Tiền bạc và thời gian, mối quan hệ mâu thuẫn muôn thuở

Đại đa số doanh nhân thành đạt ở đâu cũng dễ bị lâm vào một tình trạng chung là họ cảm thấy bị động. Tiền bạc đã có nhưng không có được sự thoải mái tinh thần. Đã ném lao thì phải theo lao, lớn thuyền thì lại lớn sóng, suốt ngày vất vả, tất bật, nghĩ ngợi đủ chuyện trăm bề. Nhìn lại thấy mình đang phải phục vụ cho cả trăm họ, từ nhân viên đến khách hàng, đến nhà đầu tư… Vậy là đã sung nhưng có được sướng đâu? Ác thay, đây là căn bệnh chỉ tự mình chữa trị được mà thôi. Doanh nhân cần cái tĩnh trong cái động để định hình được hoàn cảnh của mình và để tự tìm lối thoát. Nhưng cái tĩnh lại không có sẵn để mua! 
Cái tĩnh này là sự tỉnh táo mà điều kiện cần thiết là thời gian để nhìn lại mình đang ở đâu và áp lực nào đang bao quanh cũng như tác động vào mình. Nhưng thời gian lại là của hiếm đối với những doanh nhân đang thành đạt. Như vậy muốn tìm được cái tĩnh thì việc đầu tiên là giải tỏa bớt công việc, chia sẻ trách nhiệm để có thêm thời gian cho riêng mình.
Không ít doanh nhân thường nghĩ rằng mọi chuyện mình đang làm đều quan trọng, không thể thay đổi được và mình phải tự làm chứ không thể giao ai làm thế. Thật ra không phải vậy. Nhiều nghiên cứu của các nhà quản trị cho thấy ai cũng có thể tiết kiệm ít nhất 10% thời gian bằng cách tổ chức lại cuộc sống riêng tư ngăn nắp hơn, công việc, vấn đề đi lại của mình hợp lý hơn. Ngoài ra ít nhất 10 – 20% những công việc mình đang làm có thể giao được ngay cho người khác làm thay. Đây là những việc có mức độ ưu tiên thấp nhất mà nếu thoát khỏi họ sẽ có nhiều thì giờ cho những công việc có mức độ ưu tiên và giá trị cao hơn. Nhưng công việc ưu tiên cao hơn này là gì? Đó là trả lời và giải quyết những câu hỏi sau đây:
1. Hiện tại, công việc của mình đã hoạt động như ý muốn chưa? Nếu chưa thì tại sao và làm thế nào để được như ý muốn?

2. Mình đang dùng người có tài năng cao nhất trong số những vị trí quản lý chưa? Và sử dụng đúng người cho đúng việc chưa?

