Bạn là chúa hay quên? Làm theo 5 bước cực kì đơn giản này sẽ ghi nhớ được tất tần tật mọi thứ trên đời

Từ vị trí bạn đỗ xe cho đến password của tài khoản Facebook, số lượng những thứ cần nhớ mỗi ngày quả là rất lớn. Vì thế nếu bạn gặp khó khăn khi phải nhớ những chi tiết này, thì đừng lo bởi không chỉ có mình bạn ở vào tình cảnh như vậy.


Ảnh minh họa

Điểm mấu chốt ở đây chính là khiến cho các ký ức không bị phai nhạt đi. Và dưới đây là 5 cách để nhớ những thứ bạn muốn lưu lại trong trí óc.

1. Tạo ra một nơi dành cho ký ức

Ký ức về không gian của chúng ta luôn mạnh mẽ hơn nhiều so với ký ức về từ ngữ hoặc sự vật.

Hãy thử làm theo cách này: Lập một danh sách (VD gồm có: táo, giấy thấm, bánh mì và sữa), tưởng tượng mình đi quanh nhà, và tạo ra một khung cảnh của mỗi đồ vật trong danh sách nêu trên trong một không gian nhất định.

Trong phòng khách, bạn có thể hình dung lũ trẻ đang tranh nhau mấy quả táo; trong khi đó ở phòng ăn, mỗi vật dụng lại được bọc trong một cuộn giấy thấm. Tiếp đó khi vào phòng ngủ, bạn thấy một gã khổng lồ nằm trên giường và đang nhấm nháp bánh mì. Trong phòng tắm, bạn thấy bồn tắm chứa đầy sữa.

2. Nghĩ về một khung cảnh

Lý do ta hay quên chỗ để những thứ như ví, chìa khóa, điện thoại là bởi ta đã lưu giữ rất nhiều phiên bản quen thuộc của những ký ức tương tự rồi. Và bộ não đã phải mã hóa những ký ức đó hàng ngàn lần. Theo thời gian, chúng bắt đầu nhòa dần đi.

Để cải thiện trí nhớ, bạn phải tách biệt được những phiên bản đó. Lần sau nếu để chìa khóa ở đâu, hãy cố gắng tạo ra một khung cảnh cụ thể trong đầu. Ghi lại bề mặt của nơi mà bạn đặt chìa khóa lên. Đó là gỗ, thép hay bê tông? Màu đỏ hay xanh? Liệu gần đó có bức ảnh hay vật gì gây chú ý cho bạn hay không?

3. Tạo ra một mối liên hệ cảm xúc

Tạo ra sự liên hệ với một đồ vật hoặc một nơi nào đó có thể giúp chúng ta nhớ được các chi tiết về nó.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học ở Harvard và MIT đã so sánh khả năng nhớ các bức ảnh với khả năng nhớ màu sắc của một vài hình vuông đơn giản ở những người tham gia. Nhìn chung, họ nhớ được các chi tiết về bức ảnh tốt hơn nhiều so với việc nhớ các chi tiết về hình vuông.

Các nhà nghiên cứu giải thích sự khác biệt này là do khả năng kết nối các sự vật trong bức ảnh với cảm xúc hoặc ký ức của riêng mình, và vì thế giúp cho các ký ức được rõ nét hơn.

4. Sử dụng một cơ chế gợi nhớ

Nếu bạn đang cố nhớ các từ theo một thứ tự nào đó, hãy thử tạo ra một từ bằng những chữ cái đầu tiên của các từ kia.

Các cơ chế gợi nhớ không phải là công cụ phục vụ việc tiếp nhận thông tin, mà là để tạo ra các cấu trúc ghi nhớ, giúp ta dễ dàng hơn khi phải nhớ lại các thông tin mình thu nhận”.

5. Kết nối thông tin mới với các thông tin cũ

Nếu bạn được yêu cầu nhớ về thầy giáo dạy môn Hóa, thì chắc chắn bạn sẽ nhớ về điều đó lâu hơn so với nếu được bảo nhớ lại về một người tên là Hóa. Tại sao lại như vậy?

Theo các chuyên gia thì cái tên không thực sự mang nhiều ý nghĩa với bạn. Cái tên hoàn toàn không ràng buộc gì với các ký ức khác đang trôi nổi trong đầu bạn. Nhưng danh từ chung thì khác. Chúng ta biết về môn Hóa. Đó là môn học về các chất vô cơ và hữu cơ và phản ứng giữa chúng. Là môn học với rất nhiều công thức loằng ngoằng.

Bạn càng giải thích được nhiều về cách thức thông tin mới liên quan đến các thông tin cũ thì bạn càng nắm bắt được thông tin mới này, và càng tạo được nhiều mối liên hệ giúp bạn nhớ lại sau này.

Theo Trí Thức Trẻ