Có lẽ ngoài TV, hiếm có sản phẩm điện gia dụng nào gắn bó với người Việt Nam lâu hơn một chiếc nồi cơm điện. Dần phổ biến tại Việt Nam đầu những năm 2000, có thể nói nồi cơm điện có một lịch sử phát triển lâu dài.
Thời điểm đó, nồi cơm điện là một món hàng có giá trị tương đối lớn đối với các gia đình Việt. Và bởi sự mới lạ và giá trị của nó, những người đi mua cũng phải lựa chọn kĩ càng. Họ phải xem xét cẩn thận các tính năng (dù lúc đó cũng không có nhiều), hãng sản xuất, dung tích của nồi cơm, dùng có mau hỏng không và thậm chí là hỏi han xem loại nồi này nấu cơm … có ngon không.
Thực tế thì, với sự khan hiếm của các hãng sản xuất và tính năng đơn giản, nồi cơm điện ngày đó ít phức tạp hơn so với việc lựa chọn nồi cơm điện bây giờ nhiều. Ngày nay, nếu bạn bước vào bất kỳ một siêu thị nào, sẽ có đủ loại nồi cơm điện, với vô vàn tính năng: nấu nhanh, giữ ấm, chống dính, công nghệ nấu mới cho cơm ngon hơn,… Nồi cơm điện ngày nay cũng đa dạng về chủng loại hơn xưa nhiều khi có sự góp mặt của đủ các anh tài thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,…
Ấy thế mà, kỳ lạ thay, chẳng mấy người Việt để tâm khi lựa chọn một cái nồi cơm điện như ngày xưa nữa. Không cần ai tư vấn, việc đi mua một cái nồi cơm điện giờ chỉ cần đáp ứng tiêu chí đơn giản: một cái nồi kích cỡ vừa đủ cho 1 gia đình ăn. Sau đó là đến giá tiền. Nếu khách hàng có nhiều tiền và thích đồ “xịn”, họ chọn hàng Nhật. Nếu không, vẫn còn rất nhiều lựa chọn đồ Hàn Quốc, Thái Lan ở những khoảng giá khác nhau.
Đó là tất cả những gì một người quan tâm khi quyết định mua một chiếc nồi cơm điện: Kích cỡ và giá tiền. Việc lựa chọn đơn giản như vậy cho thấy sự thay đổi trong tư duy mua sắm của người Việt Nam.
Tại sao lại có sự thay đổi này? Nguyên nhân đơn giản bởi người tiêu dùng cũng “chẳng biết lựa chọn kỹ hơn thế nào nữa”. Khi nồi cơm điện trở thành mặt hàng phổ thông quen thuộc, chúng ta đều hiểu rằng, nồi cơm nào nấu cơm cũng chín, vậy thì còn gì để lựa chọn? Có chăng, chỉ là kích cỡ và giá thành, như đã nói ở trên.
Đó cũng sẽ là tương lai không xa của smartphone, khi người Việt Nam sẽ mua smartphone giống y như cách họ mua một chiếc nồi cơm điện. Dù smartphone ngày càng phức tạp với hàng tá các tính năng mới ra đời mỗi ngày, nhưng với người dùng phổ thông, câu chuyện vẫn không có gì thay đổi. Mọi người sẽ “chẳng biết lựa chọn kỹ hơn thế nào”.
Smartphone này có hỗ trợ 4G? Smartphone này có áp dụng công nghệ force touch đời mới? Nó cũng giống như bạn bảo với khách hàng nồi cơm điện này có công nghệ hơi nước tạo áp suất cao giúp cơm chín đều hơn vậy. Thực sự thì họ chẳng hiểu được điều này.
Tương tự, đa phần khách hàng cũng sẽ không hiểu tính năng mới của smartphone giúp gì cho mình. Mà quan tâm làm gì khi với cuộc đua công nghệ, điện thoại phân cùng khúc nào chẳng trang bị những tính năng giống nhau.
Vậy điều họ – những người mua smartphone trong 3 – 4 năm tới đây thực sự quan tâm là gì? Đó là kích cỡ và giá tiền.
Vâng, cũng giống như nồi cơm điện, khách hàng sẽ chỉ quan tâm tới chiếc điện thoại họ mua có cầm vừa tay hay không, có thoải mái khi nhét vào túi quần hay không và nó tiêu tốn của họ bao nhiêu tiền.
Nếu khách hàng có nhiều tiền, thích hàng “xịn”, họ chọn smartphone Mỹ (Apple). Nếu khách hàng có vừa tiền, họ chọn hàng Hàn Quốc (Samsung). Còn nếu khách hàng có thu nhập không cao, họ sẽ chọn hàng Trung Quốc (Xiaomi, Oppo,…). Lựa chọn một chiếc smartphone chưa bao giờ đơn giản như thế.
Khách hàng có cần tư vấn không? Họ có cần kiểm tra xem camera smartphone chụp ảnh có đẹp không?
Đến cả việc mở hộp đựng một chiếc iPhone trước khi mua còn không được thì nên kiểm tra gì? Thay vào đó, khách hàng chọn lựa điện thoại theo nhãn hiệu và túi tiền của mình.
Cuối cùng, giống như nồi cơm điện, smartphone sẽ chỉ còn chiếm một ví trí rất nhỏ trong các gian hàng ở siêu thị hay các cửa hàng điện máy, hoặc những cửa hàng diện tích vài mét vuông là đủ.
Đây sẽ là đòn đánh mạnh mẽ vào các chuỗi bán lẻ di động hiện nay. Vì sự tối giản đó, sẽ khiến diện tích trưng bày các mặt hàng này trở nên thừa thãi. Một cửa hàng bán lẻ di động rộng vài trăm mét vuông sẽ trở nên không cần thiết. Việc duy trì mặt bằng lớn và nhân viên tư vấn làm tăng thêm gánh nặng chi phí.
Các hãng bán lẻ di động cũng đã nhận ra xu thế này, khi đầu tư nhiều hơn để tăng doanh thu từ bán lẻ online. Năm 2015, doanh thu từ bán lẻ từ Thế giới di động đạt 1,6 nghìn tỉ đồng, tăng gấp đôi so với con số 850 tỉ đồng năm 2014. Sang năm 2016, doanh nghiệp này dự báo con số doanh thu sẽ là 3.000 tỉ đồng. FPT Shop năm nay cũng cho biết, doanh thu từ online cũng tăng mạnh.
Nhưng sự gia tăng nhanh chóng doanh thu từ bán hàng online cũng là minh chứng cụ thể cho thấy chúng ta có thể mua điện thoại và linh kiện dễ dàng mà chẳng cần kiểm tra hay tư vấn gì hết.
Vậy vai trò của những cửa hàng bán lẻ di động lớn trong tương lai là gì? FPT Shop và Thế giới di động đều biết câu trả lời. FPT Shop thì đang hoàn tất việc bán lại cho đối tác còn Thế giới di động thì nỗ lực hơn trong việc đa dạng hóa chuỗi của mình, từ bán lẻ di động sang điện máy và bách hóa.
Thực tế thì, câu chuyện trên không phải là phỏng đoán, khi nó đã diễn ra trên thế giới. Những hãng điện máy lớn tại Mỹ đã phải giảm rất mạnh tỉ trọng và diện tích bày bán smartphone trong các cửa hàng của mình, và thay thế bằng những loại đồ điện tử khác.
Theo Trí Thức Trẻ