Nỗi buồn của Samsung
Samsung Electronics đã có một khởi đầu khá tươi sáng cho năm 2016, nhưng tất cả đã tan thành sương khói sau khi hãng phải đưa ra quyết định thu hồi toàn bộ điện thoại thuộc dòng Galaxy Note 7. Một vài chiếc Note 7 đã phát nổ, gây nên làn sóng lo ngại về tính an toàn của sản phẩm mũi nhọn này. Thậm chí Note 7 còn bị cấm mang lên máy bay.
Từ chỗ được ngợi ca và đang giúp Samsung lấy lại thị phần từ đối thủ Apple, 2,5 triệu chiếc Note 7 bị thu hồi khiến Samsung thiệt hại nhiều tỷ USD. Cổ phiếu của hãng lao dốc, khoảng 17 tỷ USD giá trị vốn hóa “bốc hơi”.
Thị phần của các hãng trên thị trường điện thoại thông minh. Nguồn: FT
Vận rủi còn đeo bám Samsung đến tận cuối năm. Sau thương vụ bỏ ra 8 tỷ USD thâu tóm Harman Industries của hãng, một nhóm cổ đông chủ động đã gây sức ép muốn Samsung trả lại 60 tỷ USD tiền mặt cho nhà đầu tư và phải cải tổ cấu trúc hiện đang chồng chéo.
Cuộc soán ngôi của các ngân hàng đầu tư Mỹ
Kể từ khủng hoảng tài chính 2008, các ngân hàng châu Âu đã đánh mất thị phần. Nhưng 2016 là năm mà cuối cùng châu Âu đã biến mất hoàn toàn trong top 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, nhường vị trí cho các đối thủ Mỹ.
Theo báo cáo mà Coalition đưa ra hồi tháng 9, 5 ông lớn của phố Wall – JPMorgan, Citi, Goldman Sachs, Bank of America và Morgan Stanley – hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạn những ngân hàng đầu tư thu được nhiều phí nhất trên thế giới. Deutsche Bank bị loại khỏi danh sách này.
Deutsche Bank đang theo đuổi kế hoạch cải tổ nhằm tăng tỷ lệ an toàn vốn và tìm kiếm dòng lợi nhuận bền vững hơn. Những cái tên khác như Credit Suisse, Barclays, UBS và Royal Bank of Scotland cũng đưa ra lý do tương tự.
Tuy nhiên, các ngân hàng Mỹ cho rằng đối thủ của họ đánh mất thị phần không chỉ bởi vì động thái tái cấu trúc mà còn bởi họ đã thiếu tập trung và để mất niềm tin của khách hàng. Mấy năm gần đây, các ngân hàng châu Âu bị xao nhãng bởi những lo lắng về nguồn vốn – điều mà các ngân hàng Mỹ đã phải đối mặt trước đó.
Cơn bão mạng xã hội
Năm 2016, cụm từ “Big Social” ra đời sau khi những mạng xã hội như Facebook và Twitter bị “soi xét” giống như những công ty dược thuộc nhóm Big Farma hay những công ty thuốc lá thuộc nhóm Big Tobacco.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ làm sống dậy nỗi sợ hãi đã từng được đưa ra bàn luật về các mạng xã hội. Nhiều người lo ngại không gian ảo trên mạng xã hội khiến tin tức giả mạo được lan truyền nhanh hơn tin tức thật, khiến thật giả lẫn lộn khi mà một lượng lớn dân số thế giới đang dựa vào mạng xã hội hơn là các kênh thông tin truyền thống để thu thập thông tin.
Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,8 tỷ người dùng mỗi tháng – là nạn nhân đầu tiên của làn sóng giận dữ với tin tức giả mạo. Những thông tin như Đức Giáo hoàng ủng hộ Donald Trump và trợ lý của bà Clinton tham gia đường dây ấu dâm tại một quán pizza được lan truyền nhanh chóng trên Facebook. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã biến Twitter thành một công cụ quảng bá bản thân tuyệt vời.
Trong khi đó về mặt tài chính, một số công ty internet đang gặp nhiều khó khăn. Cổ phiếu của Twitter chịu nhiều áp lực vì nhiều năm tăng trưởng ì ạch. Huyền thoại một thời Yahoo phải bán mình cho Verizon với giá gần 5 tỷ USD và có thể còn bị hạ giá sau vụ dữ liệu Yahoo bị hack.
Một thương vụ đáng chú ý nữa trong năm 2016 của làng công nghệ là LinkedIn chi 26 tỷ USD mua Microsoft.
Các tập đoàn khai khoáng hồi phục
Sự kết hợp hiếm hoi của các nhân tố: giá hàng hóa tăng, chi phí giảm và quản trị doanh nghiệp hợp lý giúp ngành khai khoáng có sự trở lại ấn tượng trong năm 2016.
