố này thì có 1 con lợn, tương đương với tỷ lệ sở hữu ô tô theo hộ gia đình tại đây hiện nay.
Hình ảnh này khiến nhà văn Dickens thực sự rung động bởi New York là một thành phố tráng lệ trong khi những con lợn lại bẩn thỉu, gây rối trật tự, mất an toàn giao thông và có thể lây bệnh truyền nhiễm.
Vậy tại sao những con lợn lại thống trị thành phố New York nửa đầu thế kỷ 19?
Thịt xông khói
Cũng tương tự như những trung tâm kinh tế lớn khác của Mỹ, New York phát triển mạnh mẽ nhờ mở rộng các cảng biển vào năm 1825. Những người di cư trên khắp nước Mỹ và Châu Âu đổ về đây để sinh sống, buôn bán.
Hàng loạt những cửa hiệu, nhà máy được dựng lên tại đây. Mặc dù việc chăn nuôi heo đã không còn là nguồn thu chính đối với tầng lớp nghèo ở New York nhưng chúng lại trở thành thứ hàng hóa chủ chốt của trung tâm kinh tế này thời gian đó do lượng tiêu thụ thịt ngày một tăng khi dân số bùng nổ.
Với việc quỹ đất chăn nuôi heo bị thu hẹp, những người New York đã đưa ra giải pháp thả rông những con lợn trên đường phố.
Không giống như gà, bò hay cừu, lợn là loại sinh vật phù hợp với hệ sinh thái đô thị hóa nhanh chóng tại New York. Hệ thống vệ sinh thời gian đó của New York khá kém, thậm chí những gia đình giàu có nhất cũng không thể tự giải quyết triệt để rác thải của mình và hệ quả là những chú lợn có thể ăn đồ thừa tại những bãi rác.
Do chi phí nuôi nấng không tốn nhiều trong khi những chú lợn có thể chuyển hóa thành nguồn cung thịt dồi dào, việc thả rông heo trên đường phố New York trở nên ngày càng phổ biến.
Ngoài ra, sự bùng nổ kinh tế tại New York kéo theo lượng lớn người di dân đến cùng với tầng lớp thất nghiệp, nhà nghèo, lao động bần cùng tụ tập tại đấy. Đối với những người nghèo này, thịt lợn là nguồn cung thịt chủ chốt khi chúng không tốn quá nhiều tiền để chăn nuôi trên đường phố.
Những miếng thịt xông khói có thể được bảo quan trọng thời gian dài và nuôi sống nhiều hộ gia đình nghèo. Hơn nữa, do thịt lợn là thực phẩm chủ yếu thời đó nên chúng cũng có thể được sử dụng làm tài sản trao đổi trong mua bán.
Cuộc chiến chống lại lợn
Đối với những hộ nghèo, thả rông lợn đem lại cho họ rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, những gia đình trung lưu và giàu có lại không thích lợn bởi chúng khiến đường xá ngập trong phân, nhầy nhụa và hôi thối. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, mất hình ảnh mỹ quan, gây tai nạn và ô nhiễm mùi nặng mỗi khi trời mưa đã khiến những chú lợn gặp rất nhiều chỉ trích.
Tồi tệ hơn, những dịch bệnh tả hay nhiều loại bệnh khác đã khiến lợn trở thành tâm điểm tranh cãi của công chúng thời gian đó về việc có nên dọn dẹp chúng khỏi đường phố hay không.
Dần dần, tầng lớp giàu có và trung lưu cho xây dựng những con phố hiện đại nằm cách xa các khu nghèo khó và không cho phép lợn được thả rông. Kể từ đây, hình ảnh những chú lợn New York chỉ còn tại các khu ổ chuột, nhà nghèo và trở thành chủ đề đàm tiếu của các tờ báo hay giới thượng lưu.
Bất chấp điều đó, các khu dân nghèo tại New York cho rằng sở hữu lợn và thả rông chúng là quyền cá nhân và tư hữu tài sản của họ. Những người lao động nghèo này không chấp nhận lời kêu gọi ngừng thả rông lợn của chính quyền thành phố. Kể từ đây, những cuộc chiến bắt đầu nổ ra.
