Elon Musk và phong cách quản lý Nano-manager, nỗi ác mộng của nhân viên

Trước khi lấy Elon Musk là hình tượng và học hỏi theo, nhất là phong cách lãnh đạo kiểu “nano-manager” bạn cần phải ghi nhớ lời cảnh báo sau: Đây là cách thức kinh khủng nhất để bắt nhân viên của bạn hoàn thành chỉ tiêu.


Ảnh minh họa

Trong sự kiện Detroit Auto Show diễn ra vào năm ngoái, Elon Musk đã có phát biểu hùng hồn rằng anh không chỉ yêu cầu Tesla phải đáp ứng được tất cả những tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng xe mà nhân viên của anh cũng vậy.

“Nếu đang trong một trận chiến khốc liệt, sẽ tốt hơn nếu bạn luôn sẵn sàng ở vị trí tiền tuyến”, Musk nói trong bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal.

Anh miêu tả chính bản thân mình không chỉ là một “Micro-manager” (nhà quản lý luôn theo đuổi sự toàn mỹ trong tất cả mọi việc, luôn cầu toàn đến từng chi tiết nhỏ) mà thực tế còn kinh khủng hơn – ông ví mình là “Nano-manager” (ý chỉ một nhà quản lý quan tâm tới những tiểu tiết, những chi tiết siêu nhỏ hơn nữa).

Thậm chí, Musk đã không hề đưa ra lời biện minh nào khi tờ Journal miêu tả anh là “người bị ám ảnh với tất cả những chi tiết thiết kế và hoạt động dù là nhỏ nhất tại Tesla”. Và điều đáng nói là phong cách lãnh đạo khá độc đoán này được Elon Musk áp dụng ở ngay cả công ty anh đang song song điều hành là SpaceX.

Cuộc sống và sự nghiệp của Elon Musk luôn khiến nhiều người ghen tị, dĩ nhiên rồi, tại sao không chứ?

Anh ấy là tỉ phú. Có một người vợ xinh đẹp là diễn viên nổi tiếng (đã li hôn). Musk còn đang lên kế hoạch ghé thăm sao Hỏa và thậm chí được người đời ví von là hình tượng của siêu anh hùng Iron Man ngoài đời thực.

Tuy nhiên trước khi lấy Elon Musk là hình tượng và học hỏi theo, nhất là phong cách lãnh đạo kiểu “nano-manager” như kể trên bạn cần phải ghi nhớ lời cảnh báo sau: Đây là cách thức kinh khủng nhất để bắt nhân viên của bạn hoàn thành chỉ tiêu.

Thông thường nhân viên có phong độ tốt nhất khi họ được đặt trong môi trường mà theo như Paul Zak đến từ đại học Claremont Graduate miêu tả là “môi trường có độ tín nhiệm cao”.

Thông qua việc quan sát 5.000 nhân viên đến từ 50 công ty khác nhau, Zak và đội ngũ của mình tại Trung tâm nghiên cứu Neuroeconomics nhận ra rằng những tình huống có sự tín nhiệm cao thường có năng suất làm việc tốt hơn 19% so với những nơi làm việc có sự tín nhiệm thấp. Một yếu tố quan trọng trong môi trường có sự tín nhiệm cao mà theo Zak giải thích là quyền “tự do đảm nhận những dự án, công việc theo cách họ muốn”.

Chính vì vậy, khi quyền tự do trong công việc bị mất đi, nhân viên sẽ cảm thấy như bị mất kiềm kiểm soát và sau đó, não bộ của họ sẽ phản ứng lại như mình đang bị đe dọa. Điều này khiến mức độ căng thẳng tăng cao – và chắc chắn làm giảm năng suất làm việc.

“Nếu bị kiểm soát quá chặt, dù chỉ là cảm giác như vậy thì khả năng nhận thức cũng bị ảnh hưởng”, theo Amy Arnsten – một giáo sư về tâm lý học tại đại học Yale.

Động lực là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong thế giới di chuyển nhanh chóng như hiện nay. Các tổ chức cần nhân viên của họ liên tục sản sinh ra những ý tưởng mới lạ. “Càng thắt chặt kiểm soát, sự sáng tạo càng thấp hơn”, theo F. Asis Martinez-Jerez – một giáo sư kinh doanh tại Notre Dame.

Dĩ nhiên, trong quá trình quản lý công ty vẫn có những tình huống cần tới sự thắt chặt kiểm soát ví dụ như trong giai đoạn khủng hoảng.

Ngoài ra, bất kỳ công ty nào cũng cần có sự lãnh đạo và liều thuốc giải cho phong cách quản lý kiểu “nano” như của Elon Musk dĩ nhiên không phải là bỏ mặc cho nhân viên làm những gì họ thích. Thay vào đó, hãy tạo ra môi trường mà CEO của Gucci là Robert Polet nói: “Sự tự do trong khuôn khổ”.

Quay trở lại với câu chuyện ở Tesla và phong cách quản lý của Elon Musk kể trên. Hậu quả từ việc này mà theo nguồn tin từ tờ Journal cho biết: “Một vài quản lý cấp cao của công ty đã ra đi hoặc bị sa thải vì xung đột với cách làm của Elon Musk”.

Theo Trí Thức Trẻ/Fortune