Đầu năm, nỗi lo về kinh tế Trung Quốc – thị trường tiêu thụ nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới, cùng với gánh nặng nợ và sự tấn công của các quỹ đầu cơ vào các cổ phiếu khai khoáng – đã làm náo động ngành này.
Tuy nhiên, vận may đã đến khi giá hàng hóa tăng mạnh. 2017 hứa hẹn sẽ là một năm tươi sáng cho ngành này.
Từ mức thấp nhất 12 năm của tháng 1, chỉ số FTSE All-Share Mining index đã tăng gần gấp đôi giá trị và lọt vào nhóm có diễn biến tốt nhất trên TTCK. Cổ phiếu của Anglo American và Glencore – hai trong số các tập đoàn lớn nhất – tăng lần lượt 280% và gần 200% kể từ đầu năm đến nay.
Thông thường khi giá hàng hóa tăng, các công ty khai mỏ sẽ đẩy mạnh đầu tư và M&A. Năm 2016 lại khác. Vẫn còn lo ngại với cuộc khủng hoảng chỉ vừa mới qua đi, thay vì dốc hàng tỷ USD vào các dự án mới, các công ty khai khoáng lại cắt giảm chi phí và đặt lợi nhuận (chứ không phải thị phần) lên hàng đầu.
Softbank “cuồng mua sắm”
Khi Nikesh Arora, người được cho là sẽ thừa kế một trong những tập đoàn công nghệ thành công nhất của Nhật Bản, đột ngột từ chức vào tháng 6 sau chưa đầy 2 năm làm việc ở SoftBank, nhà sáng lập Masayoshi Son từ chối kế thừa công ty do chính mình sáng lập như đã hứa. Ông nói rằng mình cần thêm thời gian để “thực hiện một vài ý tưởng điên rồ hơn”.
Và nhà đầu tư đã không phải chờ đợi lâu để xem vị CEO có vẻ kỳ cục này sẽ làm gì tiếp theo. 1 tháng sau, chỉ vài tuần sau khi Anh rời EU, SoftBank thâu tóm công ty thiết kế chip Arm Holdings với giá 32 tỷ USD.
Mùa hè qua đi, Son đáp máy bay tới Riyadh để gặp Phó vương Mohammed bin Salman của Saudi Arabia và cho ra mắt quỹ công nghệ 100 tỷ USD.
Tháng cuối cùng của năm 2016, Son nói với các phóng viên ở New York rằng ông vừa đạt được thỏa thuận 50 tỷ USD sau cuộc gặp với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của SoftBank đã tăng 30% và hiện tập đoàn này có giá trị vốn hóa 73 tỷ USD.
Khoản lỗ của Uber
Đầu năm 2016, Uber vẫn háo hức rót tiền vào Trung Quốc bên cạnh những thị trường đang phát triển được đánh giá là rất tiềm năng khác như Ấn Độ, Đông Nam Á và Nam Mỹ. Nhưng tất cả các thị trường này là những “cỗ máy xay tiền” và khiến Uber lỗ 1,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Đây là khoản lỗ kỷ lục cho một công ty tư nhân ở thung lũng Silicon, nhưng các nhà đầu tư của Uber không hề cảm thấy lo sợ. Tháng 6, quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arbai rót vào đây 3,5 tỷ USD. Vài tuần sau, Uber huy động được thêm hơn 1 tỷ USD, đưa mức định giá lên hơn 60 tỷ USD.
Tuy nhiên đến tháng 8, Uber quyết định cắt lỗ ở Trung Quốc, bán hoạt động kinh doanh cho đối thủ Didi Chuxing để đổi lấy cổ phần ở công ty Trung Quốc và nhận được khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Didi.
Nửa cuối năm 2016, Uber tập trung vào nghiên cứu xe tự lái. Tháng 8, hãng thực hiện thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay khi mua startup chuyên về xe tải tự lái có tên Otto. Tháng 9, Uber bắt đầu thử nghiệm vận chuyển hành khách trên xe tự lái ở Pittsburgh, sau đó là ở San Francisco.
3 cái tên thâu tóm cả thị trường nông nghiệp toàn cầu
Một trong những vụ M&A lớn nhất năm 2016 là tập đoàn dược phẩm Bayer thâu tóm công ty giống cây trồng lớn nhất thế giới Monsanto với giá khủng 66 tỷ USD.
Cùng với hai vụ M&A khác là ChemChina mua Syngenta với giá 44 tỷ USD và Dow Chemical về một nhà với DuPont sau thương vụ sáp nhập trị giá 130 tỷ USD, ba vụ M&A này khiến hơn 60% thị phần trên thị trường hóa chất nông nghiệp hiện nằm trong tay chỉ 3 tập đoàn.
Theo Trí Thức Trẻ