Quyết định sai lầm của tôi trong làm ăn thường là do “tôi lúc nào cũng nghĩ là mình đúng”, bạn cũng vậy!

Liên tục nhìn nhận mình theo cách khách quan không phải là dễ, và việc đó phải được rèn luyện tới mức chúng ta gần như dập tắt thói quen cho mình là đúng, là đặc biệt, là duy nhất.


Ảnh minh họa

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Đỗ Xuân Tùng về các bài học quản trị mà tiền nhân để lại. Mời độc giả đón đọc

“Tam thập nhi lập, Tứ thập nhi bất hoặc, Ngũ thập nhi tri thiên mệnh …” – Ba mươi tuổi thì lập nghiệp, Bốn mươi tuổi thì không còn nghi hoặc về sự đời và con người, Năm mươi tuổi thì biết được mệnh trời. Ngài Khổng Tử nói câu này để tổng hợp về con đường phát triển nhận thức của mình.

Thứ nhất, điều này bị hiểu sai bởi khá nhiều người thành: cứ tới tuổi ấy thì làm được như thế hoặc có tính cách đó, trong khi không biết rằng theo ý cụ Khổng, muốn “tri thiên mệnh” trước hết phải “tận nhân lực” (cố tới tận cùng sức mình) đã.

Thứ hai, việc nghĩ không đúng này cho thấy chúng ta có thói quen hướng ngoại, coi thường việc luyện kỷ, nghiễm nhiên coi việc rèn luyện bản thân đã là ổn thỏa rồi, giờ chỉ còn việc phán xét người khác hay sự vật hiện tượng ngoại thân.

Quyết định trong làm ăn dẫn tới sai lầm của chính tôi thường là do tôi nghĩ mình đúng và không tham khảo người khác.

Khi còn nhỏ, lúc nghe các bậc tiền nhân bình về tướng học, tôi cứ nghĩ mãi không rõ các cụ luyện món đó làm gì ngoài việc biết người đối thoại là ai. Mà như thế thì có mất công quá không, vì công phu đó chỉ có được nếu chuyên tâm luyện rất vất vả và sau cùng vẫn gặp các cá biệt rất khó đoán định. Sau này tôi mới biết đó chính là công cụ để quân tử tự dùng mà xét chính mình trước khi biết người khác.

Thêm vào đó, nhiều người cho rằng Tướng học là do nhiều đời thống kê mà ra, trong khi thời cổ đại, thống kê sao cho đủ ra từng đó kiến thức thì chịu không ai lý giải nổi.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, một cách đúng nghĩa, tướng học là từ khí công mà ra, vì năng lượng bên trong chính là gốc thể hiện của hình tướng bên ngoài. Và khí công sư, thường là người của phái Đạo gia và một số chi phái của đạo Phật trong đó có Mật Tông, phải nghiên cứu từ chính mình mới ra được những kiến thức ấy.

Liên tục nhìn nhận mình theo cách khách quan không phải là dễ, và việc đó phải được rèn luyện tới mức chúng ta gần như dập tắt thói quen cho mình là đúng, là đặc biệt, là duy nhất. Hiểu mình kém ở đâu, sai chỗ nào, hay mắc tật ra sao rồi chỉnh thì còn tốt hơn là học thêm điều mới, đúng với định nghĩa của chữ Tu trong Phật giáo.

Các vị đã thành công mà tôi gặp tới nay thường có đặc điểm chung là không quá xúc động khi gặp việc lạ. Họ cân nhắc cả lợi hại và luôn đưa ra quan điểm theo cách “trung dung” hoặc “cân bằng” nhất vì như thế nó gần với thực tế nhất. Đáng tiếc, như thế thì lại thường bị coi là “nhạt” trong thế giới ảo hay thích ào theo trào lưu cảm xúc ngày nay.

Tử Vi còn cao thâm hơn. Ngoài việc, xét cho cả đời và theo kỳ hạn, đó chính là một dạng balance scorecard (*) cổ xưa nhất.

(*) Balance scorecard (thẻ điểm cân bằng) là hệ thống xây dựng kế hoạch và quản trị chiến lược, được sử dụng tại các tổ chức kinh doanh, phi lợi nhuận và Chính phủ nhằm định hướng hoạt động kinh doanh theo tầm nhìn và chiến lược của tổ chức,nâng cao hiệu quả truyền thông nội bộ và bên ngoài, theo dõi hiệu quả hoạt động của tổ chức đó ( – PV).

Không ai có thể có cả 12 cung tốt đẹp, hoàn mỹ, nếu tốt ở cung Tài (tiền bạc) thì họ sẽ bị không tốt ở một cung nào đó. Cũng như thế, khi họ hưởng vận số may mắn ở một thời kỳ thì rồi họ cũng sẽ gặp những điều kém may mắn hơn ở giai đoạn sau.

Ai nghiên cứu Tử vi đủ lâu thì hầu như sau đó đều đưa ra kết luận, may mắn và nguồn lực luôn có giới hạn, phải biết điều phối trong giới hạn cho phép của mình.

Vậy xét cho cùng, thế nào mới là ổn? Ổn không nằm ở hoàn cảnh hay thứ sẽ xảy ra với chúng ta, ổn là từ chúng ta mà ra, đó là khi chúng ta biết chấp nhận và điều chỉnh theo hoàn cảnh cho phù hợp. Áp dụng đúng như vậy trong làm ăn, kinh doanh thì dù không thắng trong một số “trận đánh” cũng sẽ chiến thẳng cả “cuộc chiến”.

Tôi không thích kiểu kinh doanh đa cấp, nhưng phải thừa nhận họ có câu nói rất chuẩn xác “cách bạn làm một việc là cách bạn làm tất cả các việc”. Nếu chúng ta tập trung vào bên trong, chúng ta đang lập cơ chế suy nghĩ đồng nhất và khách quan cho chính mình. Để từ đó các hành vi sẽ chuẩn xác và hiệu quả hơn.

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Theo Trí Thức Trẻ