Chống đuối nước dịp hè: Chỉ học bơi là chưa đủ!

Học sinh trên cả nước chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè – thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học hành căng thẳng. Trái ngược với sự háo hức của con trẻ, các bậc phụ huynh lại tăng thêm nỗi lo về an toàn, tai nạn thương tích, đặc biệt nguy cơ xảy ra đuối nước.


Ảnh minh họa

Đuối nước luôn rình rập

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tình hình tai nạn, thương tích trẻ em ở Việt Nam còn khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước phát triển. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em. Dù điều kiện tự nhiên có nhiều sông, suối, hồ, ao, kênh rạch, là môi trường không an toàn cho trẻ, song nhiều địa phương vẫn chưa coi trọng việc phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ, còn lơ là, chủ quan, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ.

Thời gian vừa qua, nhiều vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Đơn cử, ngày 4-5, tại tỉnh Khánh Hòa, 4 nữ sinh lớp 7 đuối nước tử vong vì rủ nhau đi chơi và tắm biển mà không có sự giám sát của gia đình, thầy cô. Ngày 6-5, tại tỉnh Long An, 3 học sinh lớp 1 rủ nhau đi chơi bị chết đuối dưới kênh. Ngày 8-5, tại Nam Định, 3 học sinh lớp 11 tử vong khi đi tắm biển. Trước đó, ngày 15-4, tại tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra vụ đuối nước nghiêm trọng làm 9 học sinh lớp 6 tử vong khiến gia đình và xã hội lo lắng, bất an.

Nâng cao kỹ năng giám sát con trẻ

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ bơi và các kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước. Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), ông Dương Văn Bá khẳng định, việc học bơi và trang bị kỹ năng chống đuối nước lâu nay vẫn được ngành giáo dục quan tâm. Về nhân lực, không thiếu giáo viên dạy bơi cho học sinh và môn học bơi đã được đưa vào chương trình giáo dục thể chất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi còn rất hạn chế.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan nhận định, việc phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ phải được xem là vấn đề cấp bách, cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Việc dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ cần sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và các tổ chức xã chính trị – xã hội. Các địa phương không có điều kiện xây bể bơi có thể tận dụng điều kiện sẵn có để dạy bơi cho trẻ. Ngoài ra, cần nghiên cứu tình hình thực tế, tăng cường công tác xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các điểm vui chơi an toàn, các bể bơi phục vụ nhu cầu của nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng trên địa bàn.

Theo thống kê, trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ em biết bơi vẫn xảy ra tai nạn đuối nước do không có kỹ năng cứu đuối. Do đó, có thể thấy biết bơi là chưa đủ, quan trọng hơn, trẻ phải có kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước. Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế thấp nhất tử vong do đuối nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm quản lý, không để con trẻ tự tắm sông, tắm biển mà không có người lớn đi cùng giám sát.

Theo Dân Trí