Theo thống kê, cứ 4 trong số 10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới và hơn thế nữa, vòng đời của một công ty được sử dụng để tính toán ra chỉ số S&P 500 đã rút ngắn từ hơn 50 năm vào thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại. Kỷ nguyên số đã đến và các công ty cần phải phát triển, cũng như triển khai đổi mới kỹ thuật số mới có thể tồn tại và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những công ty đã triển khai quá trình đổi mới kỹ thuật số thu được nhiều lợi ích từ doanh thu cao hơn, những luồng doanh thu mới, mức độ hài lòng của khách hàng và mức độ gắn bó của nhân viên cao hơn.
Báo cáo về Cuộc cách mạng Kỹ thuật số tại Khu vực ASEAN cho thấy rằng, khu vực ASEAN có tiềm năng chuyển đổi trở thành một “Cường quốc kinh tế số toàn cầu” vào năm 2025 và đại diện cho cơ hội kỹ thuật số lớn nhất trong thập kỷ tới. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, đầu tư vào kỹ thuật số là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của những khách hàng online hiện tại và tương lai, những người sẽ chiếm một nửa dân số Châu Á vào năm 2020, tăng từ mức một phần ba ở thời điểm hiện tại.
Bạn đã chuẩn bị đến mức độ nào để sẵn sàng cho tương lai?
Một Nghiên cứu về Chỉ số Sẵn sàng cho Tương lai của IDC vào năm 2015 do Dell tài trợ đã cho thấy vai trò quyết định sự thành công hay thất bại trong kinh doanh của tính hiệu quả và tính kịp thời của việc cung cấp dịch vụ CNTT. Một tổ chức “sẵn sàng cho tương lai” có thể phản ứng trước những biến động thị trường nhanh hơn và được chuẩn bị tốt hơn để tự trở thành những nhân tố đột phá. IDC đã xác định được 4 cấp độ của tính sẵn sàng cho tương lai của doanh nghiệp là: Tạo ra tương lai, Tập trung vào tương lai, Hiểu về tương lai và Tập trung vào hiện tại.
Theo thống kê của IDC, 16% số tổ chức được khảo sát thuộc nhóm Tập trung vào hiện tại, 32% Hiểu về tương lai, 33% Tập trung vào tương lai và 18% Tạo ra tương lai. Ở thứ hạng thấp nhất, những công ty Tập trung vào hiện tại chủ yếu xoay quanh những công nghệ cũ; trong khi ”lướt trên những con sóng đổi mới kỹ thuật số” lại là những tổ chức Tạo ra tương lai – những công ty đi trước cuộc chơi bằng cách triển khai những nền tảng linh hoạt và dữ liệu lớn. Những nhóm công ty khác đang đánh mất đi nhiều lợi ích của sự sẵn sàng cho tương lai.
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang đi đầu trong làn sóng này vào năm 2016 khi có hơn một nửa số công ty Tạo ra tương lai đạt được sự gia tăng về mức độ hài lòng của khách hàng và hơn 40% cho biết đã đạt được tăng trưởng doanh thu.
Hành trình trở thành một Công ty tạo ra tương lai
Các công ty lâu đời tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương không “ngủ quên” trong làn sóng kỹ thuật số này và những tổ chức được trang bị một cơ sở hạ tầng CNTT mạnh mẽ hơn đang vượt qua “dòng thác” nơi mọi thứ đều được số hóa và được kết nối. Dưới đây là ba yếu tố về mặt CNTT đang giúp các doanh nghiệp hiện nay gặt hái thành công:
Thứ nhất, Công nghệ Phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics – BDA) tạo ra những thông tin kinh doanh sâu sắc hơn: BDA đóng vai trò một cổng giao tiếp để cung cấp dữ liệu đến đúng người, vào đúng thời điểm, trong khi phần lớn các tổ chức tiên tiến đều đang sử dụng BDA để tự động hóa các chức năng kinh doanh quan trọng nhằm nâng cao độ chính xác và hiệu quả. Chỉ số Doanh nghiệp Sẵn sàng cho Tương lai (Future Ready Enterprise Index) đã phát hiện ra rằng, các tổ chức Tập trung vào hiện tại có rất ít hoặc không có một chiến lược BDA, và bất kỳ kết quả nào của BDA đều chỉ có rất ít hoặc không có ảnh hưởng nào đối với người có thẩm quyền ra quyết định. Ngược lại, những tổ chức Tạo ra tương lai đều đã triển khai một chiến lược BDA trên phạm vi toàn doanh nghiệp, đồng thời các kết quả được sử dụng một cách nghiêm túc bởi những người có thẩm quyền ra quyết định. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, 98% số công ty Tạo ra tương lai đều truy cập vào BDA ở những thời điểm tối ưu trong khi chỉ có 58% số tổ chức Tập trung vào hiện tại thực hiện điều đó.
