1. Lần đầu xuất khẩu nông sản vượt dầu thô
Sau nỗi buồn tăng trưởng âm của ngành Nông nghiệp, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có kim ngạch “vượt mặt” dầu thô, mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam trong nhiều năm qua.Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2016, mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,81 tỷ USD, tăng 31,8% về giá trị so với cùng kỳ. Trong khi đó, so với xuất khẩu dầu thô, 9 tháng qua chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm nay đã vượt giá trị xuất khẩu dầu thô 110 triệu USD (2.420 tỷ đồng).Đáng chú ý, mặt hàng rau của quả hiện cũng vượt qua một số mặt hàng xuất khẩu chiến lược và truyền thống của Việt Nam là xuất khẩu than (chỉ đạt 73 triệu USD) và nguyên liệu ngành dệt may, da giày (1,1 tỷ USD)…
Câu chuyện đất đai nói chung và tích tụ ruộng đất nói riêng là vấn đề nhiều khúc mắc trong nhiều năm nay. Nền nông nghiệp vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún khiến năng suất lao động, năng suất kinh tế thấp và đời sống nông dân vẫn rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ngành nông nghiệp không thể cất cánh nổi.
Đến nay, Việt Nam chỉ có 4.000 DN, 12.000 hợp tác xã, 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại, cho thấy nhân tố chủ chốt trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn còn rất ít.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, nếu cho phép sửa điều 129 Luật Đất đai 2013, không có hạn điền nữa, thì vấn đề tích tụ đất sẽ bảo đảm được đến ngưỡng cho phép.
Tại cuộc tiếp xúc với cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với hướng mở rộng hạn điền để nông nghiệp sản xuất lớn, tạo ra nông sản chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Đây có thể coi là hành động tháo nút thắt của Chính phủ kiến tạo, mở ra một hy vọng mới cho Nông nghiệp nước nhà.
3. Gói 50.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao
50.000 tỷ đồng là số vốn Chính phủ cam kết dành cho nông nghiệp công nghệ cao được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết ngay tại hội nghị “Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp VN” diễn ra mới đây.
Theo đó, chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải xóa bỏ cơ chế xin – cho, không bó hẹp nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi.
Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho DN. Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 – 60.000 tỷ đồng hỗ trợ DN nông nghiệp công nghệ cao và chỉ đạo luôn với NHNN gói hỗ trợ này phải mở rộng 5 – 7 NH tham gia để tạo ra cơ chế thị trường minh bạch thông thoáng, chống chỉ định bao cấp để phát sinh chi phí không chính thức.
4. Một năm bão táp mưa sa
Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Biểu hiện là hiện tượng rét kỷ lục ở miền Bắc hồi đầu năm và hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đợt rét từ ngày 22-28/01/2016 tại miền Bắc khiến 9.409 con gia súc bị chết; 9.453 ha diện tích lúa, 8.472 ha diện tích mạ, 16.149 ha diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại; 150.000 ha diện tích rừng bị ảnh hưởng.
Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tính đến hết tháng 4/2016 là 9.020 tỷ đồng: khiến 475.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; 248.000 ha lúa, 129.000 ha cây công nghiệp, 50.000 ha cây ăn quả, 19.000 ha hoa màu, 5.000 ha thủy sản bị thiệt hại. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu.
Đầu tháng 5/2016, 11 đơn vị thuộc quản lý của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã bị phát hiện và xử lý vi phạm trong việc cấp phép, kiểm tra và có dấu hiệu giả mạo giấy chứng nhận chất lượng, thử nghiệm phân bón của cơ quan Nhà nước.
Theo đó, cùng với việc thu hồi hàng nghìn sản phẩm của các DN đã được các đơn vị này cấp giấy phép, 11 cơ quan này đã bị đình chỉ hoạt động.
Sự việc trên đã làm “rúng động” giới truyền thông và gây hậu quả nặng nề tới uy tín cũng như hoạt động sản xuất của nông dân, DN.
6. Phân bón giả 3 tháng chưa tan, bón mía mía cháy
Xung quanh sự việc 11 đơn vị vi phạm trong cấp giấy chứng nhận về phân bón hợp quy, hoạt động sản xuất của bà con nông dân phải chịu hậu quả nặng nề.
Theo đó, tình trạng phân bón giả đã hoành hành trên thị trường. Như tại Nghệ An và Yên Bái còn xuất hiện những loại phân lân khi bón vào gốc cây 3 tháng vẫn thấy còn nguyên hạt, không thấy tan.
Hay tại Nghệ An, hơn 100 tấn phân NPK bán cho dân khi bón thì mía cháy lá. Khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra thì thành phần dinh dưỡng cao nhất chưa đến 10% so với mức công bố.
7. Chiến dịch đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi
Trong năm 2015 và đặc biệt kỳ giáp Tết Nguyên đán năm 2016, được coi là thời gian căng thẳng nhất của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Có những lúc, trong thời gian ngắn, Thanh tra Bộ NN&PTNT kết hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tiến hành lấy 89 mẫu phân tích đã có tới 23 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong đó có 16 mẫu là vượt ngưỡng.
Trước những nguy hại trên, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi đã phải nâng “khung” xử phạt với việc sử dụng chất cấm có thể bị áp dụng mức phạt 20 năm tù, bị phạt tiền tới 1 tỷ và bị cấm sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ bị xử phạt hành chính như trước đây.
Tuy nhiên, sau một thời gian vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng cùng người dân, tính đến thời điểm này, hiện trạng trên đã được đẩy lùi. Hiện cả nước đã 285.878 hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Qua công tác kiểm tra vào tháng 5/2016, chỉ còn 1,31% (14/1.063 mẫu có biểu hiện vi phạm. Đến tháng 6, đối với chất Salbutamol chỉ phát hiện có 2 mẫu ở Bình Dương trên tổng số 985 mẫu. Như vậy chỉ còn 0,2%, giảm tới 9,6% so với tháng 1/2016; thịt cũng không phát hiện mẫu nào.
8. Nông nghiệp tăng trưởng âm
Trong nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên trong nhiều năm lĩnh vực nông nghiệp của nước ta có GDP tăng trưởng âm 0,18%; tương ứng 397.400 tỷ đồng.
Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại nặng nề.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.
Theo Trí Thức Trẻ