Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành từ đầu năm nay. Thị trường mở với 600 triệu dân trong khối này được kỳ vọng là nơi đểhàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt vươn ra thế giới nhiều hơn, mạnh hơn.
Tuy nhiên, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tám tháng đầu năm nay sau khi AEC hình thành, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang ASEAN giảm 10% so với cùng kỳ. Ngược lại hàng từ các nước ồạt chảy vào Việt Nam, đặc biệt làhàng Thái Lan. Điều này đã cho thấy ngay khi vừa ra “biển khu vực” thì hàng Việt đã thất thế.
Trong nước khó khăn, nước ngoài hụt hơi
Chị Minh Anh, nhà ở quận Gò Vấp, TP.HCM, nhận xét khi đi du lịch tại Thái Lan, muốn tìm hàng Việt không dễ. Trong khi tại TP.HCM muốn tìm hàng Thái thì chỉ cần “bước ra khỏi cửa là có ngay”.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TP.HCM, nói: “Hàng của các công ty Việt nhiều năm qua chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, còn nay hàng Thái Lan là đối thủ mạnh nhất. Mặt khác, khi Cộng đồng Kinh tế AEC hình thành thì việc cạnh tranh với các quốc gia khác trong cùng một thị trường cũng rất gay gắt”.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, theo ông Khánh, hàng Việt có dấu hiệu hụt hơi. Bằng chứng là mặt hàng dệt may trong nội địa từ đầu năm đến nay hết sức khó khăn, sức mua giảm đến 30%. Chưa hết, hàng Việt xuất khẩu sang Campuchia cũng giảm đến 30%-40%, do nước này tăng cường nhập hàng từ Trung Quốc và Thái Lan.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex Diệp Nam Hải chia sẻ khi AEC hình thành giúp DN có thể tiếp cận thuận lợi hơn với công nghệ mới, nguồn tài chính và nguồn nhân lực trong khu vực. Thị trường tiêu thụhàng cũng rộng mở, thuế xuất khẩu giảm, việc giao thương dễ dàng vì không còn biên giới hành chính. Tuy nhiên, khó khăn nhất làsựcạnh tranh gay gắt trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh.
Cụ thể các sản phẩm của công ty đã phân phối vào một sốquốc gia như Philippines, Singapore, Malaysia, Campuchia… nhưng bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm Thái Lan.
“Nguyên nhân chính là do hàng Thái có giá thấp hơn hàng Việt vì họ minh bạch về chi phí vận chuyển, thủ tục hành chính… Trong khi đó, các DN Việt gặp nhiều khó khăn về vấn đề này. Đơn cử như liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, do sự chồng chéo về quản lý nhà nước nên có ba bộ quản lý: Công Thương, Y tế, NN&PTNT” – ông Hải dẫn chứng.
Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủtịch Hiệp hội DN TP.HCM, đánh giá cái yếu của hàng Việt là tiếp thị quảng cáo chưa tốt, chưa nghiên cứu kỹ về thị trường và người tiêu dùng các nước. Thế là có công ty đi xúc tiến thương mại hai, ba năm mà vẫn chưa tìm được nhà phân phối ở các nước. Không có hệ thống phân phối, đại lý ở nước ngoài nên công ty Việt muốn tìm đầu ra cho hàng hóa vô cùng chật vật.
Nhìn thẳng vào hạn chế để thay đổi
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam sẽ là vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước ASEAN. Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, đánh giá hàng Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN giảm 10% nhưng nhập siêu tăng lên chứng tỏnăng lực cạnh tranh của DN Việt còn kém.
Lý giải nguyên nhân khiến năng lực của DN kém, ông Doanh phân tích: Do lãi suất ngân hàng còn quá cao, chi phí đầu vào, chi phí vận tải quá lớn… vượt quá sức chịu đựng của nhà kinh doanh.
Hơn nữa đồng tiền của một số nước như Malaysia mất giá 18% kéo theo hàng hóa nước này giảm 18%; đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá7% khiến hàng hóa rẻ hơn 7%. Trong khi đó đồng tiền Việt Nam vẫn giữ ổn định, dẫn đến đồng tiền Việt đã trở nên cao giá hơn trong khu vực. Hệ quả cuối cùng là hàng xuất khẩu của Việt Nam yếu đi vì hàng hóa đắt đỏ hơn.
Ông Doanh nhấn mạnh: “Ngay thời điểm này, Campuchia cũng cạnh tranh mạnh với chúng ta về hàng may mặc. Gần đây các đơn hàng may mặc đã chuyển sang Campuchia. Vì vậy, DN Việt phải nhìn nhận thực tế mặt hàng nào có năng lực cạnh tranh, mặt hàng nào chưa có thì phải cải tiến”.
Cùng nhận định trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng công ty Việt vẫn chưa chuẩn bị kỹ khi ASEAN trở thành khối thống nhất. Trong khi đó, một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan có sự chuẩn bị trước. Vì vậy khi vừa mở cửa theo cam kết thì hàng loạt đại gia Thái nhảy vào Việt Nam thâu tóm hệ thống bán lẻ Big C Việt Nam, Metro Việt Nam… Điều này khiến các DN Việt hết sức lúng túng.
Do đó, DN Việt cần chú trọng năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành nghề thì mới đủ sức tham gia cuộc chơi hội nhập. Không nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân chơi ASEAN, chưa nói tới hàng hóa Việt sẽ bị đánh bật ngay trên sân nhà.
Còn nặng tư tưởng thụ động
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh từng nhận xét rằng lỗi một phần dẫn đến tình trạng hàng Việt yếu thế là do nhiều DN còn nặng tư tưởng thụ động. DN xuất khẩu quen bán tại cầu cảng, mua tại cầu cảng.
Tức là mua thì người ta mang tới tận cửa, không có nhu cầu tìm kiếm tận nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế. Bán thì thường bán cho một thương nhân tới tận Việt Nam mua hàng nên nước ngoài giảm thuế cho mình ra sao cũng chưa quan tâm lắm.
AEC cho phép 12 ngành nghề lao động được dịch chuyển tự do trong nội khối. Tuy nhiên, nếu như các nước chuẩn bị khá tốt, có nhiều ưu thế hơn hẳn lao động Việt Nam về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, tính chủ động và sẵn sàng di chuyển thì lao động Việt Nam không có tính chủ động này và chưa tận dụng được cơ hội.
Theo Báo Pháp luật TPHCM