Tuy nhiên, thực tế đã đặt ra một bài toán hóc búa cho các nhà lãnh đạo, đó là đầu tư thế nào để có được sản phẩm công nghệ phù hợp và xứng đáng.
Dưới đây là 6 vấn đề mà một nhà lãnh đạo hiểu biết sẽ đặt ra trước khi quyết định đầu tư vào sản phẩm công nghệ.
1. Ai làm và ai hỗ trợ?
Nếu đó là sản phẩm của một startup công nghệ chưa có tiếng tăm và chưa có ai xác nhận uy tín, nhà đầu tư có thể sẽ không muốn đặt tất cả niềm tin vào sản phẩm mang tính cách mạng của nhà sản xuất.
Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, vì như khi quyết định đầu tư cho bất cứ sản phẩm nào, nhà đầu tư luôn muốn được hỗ trợ nếu gặp khó khăn về kỹ thuật sau khi mua, họ cũng muốn được đảm bảo rằng luôn nhận được sự hỗ trợ sẵn có trong bất kỳ thời gian nào. Sản phẩm công nghệ lại càng cần điều này, bởi kỹ thuật và cách vận hành sản phẩm loại này mới với hầu hết mọi người.
Tương tự, nếu là sản phẩm dùng trong ngành công nghiệp trọng điểm, nhà đầu tư sẽ không vội vã bỏ tiền và sẽ quan sát phản ứng từ thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ xem xét hồ sơ lý lịch của nhà sản xuất để tìm hiểu về năng lực chuyên môn và độ tin cậy.
2. Chi phí thật sự là gì?
Đây nên là một việc được tiến hành cẩn thận, bởi một số nhà cung cấp có tính phí phụ trợ mà hầu hết chúng đều nằm ngoài ngân sách của doanh nghiệp.
Hãy hỏi các chi phí liên quan đến: bảo dưỡng hằng năm, đào tạo, cài đặt, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cấp và tính năng bảo mật. Cuối cùng, đừng ngại khi yêu cầu được dùng thử miễn phí.
3. Sản phẩm này sẽ mang lại điều gì?
Không sửa chữa những gì không bị hỏng và đặt tầm nhìn dài hạn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là điều mà nhà quản lý nên lưu tâm.
Điểm “gãy” của doanh nghiệp là gì? Có bất kỳ sự tắc nghẽn hay không hiệu quả nào mà công nghệ này sẽ giải quyết? Nếu câu trả lời là không, vậy điểm đáng đầu tư vào công nghệ này là gì?
Để việc đầu tư vào một sản phẩm công nghệ có ý nghĩa, hãy đảm bảo nó sẽ đóng góp một điều gì đó vào sự phát triển chức năng kinh doanh, như giảm chi phí hay làm tăng doanh thu.
Để xác định liệu công nghệ mới có làm thay đổi môi trường doanh nghiệp, hãy so sánh lợi ích mà sản phẩm mang lại với các mục tiêu kinh doanh cốt lõi.
4. Nhân viên có muốn sử dụng sản phẩm?
Để một sản phẩm công nghệ có thể phát huy tối đa tính hiệu quả, người sử dụng và vận hành nó đóng vai trò quan trọng.
Nếu nhân viên cảm thấy sản phẩm này quá phức tạp và mất quá nhiều thời gian cũng như công sức để thực hiện, sẽ có những người từ chối sử dụng nó hoặc bất đắc dĩ tuân thủ.
Để tránh các kịch bản không mong muốn, nhà lãnh đạo nên trao đổi với những nhân viên được dự kiến sẽ trực tiếp sử dụng sản phẩm, nhằm có được sự đồng thuận cao từ họ.
5. Công nghệ khác có phải là cần thiết để làm sản phẩm hoạt động?
Giả sử, bạn mua phần cứng, nó sẽ yêu cầu có phần mềm chuyên ngành, và ngược lại.
Người dùng có thể bị “chói mắt” trước sự đánh bóng sản phẩm từ người bán, rằng nó sẽ giúp công ty tự động hóa hoạt động và làm giảm chi phí hay tăng doanh thu…, dẫn đến dễ dàng bỏ qua việc xem xét những hạ tầng, thiết bị mà doanh nghiệp đang sử dụng phải nâng cấp để đồng bộ hóa với công nghệ mới.
Hãy xem xét công nghệ mới có thể “nói” cùng một ngôn ngữ với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có. Nếu công nghệ mới không đủ nhạy bén và dễ dàng để tích hợp, hoặc các hệ thống hiện tại đã quá cũ, doanh nghiệp sẽ hoặc phải tốn thêm một khoản đầu tư khác để nâng cấp, hoặc công nghệ mới được trang bị chỉ để “cho oai”.
6. Những đối thủ cùng ngành có áp dụng công nghệ này?
Bằng cách quan sát kinh nghiệm của người dùng trước, nhà lãnh đạo có thể tìm cách để cải thiện việc sử dụng công nghệ tốt hơn, hoặc xác định những giải pháp mà doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng công nghệ mới.
Nhưng nếu các đối thủ cạnh tranh chưa áp dụng công nghệ mới thì điều đó không có nghĩa là không nên đầu tư, bởi vì chấp nhận rủi ro công nghệ đôi khi có thể gặt hái những phần thưởng lớn.
Vì thế, hãy xác định câu trả lời chính xác cho 5 vấn đề trên, để chắc chắn việc đầu tư này có ý nghĩa đối với các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông thường, chi phí dành cho công nghệ được xem là một “gánh nặng”, một cánh cửa mà nhiều nhà quản lý hoặc chủ doanh nghiệp tránh mở, vì đây luôn là một khoản đầu tư lớn.
Nhưng việc lựa chọn đầu tư vào công nghệ một cách khôn ngoan có thể mang đến cho doanh nghiệp một cơ hội, một tài sản và một lợi thế chưa từng có, và kết quả là năng suất, doanh thu và lợi nhuận đều tăng.
Theo Inc