3. Làm thế nào để có thể giảm thiểu tối đa những rủi ro trắc trở trong công việc?

4. Trong 5 năm nữa, những thành quả thực tế gì mình muốn có để có thể xem là thành công trong công việc?

5. Thật sự, tối thiểu mình cần những gì để có được sự thoải mái, hạnh phúc cho cá nhân mình và người thân?
Câu hỏi 1, 2 và 3 có thể được giải quyết với hiệu quả cao nhờ vào sự tư vấn có chất lượng của các chuyên gia. Tuy nhiên, phần lớn doanh nhân của chúng ta chưa có thói quen đầu tư cho các dịch vụ tư vấn. Có thể vì họ không thấy được giá trị có thể cân đo đong đếm một cách cụ thể, ngay cả việc nghiên cứu thị trường là việc tối quan trọng trong kinh doanh, cũng còn bị coi nhẹ nữa là! Thống kê cho thấy Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong khu vực về mặt đầu tư nghiên cứu thị trường, chỉ bằng 1/3 Trung Quốc và 1/10 của Thái Lan tính theo tỷ lệ dân số. Đầu tư vào chất xám là đầu tư có hiệu quả cao nhất và không thể thiếu trong mọi kế hoạch phát triển kinh doanh.
Câu hỏi 4 và 5 chỉ có bản thân doanh nhân giải quyết được, tùy vào nhân sinh quan và khả năng của mỗi người. Dưới đây là ba mô hình tương đối đem lại giải pháp hòa hợp cho hai câu hỏi này.
Trước hết, cần kiên định phát triển kinh doanh để ngày càng lớn mạnh hơn. Điều này đòi hỏi đầu tư tuyệt đối vào con người để ông chủ tập trung cho những vấn đề chiến lược. Trong những hội thảo mới đây của các chuyên gia tư vấn nhân sự trong nước, vấn đề nổi cộm là doanh nghiệp chúng ta không có khả năng tìm được người tài vì không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong nước do mức lương chênh lệch lên đến 40 – 50%. Nhưng lại không ai nhắc lời nào về một lợi thế mà doanh nghiệp trong nước có thể dùng để thu dụng nhân tài. Đó là khả năng cho người tài có đất dụng võ với nhiều nhiệm vụ quan trọng và cho họ cơ hội chia sẻ cái bánh thành công từ sự đóng góp của mình vào doanh nghiệp. Người tài phần lớn thích được thử thách để khẳng định khả năng với chính mình và họ cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh một phần thu nhập để đầu tư vào tương lai nếu tin rằng được đối xử công minh và xứng đáng. Văn hóa doanh nghiệp trong nước chưa thật sự đặt lòng tin vào việc chuyển giao trách nhiệm quản lý cho người khác. Ở nước ngoài, đây là một việc hoàn toàn khả thi, an toàn cho chủ doanh nghiệp khi hệ thống điều hành được kiểm tra chặt chẽ.
Thứ hai là hợp tác chiến lược với một đối tác lớn mạnh hơn. Các doanh nghiệp đã đạt được mức doanh thu trên dưới 70 tỉ đồng/năm với lượng khách hàng tương đối đáng kể và một hệ thống phân phối rộng rãi là một đối tác liên doanh hấp dẫn cho các công ty có tầm cỡ trong cũng như ngoài nước. Qua đó, doanh nghiệp trong nước có lợi thế hiểu biết tâm lý khách hàng và có sẵn một hệ thống hoạt động cơ bản mà các doanh nghiệp nước ngoài cần phải có thời gian đầu tư để phát triển. Còn doanh nghiệp nước ngoài có thể đóng góp kỹ thuật, kỹ năng quản lý, vốn và thị trường mà doanh nghiệp trong nước chưa có. Đây là hình thức chia trách nhiệm để cùng phát triển chiến lược.
Sau cùng, biết đủ là đủ. Bán doanh nghiệp, bỏ tiền vào những đầu tư thụ động nhưng tương đối an toàn (trương mục tiết kiệm, công trái, cổ phiếu… trong các công ty lớn vững mạnh) rồi hưởng nhàn. Đây là mô hình dễ nhất nhưng có lẽ khó chấp nhận nhất với đa số doanh nhân – những người thường có bản chất thích chiến thắng và có nhiều tham vọng. Họ khó có thể ngưng kiếm tiền dù đã có đủ. Một doanh nhân ở độ tuổi 40 – 50 chỉ cần có một tài sản giá trị khoảng 20 – 30 lần nhu cầu chi phí mỗi năm là đã đủ để sống sung túc cho hết cuộc đời. Vậy thì bon chen thêm làm gì trong khi nếu đầu tư thụ động là họ có thời gian và khả năng tài chính để chủ động được cuộc sống của mình?
Người Mỹ trong giới kinh doanh cũng thường kháo nhau (đồng thời để nhắc nhở nhau) rằng: “Người nghèo thì muốn giàu, người giàu thì muốn tìm chốn thiên đàng, nhưng người thông thái lại muốn tìm cõi bình an” (The poor long for riches, the rich long for heaven, but the wise desire tranquility). 
Nếu theo câu này thì có lẽ một sự phối hợp hài hòa giữa hai mô hình sau có thể đem lại cho người doanh nhân thành đạt một thiên đàng bình an trên cõi trần.

Theo Saga