Thứ hai, Công nghệ Điện toán đám mây góp phần phá bỏ các ốc đảo: Để đảm bảo độ linh hoạt, khả năng khôi phục sau thảm họa kết hợp với mô hình làm việc di động, các tổ chức đang chuyển sang sử dụng môi trường điện toán đám mây. Tại một quốc gia phương Đông – nơi đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về ùn tắc giao thông, Trường Đại học Công nghệ Fujian đã khai thác dữ liệu theo thời gian thực từ môi trường điện toán đám mây để phân tích hành vi lái xe, và qua đó đã giúp tỉnh Fujian xây dựng thành công một chiến lược giao thông của Thành phố thông minh giúp quản lý số lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn.
Tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hơn 50% số tổ chức Tạo ra tương lai ghi nhận rằng, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây đã hỗ trợ BDA trong nội bộ doanh nghiệp của họ và phần lớn đã đạt được hiệu quả sử dụng tài nguyên cơ sở hạ tầng và dữ liệu cao hơn. Những yếu tố đó đã cho phép các tổ chức được khảo sát giám sát chặt chẽ hiệu quả sử dụng tài nguyên và hiệu suất, qua đó nâng cao năng suất làm việc và tối ưu hóa kết quả trên phạm vi toàn bộ tổ chức.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng hội tụ góp phần hạ thấp độ phức tạp. Các công nghệ ảo hóa và tự động hóa được phát triển để xử lý các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng cũ, manh mún, nhưng khi những thiết bị lưu trữ và máy chủ mới được triển khai, một cơ sở hạ tầng hội tụ có thể góp phần đồng bộ hóa đáng kể các quy trình. Cơ sở hạ tầng đó tích hợp nhiều gói giải pháp phần cứng và phần mềm trở thành một gói giải pháp đồng bộ, duy nhất để doanh nghiệp khai thác ở bất kỳ quy mô nào.
Ví dụ như, một tổ chức y tế có thể triển khai các hệ thống hồ sơ bệnh án y tế điện tử một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn và đồng thời triển khai một cơ sở hạ tầng để nhanh chóng phát triển các dịch vụ y tế mới, được cá nhân hóa và dựa vào thông tin. Những tổ chức Tạo ra tương lai được khảo sát tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã nhấn mạnh rằng, mức độ hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng suất làm việc của nhân viên cao hơn là những lợi ích hàng đầu của một giải pháp cơ sở hạ tầng siêu hội tụ.
Khi được kết hợp lại với nhau, những yếu tố công nghệ này trở thành những chiếc lá chắn ảo cho bộ phận CNTT có tư tưởng tiến bộ trong các doanh nghiệp. Những công ty đột phá sẽ giành chiến thắng bởi vì họ đã đưa dữ liệu vào cốt lõi, và những người có thẩm quyền ra quyết định cần phải khai thác được những thành phần này để đảm bảo rằng doanh nghiệp của họ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tương lai.
Tương lai là một cuộc hành trình
Các doanh nghiệp trong tất cả mọi ngành kinh tế đều thu được nhiều lợi ích to lớn từ quá trình số hóa, trong đó công nghệ thông tin đang tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ thường xuyên. Lấy trường đại học Yale-NUS College tại Singapore làm ví dụ, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây lai của nhà trường đang hỗ trợ hoạt động nghiên cứu đột phá trong nhiều lĩnh vực như là khoa học xã hội kỹ thuật số.
Khoa học xã hội kỹ thuật số hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thông qua ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực như là giải mã chữ viết cổ, tìm kiếm trong kho lưu trữ khổng lồ những dữ liệu lịch sử phi cấu trúc và dự báo về những sự kiện chính trị dựa vào mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu thu được nhiều kiến thức về các sự kiện xảy ra trên thế giới trong quá khứ và hiện tại, một điều mà trước đây họ không thể thực hiện được vì không có sức mạnh tính toán của môi trường điện toán đám mây.
Bạn không nhất thiết phải là một người tạo ra tương lai mới có thể được tận hưởng những lợi ích kinh doanh lớn hơn. Đảm bảo sự sẵn sàng cho tương lai là một cuộc hành trình, và việc di chuyển lên từng cấp độ cao hơn cho dù xuất phát điểm của bạn ở đâu đi nữa luôn mang lại hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, luôn có hai thành phần với vai trò căn bản quyết định sự thành công trên mọi cấp độ đó là: một khuynh hướng chiến lược để định hướng các quyết định kinh doanh (thay vì sự tập trung trong ngắn hạn vào việc cắt giảm chi phí) và một bộ phận CNTT có thể phối hợp làm việc chặt chẽ với bộ phận nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu trong tổ chức.
Theo ddnd