Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “3 cách làm sách best seller ở Việt Nam” của tác giả Việt Hà. Mời độc giả đón đọc. Chị Việt Hà là một chuyên viên truyền thông có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành sách và xuất bản.
Từ kinh nghiệm của một người cũng có thời gian gắn bó khá lâu với ngành sách, tôi nhận thấy có ba cách chính để làm sách bán chạy trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Cách thứ nhất
Là khai thác sách của các nhân vật nổi tiếng, có thể là một ca sĩ, diễn viên, blogger hay cây viết nổi tiếng… Những người này có một lượng fan hâm mộ khá lớn, thường ngóng chờ, tán thưởng và tương tác vô cùng nhiệt tình với các phát ngôn, status, hành động… của họ. Vì vậy, khi họ quyết định viết một cuốn sách, thì mặc nhiên cuốn sách được chào đón ngay từ lúc mới được phôi thai.
Các nhà xuất bản, công ty sách có thể khai thác sách của những người nổi tiếng trên thế giới, nhưng thực tế thị trường cho thấy, sách bán chạy nhất tại Việt Nam,đa phần là do các tác giả là người Việt Nam nổi tiếng viết. Điều nay một lần nữa chứng minh nhận định: Sách best-seller thường là sách do chính người mang dòng máu của dân tộc đó, viết bằng ngôn ngữ và viết cho chính con người của dân tộc đó. Đây cũng là cơ hội cho các tác giả Việt thực sự có khả năng và ôm mộng trở thành tác giả best- seller tại VN không ngừng phấn đấu và mài giũa ngòi bút của mình.
Cách thứ hai
Khai thác sách về tiểu sử có được sự hợp tác của các vĩ nhân trên thế giới. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là cuốn sách Tiểu sử Steve Jobs, cha đẻ của Apple, người đã thay đổi cách sử dụng các thiết bị di động của toàn thế giới.
Cách thứ ba
Tìm kiếm một cuốn sách có nội dung tốt, có giá trị lâu dài, đầu tư làm truyền thông marketing và khâu bán hàng để biến cuốn sách trở thành best seller, thậm chí là long seller.
Cạnh tranh sứt đầu trong khai thác bản quyền
Từ ba cách làm sách best seller kể trên, có thể thấy, việc khai thác được bản quyền một cuốn sách tốt có vai trò khá quan trọng trong việc làm sách bán chạy. Theo đó cạnh tranh mua bản quyền sách nước ngoài, tuy có gay gắt, nhưng không gay gắt bằng việc mua bản quyền của tác giả trong nước.
Với sách của tác giả Việt, nếu khai thác được bản quyền tốt, thì khâu này có thể đảm bảo luôn được cả việc truyền thông kèm theo, vì chỉ cần bản thân hoạt động của tác giả trên các kênh truyền thông của mình đã giúp sách bán chạy rồi.
Nhà xuất bản hay công ty sách nào đó mua bản quyền sách dạng này, hầu như chỉ cần tổ chức cho tác giả một vài buổi ra mắt, tọa đàm liên quan đến cuốn sách, làm thêm chút công việc truyền thông là sách đã được nhắc đến nhiều qua các kênh. Khá nhiều nhà xuất bản, công ty sách tại VN, hiện đã nằm lòng cách xuất bản sách best seller này và giữa họ đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt về việc mua bản quyền tác phẩm.
Theo đó đơn vị nào chào giá phần trăm bản quyền càng cao, quyền lợi đi kèm cho tác giả càng lớn; thì càng mua được nhiều bản thảo có tiềm năng bán chạy. Tác giả Việt viết hay và có nhiều fans cũng được “sung sướng hơn” vì được nhiều bên săn đón, và tha hồ lựa chọn đơn vị mua bản quyền. Trước đây, giá mua bản quyền sách trong nước chỉ dao động từ 8-12% doanh thu; thì nay với các tác giả nổi tiếng, con số này đã được đẩy lên tới 15-17%, thậm chí hơn.
Best seller và long seller
Ở Việt Nam, một cuốn sách bán được khoảng một vạn bản (10.000 bản) trở lên, thì tác giả đã có thể được gắn mác là tác giả best seller, do thị trường sách hiện vẫn còn khá nhỏ, văn hóa đọc của người Việt thấp, tỷ lệ người mua sách, đọc sách so với tổng dân số còn thấp. Vì vậy tác giả Việt được gắn mác best seller ở VN khá nhiều, nhưng tác giả long seller thì khá hiếm.
Nhiều tác giả best seller chỉ bán được từ 10 đến trên dưới 20 nghìn bản in cho một cuốn sách, là không thể nào bán tiếp được nữa, vì sách đa phần chỉ được bán cho các fan hâm mộ, và fan hâm mộ của họ cũng chỉ có bấy nhiêu mà thôi. Nhà xuất bản, công ty sách mà không ước đoán được dung lượng của thị trường, mà cứ in thêm quá nhiều, thì sau này chỉ có cách bán giảm giá hết cỡ, thậm chí là thanh lý như giấy vụn. Trong khi các tác phẩm của các tác giả long seller như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… cứ bán sách cho hết cho lớp độc giả này đến lớp độc giả khác.
Tuy nhiên tác giả long seller ở Việt Nam đa phần là tác giả fiction (hư cấu). Còn về mảng non-fiction (phi hư cấu) thì vị trí tác giả long seller lại chủ yếu thuộc về các tác giả nước ngoài, mới đầu sách được dịch và bán tại Việt Nam cứ tà tà 3.000-5.000 cuốn/đợt, không được tổ chức sự kiện ra mắt dềnh dang, không được gọi ngay là tác giả best seller, nhưng theo thời gian lại cứ thế mà lẳng lặng leo lên vị trí các tác giả long seller mảng sách non-fiction trên thị trường.
Theo Nhịp sống kinh tế