Chiều 26/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tới Tổng cục Thống kê tổ chức công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2016. Bản tin cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại đang tác động trực tiếp đến lao động việc làm.
Trong quý 1/2016, ước tính GDP tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là sự suy giảm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 1,23%). So với quý 4/2015, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 1/2016 giảm, số người có việc làm giảm hơn 211 nghìn người, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, thủy sản không thay đổi.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn có những điểm sáng. Tỷ lệ làm công, hưởng lương tiếp tục tăng, đạt hơn 41%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị và thất nghiệp thanh niên giảm. Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, tăng 763 nghìn người(1,42%) so với quý 1/2015. Quý 1/2016, số lao động có chuyên môn kỹ thuật là hơn 11 triệu người, tăng 265 nghìn người (2,2%) so với quý 4 năm ngoái.
Quý 1/2016, cả nước có 53,29 triệu người có việc làm, số người có việc làm so với quý 1 năm 2015 giảm hơn 211 nghìn người. Bốn ngành có lao động tăng nhiều nhất là xây dựng (127 nghìn người), tài chính, ngân hàng (tăng 36 nghìn người), dịch vụ khác tăng hơn 34 nghìn người. Ba ngành giảm lao động nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 94,2 nghìn người), nông nghiệp, nông lâm và thủy sản (giảm 82,3 nghìn người), bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô… giảm 74 nghìn người. Tỷ lệ làm công hưởng lương tiếp tục tăng, đạt 41,4%.
Đến hết quý 1/2016 có 262 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động, tăng 16 doanh nghiệp; hơn 23 nghìn lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, giảm hơn 2 nghìn người so với quý 4/2015.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có số người đi lao động lớn nhất (56%). Tiếp theo là Nhật Bản (30,5%), Malaysia, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Ma Cao (Trung Quốc). Thu nhập của người làm công hưởng lương tiếp tục tăng, chênh lệch thu nhập giữa các nhóm cũng tăng lên. Thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 5,09 triệu đồng, tăng so với quý 4/2015 là 417 nghìn đồng.
Đa số các ngành đều có thu nhập tăng so với quý 1/2015. Theo hình thức sở hữu, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục có thu nhập bình quân cao nhất (7,61 triệu đồng), tăng 754 nghìn (11%) so với quý 1/2015. Quý 1/2016, 24,4% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp (dưới 3 triệu đồng).
Số vụ tai nạn lao động tăng, nguyên nhân chủ yếu đến từ người sử dụng lao động, tập trung ở một số ngành/lĩnh vực có nguy cơ cao như: xây dựng, nông nghiệp, cơ khí chế tạo, khai thác khoáng sản. Nguyên nhân tai nạn lao động từ người sử dụng lao động chiếm 53%, từ người lao động chiếm 19% và nguyên nhân khác chiếm 23%.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ cao. Quý 1/2016, cả nước có hơn 1 triệu người ở độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người so với quý 4/2015. Trong đó, hơn 441 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm cao đẳng chuyên nghiệp cao nhất, tiếp đến là cao đẳng nghề và đại học.
Hiện, nhu cầu tuyển dụng lao động là 224 nghìn người, tăng gần 24 nghìn người so với quý 4/2015. Một số công việc có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là lao động phổ thông, dệt may, lái xe, bán hàng, nhân viên kinh doanh, điện, điện tử và cơ khí chế tạo máy…
Theo dự báo, trong quý 2/2016, lực lượng lao động ước đạt 54,47 triệu người, chiếm 76% dân số từ 15 tuổi trở lên, tăng khoảng 0,4% so với quý 1/2016. Lao động trong một số ngành nghề sẽ tăng so với quý 1 bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 254 nghìn người), xây dựng (tăng 135 nghìn người), thông tin truyền thông (tăng 187 nghìn người).
Một số ngành giảm lao động là nông lâm và ngư nghiệp (giảm 109 nghìn người), giáo dục đào tạo (giảm 177 nghìn người). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm, dự báo khoảng 1,9%./.
Theo TTXVN