Điển hình của sự việc diễn ra vào năm 1820 khi chính quyền New York thông qua dự án xây dựng một cánh đồng phía tây khu Manhattan thành một khu diễu hành, huấn luyện quân sự. Đột nhiên giá bất động sản quanh khu vực này tăng cao và giới đầu cơ, doanh nhân và nhà giàu bắt đầu thúc giục chính quyền dọn dẹp đống lợn thả rông trong vùng.
Do tầng lớp nghèo thời kỳ đó chủ yếu là người di cư hoặc có rất ít quyền lợi chính trị, đặc biệt là khi chính phủ Mỹ thu hồi quyền bầu cử của các cư dân Mỹ gốc Phi năm 1821 nên chính quyền New York đã nhanh chóng thông qua quyết định dọn dẹp lợn thả rông, vốn được giới thượng lưu ủng hộ.
Tuy nhiên, sự đông đảo của tầng lớp nhà nghèo trong khu ổ chuột khiến chính quyền New York bất lực. Mỗi khi đội dọn dẹp lợn bước vào khu này, hàng loạt những thứ rau củ quả, hay những cuộc bạo động, xô xát diễn ra, đẩy lui họ khỏi các khu vực cần quy hoạch. Đây là điều dễ hiểu bởi những hộ gia đình nghèo không thể chấp nhận nguồn lương thực chủ yếu của họ, tài sản cá nhân của họ bị tịch thu.
Cuối cùng vào năm 1845, chính quyền New York cũng đã phải thành lập một lực lượng chuyên nghiệp chuyên đi dọn dẹp lợn thả rông. Đến năm 1849, một đợt dịch tả khắp thành phố đã khiến chính quyền New York mạnh tay hơn với lợn thả rông. Hàng nghìn con lợn đã bị đem đi tiêu hủy, bị tập trung và di chuyển ra xa thành phố.
Vào các năm 1857, 1860, chính quyền New York tiếp tục thực hiện các đợt truy quét lợn tại những khu ổ chuột bất chấp sự kháng cự quyết liệt của những người dân nghèo.
Dẫu vậy, việc thu nhập của người dân tăng khiến nhu cầu thả rông lợn giảm xuống trong khi thị trường bất động sản tại New York đi lên khiến chính quyền thành phố cảm thấy bức thiết phải dọn dẹp lợn khỏi đường phố nhằm cải thiện hình ảnh và tăng giá các dự án. Đây là điều hiển nhiên khi việc mua bán các dự án này đem lại nguồn lợi lớn cho thành phố cũng như kích thích việc làm, cải thiện cơ sở hệ thống hạ tầng cũng như kích thích kinh tế.
Ngoài ra, nhu cầu cải thiện hình ảnh cũng như dọn dẹp vệ sinh đã buộc chính quyền thành phố đầu tư nhiều hơn cho hệ thống thoát nước cũng như vệ sinh của New York, qua đó hạn chế môi trường thả rông lợn. Nói cách khác, chính những chú lợn đã góp phần gián tiếp làm thay đổi bộ mặt của thành phố New York.
Trên thực tế, cuộc chiến lợn thả rông tại New York được các chuyên gia đánh giá là sự xung đột giữa các tư tưởng kinh tế. Một bên là tư tưởng kinh tế nông nghiệp khi các hộ gia đình vẫn có quan điểm dựa vào tự cung tự cấp. Trong khi đó, chính quyền New York muốn dỡ bỏ những phụ thuộc vào lợn của hộ lao động nhằm buộc họ hướng tới nền kinh tế thị trường, tạo cung nhân lực cho các nhà máy và thúc đẩy tăng trưởng.
Đến nửa sau thế kỷ 19, hình ảnh những chú lợn thả rông dần biến mất trên các đường phố của New York khi hệ thống vệ sinh tại đây được hoàn thiện và nguồn cung thức ăn cho chúng không còn miễn phí như trước.
Theo Thời đại