3 chữ R đằng sau sự hồi phục của ngành ngân hàng

6 tháng gần đây, chỉ số gồm cổ phiếu của các ngân hàng lớn trên thế giới của FTSE đã tăng trưởng 24%. Các ngân hàng Mỹ là nhóm dẫn đầu, với giá trị vốn hóa của Bank of America tăng 67%, của JPMorgan Chase tăng 39%.


Ảnh minh họa

Trong Kinh thánh, sau 7 năm tiệc tùng say sưa sẽ là 7 năm nạn đói hoành hành. Còn đối với các ngân hàng , chu kỳ lên tới 10 năm. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn khởi nguồn từ tháng 2/2007, khiến ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu gần như phá sản. Sau đó là những gói giải cứu từ các Chính phủ, tiếp nối bằng những năm tháng phải cúi đầu nhận lỗi trước các nhà quản lý, sa thải hàng loạt nhân sự và kết quả kinh doanh bết bát khiến các cổ đông thất vọng.

Kể từ đó đến nay đã 10 năm trôi qua, và nhiều người đang tự hỏi liệu 2017 có đánh dấu một bước ngoặt cho ngành ngân hàng hay không.

6 tháng gần đây, chỉ số gồm cổ phiếu của các ngân hàng lớn trên thế giới của FTSE đã tăng trưởng 24%. Các ngân hàng Mỹ là nhóm dẫn đầu, với giá trị vốn hóa của Bank of America tăng 67%, của JPMorgan Chase tăng 39%. Ở châu Âu, thị giá của BNP Paribas tăng 52%. Còn ở Nhật Bản, cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group tăng trưởng 57%, ngang bằng với tốc độ của những công ty công nghệ khởi nghiệp.

Các chuyên gia phân tích tại UBS lưu ý rằng các con số dự đoán về tỷ lệ ROE của các ngân hàng toàn cầu đã ngừng giảm. Thậm chí những “nạn nhân” lớn nhất của khủng hoảng tài chính cũng đang tăng trưởng. Ngày 20/12/2016, Lloyds – ngân hàng Anh từng nhận gói cứu trợ 33 tỷ USD năm 2009 – vừa thông báo mua công ty thẻ tín dụng MBNA với giá 2 tỷ USD.

Nguyên nhân nào khiến ngành ngân hàng khởi sắc? Theo Economist, đó là 3 chữ R: lãi suất (rates), luật lệ (regulation) và tỷ suất lợi nhuận (return).

Đầu tiên hãy nói tới yếu tố lãi suất. Lãi suất liên tiếp bị cắt giảm, thậm chí xuống cả mức âm là điều rất tồi tệ với các ngân hàng. Trong giai đoạn 2010 – 2015, thu nhập ròng từ lãi của 100 ngân hàng lớn nhất thế giới (chỉ tính các nước phát triển) đã giảm 100 tỷ USD, tức là giảm một nửa so với lợi nhuận của năm 2010.

Ngược lại, khi lãi suất tăng, lợi nhuận biên của các ngân hàng sẽ tăng mạnh. Giờ đây các nhà đầu tư đang nói đến viễn cảnh lạm phát dưới thời thời Donald Trump, rằng vị Tổng thống đắc cử sẽ tạo nên một cú bùng nổ trong chi tiêu công. Ở Đức, tỷ lệ lạm phát đang cao nhất 3 năm.

Các CEO ngân hàng lạc quan rằng các luật lệ đã được thắt chặt đến đỉnh điểm. Dưới thời Trump, đạo luật Dodd – Frank có thể được bãi bỏ. Đúng là những vụ bê bối của các ngân hàng vẫn có thể thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ (điển hình như vụ ông chủ Wells Fargo phải từ chức năm ngoái sau bê bối gian lận tài khoản), nhưng nhiều người cho rằng mục tiêu công kích của dư luận đã chuyển từ các sếp ngân hàng sang giới công nghệ ở California. Những chỉ trích về mức lương cao, xu hướng độc quyền và lợi nhuận khổng lồ xuất hiện ở thung lũng Silicon nhiều hơn là trên phố Wall hay the City of London.

Các nhà quản lý vẫn đang bận rộn nghĩ ra những luật lệ mới (ví dụ như chuẩn Basel 4), nhưng áp lực tăng vốn sẽ giảm bớt. Những ngân hàng mạnh nhất cho biết sẽ chi trả cổ tức nhiều hơn và chuyển sang phương án mua lại cổ phiếu quỹ thay vì huy động vốn mới.

Lý do thứ ba khiến không khí lạc quan bao trùm giới ngân hàng là tỷ suất lợi nhuận. Tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của hệ thống ngân hàng toàn cầu đã quay trở lại mốc 10%. Những khoản phạt khổng lồ đã qua đi.

Bên cạnh đó các startup “fintech” – những công ty sử dụng công nghệ để cạnh tranh với ngân hàng truyền thống – vẫn chưa giành được thị phần đáng kể.

Tuy nhiên, không phải ngành ngân hàng thế giới không đứng trước rủi ro nào.

Chớ vội mừng

Trong không khí lạc quan hiện nay, mối nguy hiểm lớn nhất bắt đầu với chữ C – sự thỏa mãn tự phụ (complacency).

Nhà quản lý tin rằng các ngân hàng hiện dã đem đến ít rủi ro hơn cho người nộp thuế. Ngân hàng Mỹ có 1.200 tỷ USD vốn cốt lõi, nhiều gấp đôi so với năm 2007. Citigroup hiện có số vốn gấp 3 lần so với giai đoạn 2008-10. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngân hàng yếu kém. Deutsche Bank, vài ngân hàng Ý và hai đại gia cho vay thế chấp là Fannie Mae và Freddie Mac là những ví dụ điển hình.

Và các ngân hàng vẫn chỉ có những bản kế hoạch sơ sài để đối phó với trường hợp xấu. Hiện các biện pháp chỉ dừng lại ở cắt giảm chi phí. Và dù cổ phiếu đã tăng giá mạnh, giá vẫn ở mức chứng tỏ nhà đầu tư chưa thực sự lạc quan về triển vọng.

Trước khủng hoảng, các ngân hàng đã thổi lợi nhuận bằng những cách không khỏe mạnh. Họ tạo ra nhiều tầng lớp nợ, mở rộng bảng cân đối kế toán bằng những hình thức nặng nợ… Giờ đây chiến lược này không còn hữu dụng.

Năm 2017, các ngân hàng sẽ phải vạch rõ con đường tăng trưởng và thể hiện lợi nhuận vẫn có thể tăng mà không gây phẫn nộ trong dân chúng hoặc bị giới chức sờ tới. Tăng hiệu quả của đồng vốn cho vay sẽ là con đường bền vững và hiệu quả, bởi nền kinh tế hoạt động tốt thì lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ tăng.

Các ngân hàng có thể làm được nhiều thứ: phát triển hệ thống thanh toán để đáp ứng nhu cầu từ thương mại điện tử, mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp trẻ nhưng tiềm năng, phát triển công nghệ thanh toán trực tuyến…

Những vấn đề trên vẫn đang nhận được sự quan tâm của các ông chủ ngân hàng. Nhưng nếu họ có thể hành động quyết liệt hơn và đạt được những mục tiêu này trong thập kỷ tới, chữ R thứ 4 sẽ trở thành hiện thực: trả hết nợ nần ân oán (redemption).

Theo Trí Thức Trẻ