Tin tức - Sự kiện Làm thế nào để việc đánh gía học sinh được phát huy...

Làm thế nào để việc đánh gía học sinh được phát huy hiệu quả

48
Khi bắt đầu thực hiện đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 hầu hết các cơ sở GD đã gặp không ít khó khăn từ phía giáo viên và phụ huynh. 


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sau thời gian hơn 2 năm triển khai, nhiều người trong cuộc đã nhận ra rằng cách đánh giá này giúp HS giỏi không tự mãn, không coi thường bạn khác; em nào chưa giỏi cũng không tự ti, không mất động lực phấn đấu…

Nhà trường, giáo viên, phụ huynh cùng vào cuộc

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên và phụ huynh, để việc đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 đi vào cuộc sống, rất cần thông tin đầy đủ, cụ thể về mục đích, cách làm, từ đó xã hội sẽ hiểu hơn. Theo ghi nhận của chúng tôi, mấu chốt vấn đề gây ra dư luận trái chiều xung quanh cách đánh giá HS tiểu học chính là băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc không chấm điểm HS khiến gia đình không biết sức học của các con đến đâu để kèm cặp.

Để hóa giải vướng mắc này, ngành GD&ĐT TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa Thông tư 30 “thấm dần” vào trong mỗi trường, mỗi thầy cô giáo, các em HS và cả phụ huynh. Chính từ thực tế giảng dạy, từ Sở, Phòng đến các trường học cùng quyết tâm thực hiện Thông tư 30 trên tinh thần “làm để giáo viên, phụ huynh hiểu và ủng hộ”.

Để đạt được sự đồng thuận, thống nhất khi triển khai Thông tư 30, ngành GD&ĐT TP Cần Thơ thực hiện một số giải pháp như: Tuyên truyền nội dung Thông tư 30 đến từng phụ huynh HS và cộng đồng bằng những việc làm thiết thực. Gửi tài liệu đến cho từng phụ huynh HS để phụ huynh đọc và nắm những nội dung Thông tư 30, tổ chức họp phụ huynh để giải thích những vấn đề phụ huynh còn thắc mắc.

Trích những nội dung quan trọng, cần thiết của nội dung Thông tư 30 đưa vào sổ liên lạc để phụ huynh tiếp cận dễ dàng hơn. Đăng tải nội dung Thông tư 30 lên website của trường, hướng dẫn cụ thể cách tra cứu để phụ huynh và cộng đồng dễ dàng tiếp cận, hiểu biết sâu về Thông tư.

Đặc biệt, thông qua các buổi họp Hội đồng sư phạm, sinh hoạt tổ chuyên môn tạo điều kiện để giáo viên được trải nghiệm, chia sẻ cách đánh giá thường xuyên, nhằm đánh giá chính xác về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực HS. Tổ chức các chuyên đề, thao giảng, dự giờ, tập trung vào việc đổi mới hình thức đánh giá, tạo điều kiện để giáo viên trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau trong việc đánh giá thường xuyên đối với HS trong từng tiết học…

Không phải là “bình mới rượu cũ”

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Đến nay, hầu hết cán bộ quản lý đều nhận thức được tính nhân văn với những yêu cầu đổi mới của Thông tư 30. Việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục.

Kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ. Từ đó đưa ra nhận định đúng các ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi em để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.

Đối với HS, trong quá trình học tập, các em biết tự đánh giá bản thân mình có những mặt mạnh, mặt hạn chế nào, đồng thời biết tham gia đánh giá bạn để từ đó biết điều chỉnh cách học của mình dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ của giáo viên và của nhóm. Qua đó góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.

Về yêu cầu sửa đổi Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, nhiều thầy cô giáo tham gia đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 chia sẻ rằng: Đây là nền tảng quan trọng để HS phát triển toàn diện, đặc biệt là phát triển năng lực và phẩm chất. Trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến, việc đánh giá theo phương thức A, B, C không phải là “bình mới rượu cũ”, giống với việc cho điểm như nhiều ý kiến nhận định. Bởi bản chất của 3 mức trên là lượng hóa để đánh giá sự tiến bộ của HS. Chủ trương sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30 sẽ giúp thầy trò tiếp tục phát huy thế mạnh của chủ trương này.

Bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền cách đánh giá HS theo Thông tư 30 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là thực hiện các chương trình mang tính chất chia sẻ, hỏi, đáp trên báo, đài.

Bộ cũng cần xây dựng ngân hàng đề kiểm tra định kì cuối học kì I và cuối năm học các môn học có đánh giá bằng điểm số theo các mức độ nhận thức của HS được quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Thông tư 30. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho GV cách ra đề kiểm tra định kì theo Thông tư 30 với các mức độ nhận thức của HS. Triển khai áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu giáo dục tiểu học nhằm giảm bớt việc thực hiện hồ sơ sổ sách cho GV.

Theo Giáo dục và Thời đại