Phải chăng doanh nghiệp Việt không thích hợp tác với nhau?

Chỉ là một thành phố rất nhỏ, nhờ hưởng lợi từ du lịch mà nơi này có mức sống rất tốt. Một số gia đình đã từ hai bàn tay trắng thành triệu phú đô la. Đã có những ngành nghề đặc biệt phát triển, và theo thói thường ông bà mình buôn bán từ xưa hay lập thành phường thì nay lập thành hội nghề nghiệp. Thế nhưng, ở thành phố này rất khác.
   


Ảnh minh họa

Một doanh nghiệp ở đây tổ chức lễ động thổ xây dựng khu nghỉ mát. Buổi lễ rất long trọng, nhưng đại biểu tham dự chỉ hơn chục bạn bè trái nghề ở thành phố khác về dự, còn lại đều là bà con, họ hàng của ông chủ đầu tư đến chia vui. Dự buổi lễ ấy không khỏi thắc mắc, con đường làm giàu của ông sao ít người chia sẻ ngọt bùi, để cho một buổi lễ lẽ ra rất vui lại diễn ra trong tẻ nhạt.

Ít lâu sau, tôi dự một buổi trình diễn thời trang của một DN khác. Nhìn khách mời, tôi cũng không thấy đồng nghiệp của bà chủ bộ sưu tập, 70% là người nước ngoài được mời đến dự. Số còn lại cũng là bạn bè không cùng nghề hoặc người nhà, nhân viên.

Chương trình hoành tráng và chuyên nghiệp chưa từng thấy ở một thành phố nhỏ như vậy, nhưng cũng chỉ là cho… người ngoài, những đồng nghiệp, những doanh nghiệp cùng nghề, cùng thành phố, thậm chí cùng phường đều vắng mặt. Không tiện hỏi bà chủ bộ sưu tập về khách mời, tôi đành giữ riêng câu hỏi đó!

Và mới đây, một doanh nghiệp khác làm một lễ hội rất lớn, mời được rất nhiều nhân vật quan trọng trong các hiệp hội thế giới và khu vực. Doanh nghiệp ấy cũng rất trân trọng dành một số giấy mời cho các đồng nghiệp trong thành phố nhỏ. Tuy nhiên, không một ai trong số các đồng nghiệp đến tham dự, hành động lịch sự tối thiểu là gửi hoa chúc mừng như thông lệ cũng không.

Tính chất lễ hội này cũng có mục đích kết nối các doanh nghiệp để mở rộng đối tác làm ăn đã không được các doanh nghiệp cùng địa phương hưởng ứng. Điều này thật sự gây sốc cho những khách mời từ phương xa đem theo kỳ vọng sẽ gặp gỡ được những đối tác trong tương lai.

Một lần tôi nghe câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” cải biên thế này: Khi trả ơn người đánh cá đã trả tự do cho mình, cá vàng nói: “Nếu bạn ước một cái nhà, bạn sẽ có một cái nhà, và hàng xóm của bạn sẽ có hai cái. Các bạn sẽ sống gần nhau trong bình yên và hạnh phúc”. Người đánh cá suy nghĩ về người hàng xóm, nhờ lời ước của mình mà anh ta có được số của cải nhiều gấp đôi mình, rồi bỗng tức giận. Trong cơn bực tức, người đánh cá nói với cá vàng: “Nếu vậy, hãy cho tôi chột một mắt, như vậy anh ta (người hàng xóm) sẽ phải chột cả hai mắt, đúng không?”. Cá vàng lắng nghe và quá thất vọng, quẫy đuôi biến mất!

Nếu lên tiếng phê phán sự ghẻ lạnh trước những cố gắng của những doanh nghiệp cùng ngành với mình thì họ sẽ có nhiều lý do để chống chế. Tuy nhiên, ông bà ta đã có câu “Buôn có bạn, bán có phường”, rất nhiều nơi đã thành lập các hiệp hội để có tiếng nói chung trên thị trường, hoặc cùng kiến nghị những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp với chính quyền.

Tôi nghĩ đến bộ sưu tập thời trang mà doanh nghiệp nọ đã đầu tư vào những nhà thiết kế nước ngoài, đưa những người mẫu từ thành phố lớn về diễn, những chiếc ghế trống trải để lại cảm giác thật buồn. Tôi nghĩ đến một triển lãm hàng sản xuất mà những người từ rất xa, thậm chí phải nối đến ba, bốn chuyến bay để đến tham dự, thì doanh nghiệp cùng địa phương lại không hề quan tâm.

Hóa ra câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” mà ai đó đã cải biên cũng xuất phát từ thực tế. Một thực tế buồn khi doanh nghiệp Việt muốn làm ăn với cả thế giới nhưng lại không muốn hợp tác với người ở ngay bên cạnh. Với lối suy nghĩ đó, một doanh nghiệp lẻ loi sẽ mãi chật vật với con đường xây dựng thương hiệu của mình, sẽ mãi đối diện khó khăn với tư duy sẵn sàng “chột một mắt” như thế!

Theo DNSG