Ông Bill Aulet đã có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, từ giai đoạn đầu làm việc ở công ty IBM đến khi trở thành nhà khởi nghiệp hàng loạt trước khi về đầu quân cho MIT. Bill đã gọi vốn trực tiếp thành công hơn 100 triệu USD và gia tăng trị giá hàng trăm triệu USD cho các doanh nghiệp của mình cũng như phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp lớn, nhỏ để ủng hộ tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ họ thành công. Ông cũng đồng thời là tác giả cuốn sách “Kinh điển về khởi nghiệp”. Trong lần đến Việt Nam giao lưu cùng với các bạn trẻ mới đây, phóng viên Trí Thức Trẻ đã có cuộc chuyện trò với ông.
Cách thức nào đã giúp ông và doanh nghiệp của mình kêu gọi được số tiền lên đến 100 triệu USD?
Đối với tôi, điều đầu tiên để gọi được vốn thì đừng quá tập trung vào việc gọi vốn mà phải tập trung vào việc phát triển công ty thật tốt. Khi bạn dành quá nhiều thời gian theo đuổi các nhà đầu tư thì họ sẽ nghĩ rằng bạn đang không dành thời gian phù hợp cũng như chú tâm cho việc phát triển công ty.
Giống như một chàng trai theo đuổi bạn, bạn đừng quá tập trung vào anh ta. Điều tốt nhất để gọi vốn thành công là hãy tập trung vào công ty của bạn, phát triển nó thật nhanh và có nền tảng thực sự tốt.
Bởi các nhà đầu tư muốn đưa tiền cho bạn khi bạn không cần nó. Khi bạn có công việc kinh doanh tốt thì việc gọi vốn không còn khó khăn nữa. Tự các nhà đầu tư sẽ tìm đến bạn.
Nhưng những đồng vốn đầu tiên luôn khó khăn?
Hãy tìm cách thu hút khách hàng mua hàng của bạn. Đấy là cách để có những đồng vốn đầu tiên. Điều tôi luôn khuyên các bạn sinh viên của mình là hãy xây dựng công ty của họ thật tốt nhờ thế họ sẽ gây được sự chú ý. Từ những khách hàng đầu tiên, dần dần các nhà đầu tư lớn hơn sẽ tự tìm đến với bạn.
Theo ông đâu là những lầm tưởng trong khởi nghiệp?
Tôi thấy có khá nhiều lầm tưởng về khởi nghiệp. Tuy nhiên, lầm tưởng phổ biến nhất là việc người ta nghĩ rằng có những người bẩm sinh đã có khả năng trở thành những nhà khởi sự, nhưng thực tế không phải vậy. Khởi nghiệp là một kỹ năng, nó có thể được dạy và tích luỹ dần nhờ học hỏi không ngừng.
Ngoài ra, còn một số lầm tưởng khác, ví dụ như nhiều người nghĩ người khởi nghiệp giống như một “người hùng cô độc”, nhưng thực tế thì sao, khởi nghiệp là một môn thể thao đồng đội, bạn càng có nhiều đồng đội, tỷ lệ thành công của bạn càng cao.
Hay việc nghĩ rằng những người khởi nghiệp thành công thường rất trẻ, như cách người ta lấy Mark Zuckerberg làm hình tượng chẳng hạn, cũng là sự nhầm lẫn. Những người như Mark chỉ là trường hợp cá biệt, khoa học đã chứng minh, 30 tuổi trở lên mới là độ tuổi thành công cao.
Người khởi nghiệp thường thích rủi ro kiểu đánh bạc, họ là những người lộn xộn, không có kỷ luật, hơi khùng… cũng là những sự nhầm lần khác. Tôi khẳng định họ là những người nghiêm túc, có tính kỷ luật cực kỳ cao. Họ cũng chỉ chấp nhận những rủi ro mà họ nhìn thấy và lường trước được.
Vậy ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ Việt Nam trong việc khởi nghiệp?
Theo tôi, hãy cố gắng học thật nhiều kiến thức về kinh doanh ở trường học. Bởi đấy là cách tốt nhất, dễ dàng nhất để học về việc kinh doanh. Khi học toàn thời gian bạn sẽ học được nhiều hơn, tập trung hơn.
Tuy nhiên, ở trường thì không chỉ có việc học, tôi rất khuyến khích các bạn sinh viên của mình khởi nghiệp khi đang ngồi trên ghế nhà trường vì khi đấy các bạn học được rất nhiều và cũng có nhiều thời gian hơn để sửa sai.
Khi còn trẻ, thành công là rất khó, thất bại là điều cực kỳ bình thường. Một trong những điểm khó khăn nhất của các công ty khởi nghiệp là vấn đề nhân sự, mà điều này hiếm có bạn trẻ nào có thể thành thục. Như vậy, các bạn cần có nhiều thời gian để học và tích luỹ. Nhưng quản lý nhân sự không phải là kỹ năng duy nhất, còn nhiều kỹ năng khác nữa. Đấy là lý do tôi khẳng định phải tầm 30 tuổi tỷ lệ thành công của các bạn mới nhiều hơn.
Như kinh nghiệm cá nhân, tôi đã làm việc ở IBM 11 năm trước khi tôi khởi nghiệp công ty cho riêng minh. Nhờ IBM tôi đã học được rất nhiều, đặc biệt là việc quản lý đội nhóm, tôi cảm thấy đấy là điều thực sự quan trọng, có giá trị sau này. Nhưng với 11 năm kinh nghiệm ấy, lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi vẫn thất bại. Tôi vẫn cần học rất nhiều.
Do đó, mặc dù tôi vẫn khuyến khích sinh viên của mình khởi nghiệp từ sớm, nhưng tôi vẫn luôn nói rằng đấy là con đường dài, các bạn cần nhìn trước hành trình đấy. Khởi nghiệp không phải là việc một sớm một chiều là thành công được.
Theo Trí Thức Trẻ