Trong buổi nói chuyện với các học viên của Trường Doanh Nhân PTI, TS. Lê Thẩm Dương – Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, hội nhập sâu đã và đang thay đổi toàn bộ bối cảnh của nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi để tồn tại và phát triển, đặc biệt là thay đổi chiến lược quản trị.
Theo TS. Lê Thẩm Dương, nền kinh tế thế giới với dân số vượt mốc 7 tỷ người đang rơi vào cơn khát nguyên liệu, trong khi tài nguyên không tái sinh chỉ còn đủ cho 3,6 tỷ dân. Cả thế giới lao vào săn tìm tài nguyên thay thế.
Kinh tế trí thức – kinh tế sáng tạo được kỳ vọng sẽ tạo ra nguyên liệu tái chế. Israel mở màn với những phát minh sáng tạo trong nông nghiệp “sạch”, tiếp đến là những thành tựu trong lĩnh vực công nghệ như chế tạo xe chạy bằng điện thay thế xe chạy bằng xăng và trở thành quốc gia khởi nghiệp dẫn đầu.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì? Theo TS. Lê Thẩm Dương, có 4 mục tiêu cơ bản doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn thành công.
Cạnh tranh trong hội nhập là quá trình đào thải khốc liệt. TS. Dương cho biết có đến 69,9% doanh nghiệp phá sản vì năng lực quản trị yếu kém và 20% phá sản vì khủng hoảng. Bởi lẽ đó, Việt Nam chắc chắn sẽ phải chịu áp lực rất lớn trong ngắn hạn, và chỉ có thể hưởng lợi trong dài hạn.
4 mục tiêu cơ bản các nhà quản trị doanh nghiệp phải thực hiện được để có thể duy trì doanh nghiệp thời khủng hoảng gồm: quản trị nội bộ, khách hàng, kế hoạch định hướng phát triển và tài chính.
Theo đó, ở lĩnh vực quản trị nội bộ, người điều hành, quản lý doanh nghiệp phải có kế hoạch xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu.
Viettel, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là hai doanh nghiệp đứng ở top đầu. Đặc điểm nổi bật của hai thương hiệu này là họ đã rất thành công trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Mục tiêu quan trọng thứ hai là khách hàng. Ngày nay, khi công nghệ được ứng dụng vào sản xuất đã giúp tăng năng suất và tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng nhất. Do đó, nghệ thuật bán hàng trở thành yếu tố then chốt, quản trị khách hàng lên ngôi. Trước đây doanh nghiệp bán hàng với tư duy “trăm người bán, vạn người mua”.
Ngày nay, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường “trăm người bán, hai chục người mua”, doanh nghiệp bán hàng theo chiến lược 3.0: không chỉ bán thứ mình có hay thứ khách hàng cần, mà còn phải trao tình cảm, giữ chân khách hàng bằng trải nghiệm người dùng. Thậm chí các nhà quản trị khách hàng phải xây dựng chiến dịch truyền thông và tạo ra nhu cầu ở khách hàng tiềm năng.
Mục tiêu thứ ba là kế hoạch định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, gồm các chính sách tái cấu trúc quản trị hay tái cấu trúc nhân sự; phát triển sản phẩm mới; phát triển thị trường mới của doanh nghiệp. Thông thường, kế hoạch định hướng phát triển doanh nghiệp thường gắn liền với lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Thẩm Dương, doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm này. Trong ngắn hạn, để thực hiện thành công mục tiêu này, doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận, phải đặt mục tiêu phát triển sản phẩm, dịch vụ lên trước lợi nhuận.
Mục tiêu thứ tư là tài chính doanh nghiệp. Không bao giờ đề cao những chiến lược tài chính mà trong đó mục tiêu tài chính liên tục phát triển, đặc biệt là trong khủng hoảng.
Theo TS. Dương, có một nguyên tắc bất biến trong quản trị, điều hành là nếu tài chính doanh nghiệp liên tục tăng thì 3 mục tiêu còn lại sẽ phải giảm. Mà các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài giảm có nghĩa là nguy cơ sụp đổ sẽ tăng. Đây là một trong những “cái bẫy” quản trị doanh nghiệp mà nhà điều hành cần thận trọng đề phòng.
Theo DNSG