Quảng cáo truyền hình ngày càng yếu thế trước quảng cáo trực tuyến

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam đang đứng đầu trong việc sử dụng mạng xã hội cho các hoạt động quảng bá. Đặc biệt, hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong khối xuất khẩu trên mạng xã hội còn đứng thứ 2 trên thế giới. 


Ảnh minh họa
Trong vài tháng vừa qua, doanh thu từ quảng cáo nội địa của Facebook đã vượt mặt các thương hiệu truyền hình lớn như Comcast, CBS Corp, Disney, và 21st Century Fox. 13,1 tỷ USD mà mạng xã hội này và Google thu về trong quý II/2016 thậm chí đã vượt qua tổng doanh thu cùng kỳ của 4 ông lớn truyền hình cộng lại.

Chưa bao giờ quảng cáo truyền hình lại trở nên yếu thế như vậy trước sự phát triển quá nhanh của quảng cáo trực tuyến.

So kè lợi thế

Theo đánh giá của eMarketer, vào năm 2017, chi tiêu cho quảng cáo trên truyền hình sẽ đạt khoảng 72,01 tỷ USD, chiếm 35,8% của tổng chi tiêu cho quảng cáo Media Ad tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, tổng chi tiêu cho Digital Ad vào năm 2017 sẽ đạt 77,37 tỷ USD, chiếm 38,4% thị phần, nhỉnh hơn so với công cụ truyền thống.

Một quảng cáo hàng xuất khẩu trên Facebook
Khả năng cá nhân hóa các quảng cáo đã tạo nên thành công không thể chối cãi của mạng xã hội. Bởi, quảng cáo trên công cụ này dựa trên những đặc điểm cá nhân của từng người. Nó tạo nên lợi thế so với quảng cáo truyền thống: sẽ chỉ tính phí nếu mang tới những tương tác cụ thể từ người dùng, một “quyền lực đặc biệt”, một tính năng mà quảng cáo truyền hình chưa thể có.

Trong khi đó, các công ty truyền hình lại biết quá ít về khán giả của mình. Dù lượng khán giả lớn nhưng rải rác trên các kênh truyền hình, thậm chí là những kênh truyền hình trực tuyến, người đặt quảng cáo hầu như không thể biết được người xem là ai và sở thích của họ là gì. Điều này khiến cán cân lựa chọn nghiêng hẳn về phía công cụ trực tuyến.
Thực tế, doanh thu của Google từ quảng cáo luôn lớn hơn Facebook rất nhiều. Tuy nhiên, Facebook cũng đã và đang nhanh chóng thu hẹp dần khoảng cách này. Với tốc độ tăng trưởng đạt 64%, Facebook phát triển nhanh gấp 8 lần CBS Corp, công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất ngành giải trí. Hiện doanh thu quảng cáo toàn cầu của Facebook lớn gấp 2 lần doanh thu đến từ nội địa. Trung bình mỗi năm Facebook thu về 50 triệu USD từ người dùng tại Mỹ và Canada, tăng cao so với 34 triệu USD doanh thu năm trước và 21 triệu USD năm trước đó.

Trong đó, quảng cáo trên di dộng chiếm ưu thế chính trong chi tiêu cho quảng cáo Digital Ad. Theo đánh giá của eMarketer, doanh nghiệp sẽ chi tiêu nhiều hơn cho Digital Ad vì đó là một cách tối ưu chi phí trong một nền kinh tế quá nhiều biến động hiện nay.

Chọn mặt gửi vàng

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nên chọn kênh quảng bá nào cho sản phẩm cũng như thương hiệu của mình? Câu trả lời không phải là truyền hình hay trực tuyến. Bởi, lựa chọn tốt nhất trong quảng bá phải được dựa trên mức hiệu quả của kênh quảng cáo đó, chứ không phải phụ thuộc vào một xu hướng nào cụ thể. Doanh nghiệp nên tìm hiểu thật kỹ về hiệu quả của các kênh truyền thông để so sánh xem kênh nào có thể đem lại mức hiệu quả cao nhất.

Một khía cạnh khác là cũng nên lưu ý đến sự tương đồng giữa phương thức quảng cáo và mục tiêu của mình.

Ví dụ, nếu muốn tìm khách hàng, đăng ký mua hàng thì kênh TV sẽ không phù hợp bằng các hình thức quảng cáo trực tuyến vì quảng cáo trực tuyến sẽ cho phép khách hàng đến trang đăng ký mua sản phẩm để tiếp cận và mua sản phẩm nhanh hơn. Nhưng nếu muốn khuếch trương thương hiệu của mình thì lại cần kết hợp kênh trực tuyến và TV để đạt được mức hiệu quả cao nhất.

Trong thực tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối SME, sẽ khó có khả năng tiếp cận với TV vì chi phí cao. Với quảng cáo trực tuyến thì họ có thể chọn ngân sách phù hợp với khả năng nên các SME sẽ ưu ái cho hình thức trực tuyến hơn.

Riêng tại thị trường Việt Nam, các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội đang rất sôi động. Facebook đo lường con số này thông qua các tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng thì thấy, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các SME Việt Nam đang đứng đầu trong việc sử dụng mạng xã hội cho các hoạt động quảng bá.

Đặc biệt, hoạt động của doanh nghiệp Việt trong khối xuất khẩu trên mạng xã hội còn đứng thứ 2 trên thế giới. Điều này cho thấy khả năng phát triển hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường bằng quảng bá xuyên biên giới với mạng xã hội đang ngày càng hiện hữu.

Theo DNSG